Mới đây, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện nhóm cơ sở sản xuất giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine. Được biết trong năm 2024, nhóm này đã tuồn ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết, hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm tại Việt Nam. Ông Thịnh cho rằng, việc sử dụng hóa chất làm giá đỗ không phải là hiếm gặp, nhưng làm và tung ra thị trường với số lượng lớn như trên thì thật sự đáng báo động.
Theo ông Thịnh, hoạt chất 6-benzylaminopurine thực chất là chất kích thích tăng trưởng tế bào, giúp kích thích tăng trưởng thực vật. Khi sử dụng hoạt chất này vào làm giá đỗ sẽ rút ngắn thời gian sản xuất, giúp cọng giá đỗ trắng, mập và bắt mắt người tiêu dùng hơn.
Việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất giá đỗ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Nếu ăn với số lượng ít hóa chất sẽ tích tụ trong người, gây biến đổi gen, mắc nhiều bệnh. Còn sử dụng số lượng nhiều hoặc trực tiếp có thể gây ngộ độc, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Cách nhận biết giá đỗ ngâm hóa chất
Giá đỗ là một loại thực phẩm bổ dưỡng, giá rẻ nên rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, không ít người bán hàng đã sử dụng đến những hóa chất độc hại để làm giá.
Vì vậy, người tiêu dùng có thể nhận biết giá đỗ sạch, an toàn qua một số dấu hiệu sau:
Quá trình ngâm hóa chất khiến giá đỗ phát triển nhanh chóng, có hình dáng bắt mắt nhưng lại thiếu đi sự tự nhiên. Giá đỗ ngâm hóa chất thường mập, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn, đẹp mắt nhưng rất giòn và dễ gãy. Trong khi đó, giá đỗ sạch thường gầy hơn, không bóng, thân cứng và khó đứt gãy.
Giá đỗ bẩn bên trái, giá đỗ sạch bên phải |
Chiều dài, kích thước của rau giá ngâm hóa chất thường khá dài trong khi giá đỗ sạch chỉ có chiều dài bằng khoảng 1 nửa giá đỗ ngâm hóa chất. Chọn giá đỗ có chiều dài khoảng 5-6cm, thân mảnh, không to mập quá. Không chọn giá đỗ có cọng dài bất thường.
Giá đỗ sạch được ủ truyền thống từ 3-5 ngày, cọng nhỏ, dài, có nhiều rễ do hút nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất được ủ nhanh hơn và ít rễ hơn.
Thông thường, giá đỗ sạch thường có 2 hạt mầm to và lá non màu xanh hoặc vàng. Còn giá đỗ ngâm hóa chất thường không có lá hoặc có 2 hạt ngậm chặt với nhau.
Về màu sắc, giá đỗ sạch có màu vàng nhạt tự nhiên, trong khi giá đỗ ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, trông bóng bẩy hơn. Khi ăn, giá đỗ sạch có vị ngọt thanh, giòn, đặc và nhiều nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất thường xốp, khô, ăn không thơm và ít ngọt.
Giá đỗ sạch khi bảo quản ngoài không khí rất nhanh bị héo, khô lai hoặc thâm. Còn giá đỗ ngâm hóa chất thì tươi lâu hơn, nhiệt độ, nắng nóng vẫn chịu được.
Những sai lầm phổ biến khi giảm cân |
8 loại thực phẩm lên men tốt cho sức khỏe đường ruột |
Những thói quen ăn sáng sai lầm làm tăng cholesterol |