Chọn máy sấy hay tủ sấy quần áo là băn khoăn của nhiều người |
Nhiều người lựa chọn các thiết bị sấy quần áo để khắc phục tình trạng quần áo mãi không khô, nhưng mua cái gì cho phù hợp thì không phải dễ trả lời.
Với thời tiết miền Bắc lạnh và ẩm ướt như mấy hôm nay thì việc làm khô quần áo sau khi giặt quả thực không hề dễ dàng, kể cả là có đem ra phơi cả ngày đi chăng nữa.
Bước chân ra ngoài đường thì ướt át, về đến nhà thì nồm ẩm – quả là rất khó chịu. Vì vậy, nhiều người lựa chọn các thiết bị sấy quần áo để khắc phục tình trạng này là điều dễ hiểu.
Chọn máy sấy chục triệu
Khi nhắc tới sấy quần áo thì chúng ta thường sẽ nghĩ đến những chiếc máy to như máy giặt cửa ngang. Thiết bị này giúp làm khô quần áo sau khi giặt chỉ trong thời gian ngắn – từ vài chục phút. Một số mẫu còn được tích hợp thêm khả năng khử khuẩn, lọc bụi... giúp quần áo thậm chí còn sạch và thơm hơn cả kiểu phơi truyền thống ngoài trời. Vì thế, máy sấy rất hữu dụng với điều kiện của những gia đình ở chung cư không bố trí được chỗ phơi đồ hoặc nhà mặt đất nhưng ở trong các ngõ, ngách nhỏ quanh năm không có ánh sáng mặt trời.
Ưu điểm của máy sấy quần áo là làm khô nhanh và hiệu quả cao, giúp quần áo ít bị nhăn, bảo vệ vải, diệt khuẩn và có nhiều chế độ sấy để phù hợp với các loại quần áo khác nhau. Do có cấu tạo không quá phức tạp, lại không phải tiếp xúc trực tiếp với nước nên tuổi thọ và độ bền của máy sấy quần áo khá cao.
Tuy vậy, các loại máy sấy quần áo có giá không hề rẻ. Dạo quanh một số website bán đồ điện máy, không khó để thấy những mẫu máy sấy quần áo "bèo" nhất cũng phải từ xấp xỉ 7 triệu đồng, còn cao hơn thì đến 1-2 chục triệu, tức là ngang với giá của máy giặt.
Tìm hiểu sâu thêm một chút, chúng ta còn biết được rằng máy sấy quần áo chia thành các công nghệ: sấy ngưng tụ, sấy thông hơi và sấy bơm nhiệt và do đó khác nhau trong cách lắp đặt. Người tiêu dùng cần tìm hiểu trước để lựa chọn cho phù hợp với diện tích và không gian trong nhà.
Để tiết kiệm diện tích, nhiều người có thể bố trí để máy sấy quần áo ở trên máy giặt. Tuy nhiên, kiểu đặt này chỉ có thể thực hiện được nếu bạn sử dụng máy giặt lồng ngang, còn những người đang sử dụng máy giặt cửa đứng (lồng đứng) thì khó có thể áp dụng.
Hay tủ sấy 500 nghìn
Chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ bằng 1/10, thậm chí 1/20 so với máy sấy quần áo là chúng ta đã có thể rinh về nhà một thiết bị cũng có khả năng làm khô y phục hay không? Vâng, đó chính là những chiếc tủ sấy quần áo với giá vô cùng phải chăng.
Trái ngược với máy sấy quần áo khá đơn điệu và giống nhau về thiết kế, nếu bạn tìm kiếm "tủ sấy quần áo" trên mạng Internet thì sẽ thấy vô vàn mẫu mã "xanh đỏ tím vàng" như bươm bướm, còn hình dạng thì có 2 loại chính là trụ tròn và hình hộp chữ nhật truyền thống.
Dù đa dạng như vậy nhưng nói chung thì các loại tủ sấy quần áo đều giống nhau về cấu tạo và cơ chế hoạt động: Thân tủ làm bằng vải gắn bên ngoài một khung nhẹ làm từ các thanh kim loại lắp ghép (bằng nhôm hoặc sắt), phía dưới cùng là bộ phận gia nhiệt và tạo gió.
Vì có cấu tạo đơn giản nên giá của tủ sấy quần áo dễ tiếp cận hơn (chỉ từ hơn 400 nghìn đồng đến dưới 3 triệu đồng), có thể được lắp đặt ở bất cứ đâu chỉ trong vòng 10-15 phút đồng hồ. Tuy nhiên, nó lại khá ọp ẹp và độ bền thì chắc chắn là không thể bằng được chiếc máy sấy quần áo chuyên dụng.
Bên cạnh đó, tủ sấy không có nhiều chức năng đa dạng như máy sấy quần áo, và nó chỉ biết thổi ra gió nóng chứ chẳng có hẹn giờ, diệt khuẩn hay chọn chế độ sấy theo loại quần áo đâu nhé.
Thời tiết nồm ẩm, cẩn thận mắc phải những bệnh sau |
Những lưu ý để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời tiết nồm ẩm hiện nay |
Với 3 thứ rẻ tiền và dễ kiếm này, sàn nhà sẽ bớt nồm hơn hẳn |