![]() |
Cỏ năn tượng vừa là trố trú cho cá tôm vừa tạo nguồn nguyên liệu làm thủ công mỹ nghệ. |
Trồng cỏ dại làm nhà cho tôm cá
Năn tượng, một loại cỏ trước đây mọc tự nhiên trong các vùng đầm lầy, thế nhưng gần đây loài cỏ này được nhiều hộ nuôi tôm, cua ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL triển khai nhân rộng trồng khá phổ biến. “Năn tượng - tôm cua” hiện đang là mô hình sản xuất mới thích ứng tốt với BĐKH tại những vùng đất thường xuyên bị mặn lấn sâu.
Ông Trần Văn Mật là một trong những người tiên phong trồng cỏ năn tượng tại xã Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Cách đây vài năm, ông Mật đã lặn lội xuống tận Cà Mau để tìm năn giống về trồng thử nghiệm, với mong muốn vừa có thể nuôi tôm, cua vừa có thể tìm cây trồng phù hợp với điều kiện mặn xâm nhập.
![]() |
Những vùng cỏ năn tượng mọc tự nhiên ở ĐBSCL. |
Từ quyết tâm của ông Mật, cây năn tượng “bén duyên” ở vùng đất ven biển thường bị mặn lấn sâu. Người dân ở các vùng ven biển ĐBSCL chọn cây năn tượng vì nó thích ứng tốt với con tôm, con cua; có khả năng chống chịu mặn tốt hơn nhiều so với cây lúa. Đặc biệt, năn tượng phát triển rất tốt ở độ mặn từ 5‰-10‰ và độ mặn này lại phù hợp với môi trường sống của tôm, cua.
Một số nhà khoa học cùng nông dân nghiệm chứng ở những vùng cỏ năn tượng tự nhiên sinh sôi ngoài đồng tại Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…, chúng có khả năng làm sạch nguồn nước, tạo môi sinh tốt cho tôm, cua, cá… một cách phù hợp, tùy theo mô hình nuôi thủy sản của người dân, nhất là phù hợp mô hình nuôi quảng canh hoặc để cải thiện môi sinh.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia nghiên cứu về đất ngập nước (thuộc Trường Đại học Cần Thơ), người đặc biệt quan tâm đến mô hình “năn tượng - tôm cua” cho biết: “Đây là mô hình chúng ta hoàn toàn dựa vào thiên nhiên. Có nghĩa là đất, nước như thế nào thì chúng ta chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp và đặc biệt là không tạo ra xung đột với sản xuất hiện tại của người dân. Qua thực tế cho thấy, năn tượng tạo nên môi trường sinh thái thuận lợi, nhất là nguồn thức ăn tự nhiên giúp cho tôm, cua phát triển nhanh, làm giảm 30% dịch bệnh đối với tôm, cua nuôi so với các mô hình bình thường”.
Lợi ích kép tạo sinh kế bền vững cho người dân
Chị Trần Hồng Ni, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên là người đã tiên phong đưa cây năn tượng về trồng 1ha tại ruộng nhà. Ông Hai Mật (Trần Văn Mật) – cha của chị Ni ủng hộ cách thực hiện mô hình canh tác mới của con gái. Bà con chòm xóm còn gọi là năn tượng Hai Mật, dù lúc đầu có người nghi ngại loài cỏ này trước kia diệt không xuể sao còn đem về trồng?
Ông Hai Mật bày tỏ: Qua nhiều năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đất ruộng nhà trồng lúa và nuôi tôm. Cũng có năm thắt ngặt chờ nước mặn lên trễ giống như đầu năm nay khiến khó thả tôm. Chuyện mới khởi đầu nan, một khi đưa cây trồng vật nuôi mới có thể rủi ro phải chấp nhận. Còn đưa cỏ năn tượng trồng trở lại là một câu chuyện khác.
![]() |
Sau khi thu hoạch, cỏ năn tượng được đem phơi khô. |
Loài cỏ này dễ tìm, dễ trồng, thích nghi tốt trên vùng đất ngập nước dù mặn hay lợ. Sác nhà khoa học cho biết cỏ năn tượng có thể chịu mặn 8‰ như cây bồn bồn, thậm chí độ mặn tới 15 - 20‰ vẫn không chết. Chỉ cần cấy găm 3 tép cỏ xuống đất bùn mặt ruộng, khoảng cách 7 - 8 tấc (70 - 80cm) chỉ trong thời gian ngắn cây sẽ tự nở bụi.
So với một vụ lúa trước đây tốn chi phí nhân công, máy cày xới, phân thuốc trừ sâu…, nếu được mùa tính ra còn lời khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/công. Trong khi trồng năn tượng không tốn phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ cần canh nước không ngập đọt ngọn cỏ, thu 2 tấn tươi/công (1.000m2), phơi khô còn 1 tấn. Mỗi vụ năng tượng trồng sau 4 tháng sẽ cho thu hoạch, được Công ty Cổ phần MCF Việt Nam (do Quỹ MCF hỗ trợ, tư vấn) thu mua sử dụng làm nguyên liệu đan giỏ (sản phẩm thủ công mỹ nghệ) xuất khẩu.
Trung bình 7 - 8kg năn tươi sau khi phơi thu 1 kg năn khô. Giá năn tượng tươi khoảng 600 - 700 đồng/kg, sau khi phơi khô là 8.000 - 10.000 đồng/kg (tùy vị trí xa hay gần điểm thu mua). Tính bình quân cho thu nhập 6 - 8 triệu đồng/công, tính gộp chung thu 3 đợt là 18 - 24 triệu đồng/công/năm. Tính ra, nông dân đỡ cực công hơn gấp nhiều lần trồng lúa. Đó là chưa kể nguồn lợi rất lớn về mặt môi trường nhờ năn tượng làm sạch nước, rong tảo, đất…, từ đó có thể thả nuôi tôm, cua hoặc cá.
![]() |
Cỏ năn tượng được sử dụng để đan lát hàng thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho lao động nông thôn. |
Ông Hai Mật nhẩm tính, trung bình, 1.000m2 đất trồng năn tượng sẽ cho năng suất khoảng 1 tấn nguyên liệu khô, được các hợp tác xã (HTX) đan đát thu mua với giá bán 6.000 đồng/kg. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, người trồng thu về khoảng 12 triệu đồng, thì vẫn tốt hơn lúa nhiều, chưa kể nguồn thu từ con tôm, con cua.
Do là loại cây thân cỏ, năn tượng có ưu điểm dai, chắc và sợi nhỏ nên phù hợp làm đa dạng sản phẩm thủ công mỹ nghệ như giỏ xách, nón thời trang, đồ trang trí…, được thị trường nước ngoài ưa chuộng./.