Vắc xin phòng sởi tiêm mấy mũi là đủ? Người bệnh sởi nên ăn gì và kiêng gì? Bộ Y tế đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi |
Ngày 6/4, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, số ca bệnh sởi trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng liên tục từ tháng 2 đến nay.
Tính từ đầu năm 2025, toàn thành phố đã ghi nhận khoảng 3.700 ca nghi mắc sởi. Trong số này, có 973 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính, chiếm hơn 83% số mẫu được xét nghiệm.
![]() |
Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO) |
Số ca nhập viện điều trị nội trú cũng ghi nhận mức tăng, với trung bình khoảng 550 ca trong tháng 3/2025. Hiện tại, có 317 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 21 trường hợp nặng. Đáng chú ý, khoảng 20% số ca nặng là người từ các tỉnh khác đến.
Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, trong số các bệnh nhân mắc sởi có kết quả xét nghiệm dương tính, có tới 58,6% là trẻ em đã đến độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm đủ các mũi vắc xin có chứa thành phần sởi. Bên cạnh đó, 8,5% bệnh nhân dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng sởi vẫn bị mắc bệnh.
Xét theo độ tuổi, 12,7% bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi; 16,5% trong độ tuổi từ 9 đến 24 tháng; 21,8% từ trên 2 đến 5 tuổi; 27,2% từ trên 5 đến 11 tuổi; và 21,7% trên 11 tuổi. Đáng chú ý, có đến 57,1% bệnh nhân là trẻ trong độ tuổi đi học.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ ngày 25/3, Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi tại toàn bộ 47 xã, phường trên địa bàn thành phố.
Kết thúc chiến dịch tiêm chủng vào cuối tháng 3, TP Đà Nẵng đã tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi cho 21.560 trẻ em từ 6–9 tháng tuổi và từ 1–10 tuổi chưa tiêm đủ liều, đạt tỷ lệ hơn 96%. Tuy nhiên, vẫn còn 479 trẻ thuộc diện tiêm nhưng chưa được tiêm do chống chỉ định hoặc phải hoãn tiêm vì lý do sức khỏe, bệnh lý. Ngoài ra, có 300 trường hợp không đồng ý tiêm, trong đó gồm 50 trẻ từ 6–9 tháng tuổi, 110 trẻ từ 1–5 tuổi và 140 trẻ từ 6–10 tuổi.
Sở Y tế TP Đà Nẵng khẳng định, hệ thống khám chữa bệnh hiện tại đủ năng lực ứng phó với tình hình dịch sởi. Các cơ sở y tế trên địa bàn, bên cạnh nhiệm vụ khám chữa bệnh thường xuyên, đã chuẩn bị sẵn sàng từ 650 đến 700 giường bệnh điều trị nội trú cho bệnh nhân nghi sởi hoặc mắc sởi, cùng khoảng 30 giường dành riêng cho các trường hợp bệnh nặng. Nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và vật tư y tế phục vụ công tác điều trị bệnh sởi cũng đã được bảo đảm đầy đủ.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Nhiều người lầm tưởng rằng sởi chỉ gây các triệu chứng nhẹ như phát ban hay sốt, nhưng thực tế, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể dẫn đến viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, ảnh hưởng đến hệ vận động và nhiều cơ quan trong cơ thể. Một số tổn thương có thể kéo dài vĩnh viễn, chẳng hạn như viêm não, viêm màng não hay thậm chí mù lòa. Đặc biệt, sởi còn có khả năng làm suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng, được gọi là "xóa trí nhớ miễn dịch", khiến cơ thể mất đi trung bình 40 loại kháng thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Sởi có tốc độ lây lan nhanh từ người sang người qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn chứa virus có thể phát tán vào không khí và tồn tại từ 1 đến 2 giờ. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Bệnh thường tự khỏi theo thời gian, kết hợp với việc sử dụng thuốc hỗ trợ, nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tiêm vắc xin phòng sởi ngay từ đầu là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh. |
![]() |
![]() |
![]() |