Thổi phồng quá mức về tác dụng của máy sấy
![]() |
![]() |
Một số thông tin chia sẻ trên mạng xã hội thời gian gần đây. |
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc dùng máy sấy tóc để giúp tăng đề kháng cho trẻ khi trời lạnh, bài viết được giới thiệu với tựa đề "tăng đề kháng, vượt ốm không kháng sinh" nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhất là phụ huynh đang có con nhỏ.
Theo bài viết này, dùng máy sấy tóc theo những cách này có thể giúp bé "tăng đề kháng, vượt ốm tự nhiên không kháng sinh nhờ tác động nhiệt giúp tăng tuần hoàn máu, làm loãng đờm, kích thích hệ miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế cảm lạnh".
Bài viết hướng dẫn cách giữ ấm giúp bé khỏe mạnh, phòng bệnh bằng máy sấy như sau: "Sau khi tắm hoặc đi ngoài trời lạnh về, phụ huynh đưa máy sấy vào trong áo, sấy dọc sống lưng, hai bên phổi và gan bàn chân để giữ ấm, hạn chế cảm lạnh. Nếu ban đêm bé hay đạp chăn, lạnh chân tay, phụ huynh sấy gan bàn chân (huyệt Dũng Tuyền), lòng bàn tay trong 3-5 phút giúp bé ngủ ngon, tránh nhiễm lạnh. Trẻ nhỏ đổ mồ hôi trộm, phụ huynh lau khô lưng rồi sấy ấm nhẹ nhàng vùng lưng trên để tránh cảm lạnh, viêm phổi".
![]() |
Nhiều người còn chia sẻ dùng máy sấy có thể trị cúm A. |
Ngoài ra, người viết còn hướng dẫn một cách khác giúp hỗ trợ bé vượt ốm không kháng sinh - phân biệt các bệnh và cách thực hiện như sau: Nghẹt mũi, sổ mũi (viêm mũi, cảm lạnh) với các triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi, khó thở thì sấy gan bàn chân, ngón chân cái (liên quan đến phổi và họng). sau đó, sấy nhẹ vùng mũi từ xa để giúp làm khô dịch mũi. Cuối cùng, sấy dọc sống lưng, vùng ngực để hỗ trợ hô hấp.
Ho có đờm, ho khan (Viêm họng, viêm phế quản nhẹ) với các triệu chứng ho dai dẳng, có đờm hoặc khô rát họng thì sấy gan bàn chân, đặc biệt ngón cái để tác động lên phổi. Sau đó, sấy vùng cổ họng, dọc cột sống và ngực để làm loãng đờm. Cuối cùng, sấy nhẹ lòng bàn tay, cổ tay để kích thích hệ miễn dịch.
Sốt do cảm lạnh với các triệu chứng sốt cao, ho nhiều, khò khè thì ấy Dũng Tuyền (gan bàn chân), Thừa Sơn (bắp chân) để hỗ trợ hạ sốt. Sau đó, sấy dọc cột sống, vùng ngực để hỗ trợ phổi. Cuối cùng, sấy nhẹ vùng ngực ở bắp chân (huyệt Thừa Sơn) giúp long đờm.
Đầy hơi, tiêu chảy do lạnh bụng do nhiễm lạnh thì sấy quanh rốn theo chiều kim đồng hồ trong 3-5 phút giúp kích thích tiêu hóa. Sau đó, sấy dọc sống lưng (vùng thận) để giữ ấm tỳ vị.
Tay chân lạnh, người hay mệt mỏi (suy nhược, tuần hoàn kém) với các triệu chứng tay chân lạnh, bé ngủ không sâu giấc thì sấy gan bàn chân, lòng bàn tay để tăng tuần hoàn. Sau đó, sấy dọc cột sống giúp điều hòa khí huyết.
Cuối bài, người viết còn đưa ra một số lưu ý an toàn như: Giữ khoảng cách 15-20cm, tránh quá nóng. Sấy mỗi vùng tối đa 3-5 phút, tránh khô da. Không dùng trên vết thương hở hoặc vùng da quá nhạy cảm.
Hiện, nội dung trên đã thu hút hàng chục nghìn lượt lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt thích và bình luận. Rất nhiều mẹ bỉm sữa nói sẽ áp dụng theo. Bên cạnh đó, trên một facebook cá nhân có đăng: "Nhà cháu áp dụng cách này với cả nhà, không riêng trẻ nhỏ. Các bác tham khảo ạ. Đợt em ốm cảm cúm kéo dài, em được chính bác sĩ dùng máy sấy để sấy các huyệt đạo. Kèm xoa bóp đánh cảm đợt đó. Bác sĩ hướng dẫn và khuyên em nên làm cách này. Cực kỳ đơn giản mà lại hiệu quả cao ạ".
Bác sĩ cảnh cáo "nóng"
![]() |
Việc dùng máy sấy chỉ giúp làm ấm tay chân, không hề có tác dụng với nhiều bệnh như bài viết chia sẻ trên mạng xã hội. |
Trước những thông tin trên, Th.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết, máy sấy không phải bảo bối có tác dụng vạn năng, việc dùng máy sấy không cẩn thận gây tai nạn điện giật rất nguy hiểm, nhất là với trẻ.
Với thông tin cho rằng, dùng máy sấy sau khi đi lạnh về hoặc sau khi tắm, bác sĩ Mạnh cho rằng, có thể thực hiện cách này để làm ấm tay chân khi đang lạnh, nhưng với trẻ thì người lớn phải thực hiện để tránh tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, việc dùng máy sấy chỉ giúp làm ấm tay chân, không hề có tác dụng với nhiều bệnh như bài viết chia sẻ trên mạng xã hội.
Các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản do vi khuẩn... không liên quan đến lạnh, nếu người dân dùng máy sấy lưng, sấy các huyệt thì sẽ không có tác dụng. Tùy trường hợp bệnh, nếu nhẹ thì bác sĩ sẽ không kê kháng sinh mà chỉ hướng dẫn giữ ấm, uống đủ nước.
Ngược lại, với trường hợp bệnh nặng, bên cạnh việc giữ ấm, ăn uống đầy đủ thì bác sĩ vẫn phải kê kháng sinh để bệnh tránh tiến triển nặng hơn. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời thì có thể diễn biến tới viêm phổi, suy hô hấp nguy hiểm tới tính mạng.
"Việc tăng đề kháng cho trẻ không liên quan gì đến dùng máy sấy tóc làm ấm tay chân, gáy, lưng… đây chỉ là phương tiện sưởi ấm. Tăng đề kháng cho con bằng cách bù đủ nước, dinh dưỡng, tắm nắng, tiêm phòng đầy đủ, tập thể dục thể thao, tăng vận động cho trẻ”, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.
Đồng quan điểm, BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cũng cho rằng: "Việc dùng máy sấy để tăng đề kháng chỉ là cách làm tự chế, chưa có cơ sở khoa học. Có thể dùng máy sấy để làm giảm lạnh, nhưng lạm dụng thì nguy cơ bị bỏng, khô da, điện giật là rất lớn. Hơn nữa tác dụng nhiệt từ máy sấy là tác dụng nhiệt nông, không có tác dụng “vạn năng” như post đang lan truyền trên mạng xã hội. Mọi người cần chọn lọc thông tin trên mạng xã hội, tránh làm theo kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng”.