Bộ Y tế đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi Đà Nẵng ghi nhận 300 trường hợp từ chối tiêm vắc xin sởi Ghi nhận ca tử vong do sởi ở người lớn đầu tiên năm 2025 |
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh sởi và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các ca bệnh nặng dẫn đến tử vong, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo đặc biệt đối với nhóm người có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nghiêm trọng liên quan đến bệnh sởi.
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh nhất. Mọi người, không phân biệt độ tuổi, đều có thể mắc bệnh. Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
![]() |
Trường hợp người lớn mắc sởi biến chứng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Gần đây, số ca mắc sởi ở người lớn có xu hướng gia tăng, trong đó đã ghi nhận một số trường hợp diễn biến nặng và có ca tử vong. Theo báo cáo từ Viện Y học Nhiệt đới, mỗi ngày tiếp nhận từ 10 đến 20 bệnh nhân trưởng thành mắc sởi với các triệu chứng điển hình như sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt và nước mũi.
Nhiều bệnh nhân mắc sởi có diễn tiến nặng với các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí là viêm não – màng não. Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp này đều chưa từng được tiêm phòng sởi hoặc chỉ tiêm một mũi mà không tiêm nhắc lại đúng lịch.
Các ca bệnh thường rơi vào nhóm tuổi từ 30 đến 50, do chủ quan và không nghĩ rằng mình có thể mắc sởi, nên khi nhập viện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua có một trường hợp bệnh nhân nhập viện với biến chứng viêm phổi nghiêm trọng, phải tiến hành lọc máu và can thiệp ECMO. Dù đã được điều trị tích cực trong suốt hai tuần, bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Bệnh nhân nói trên tử vong do mắc sởi trên nền bệnh lý phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Đây là ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi ở người trưởng thành trong năm 2025, gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm và các biến chứng nghiêm trọng mà bệnh sởi có thể gây ra.
![]() |
Việc tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả mũi nhắc lại, là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra. |
Để giảm thiểu nguy cơ diễn biến nặng và tử vong, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo những người thuộc nhóm nguy cơ như người có bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi — đặc biệt là những người không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa từng mắc sởi — cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh. Việc tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả mũi nhắc lại, là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra.
Người thuộc nhóm nguy cơ cao, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời nhằm hạn chế nguy cơ diễn tiến nặng và các biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với người đang mắc hoặc nghi ngờ mắc sởi. Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang đúng cách và rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc. Đồng thời, nên vệ sinh thường xuyên các bề mặt tại nơi ở, làm việc, học tập để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh trong cộng đồng.
![]() |
![]() |
![]() |