Trong những năm gần đây, các đội nghiệp vụ của Cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, phát hiện 91 hành vi kinh doanh, vận chuyển hàng giả, vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp; phạt hành chính hơn 1,5 tỷ đồng; tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm trị giá hơn 1,32 tỷ đồng. Một số vụ việc lớn được phát hiện, ngăn chặn kịp thời như: Ngày 25-7-2022, Đội Quản lý thị trường số 1, số 3 và cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra đột xuất kho chứa hàng tại phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) do ông Nguyễn Đức Phú làm chủ, phát hiện hàng trăm thùng carton chứa hơn 20 tấn hàng hóa với hơn 76.800 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.
Trong đó, gần 25.000 sản phẩm là nước hoa các nhãn hiệu nổi tiếng như: Lancome, Versace, Giorgio, Armani, Dior, Victoria’s secret, Chanel, Gucci... Số lượng còn lại là kem trang điểm, sữa rửa mặt, kem tẩy da, kem trắng da, dầu gội đầu và son của các thương hiệu như Innisfree, Bioderma, Vongee, V7 Dr.Jart... Tại thời điểm kiểm tra, ông Phú chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng này. Lực lượng chức năng niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Đội Quản lý thị trường số 3 xử lý hàng giả hàng nhái trôi nổi trên thị trường |
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh quần áo của bà Nguyễn Thị Lệ Thương ở thôn Phong Xá, xã Đông Phong (Yên Phong), phát hiện 3.000 chiếc áo phông có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ đang bày bán. Trong đó gồm: 1.450 chiếc áo phông nhãn hiệu Louis Vuitton; 1.200 chiếc áo phông nhãn hiệu Gucci và 350 chiếc áo phông nhãn hiệu Chanel.
Bà Thương chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đội Quản lý thị trường số 2 ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trên thực tế lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng giả, vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán ngày càng tinh vi, phức tạp; cơ chế thực thi còn chồng chéo; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao...
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh, uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhân dân. Do đó, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi này, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành để kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và đầu vào của hàng hóa vi phạm. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, qua đó góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, cần chú trọng công tác chống hàng giả, hàng nhái, hướng dẫn cho người tiêu dùng và các kênh phân phối nhận biết hàng giả. Xây dựng kênh tiếp nhận và phản ánh của khách hàng đối với hàng hóa của doanh nghiệp ngay trên trang web hoặc kênh bán hành trực tuyến của đơn vị. Cập nhật văn bản pháp luật, kế hoạch hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý hàng giả trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường (dms.gov.vn), tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin. Áp dụng hệ thống quản lý thông tin và xử lý vi phạm hành chính trực tuyến (INS) thay cho hồ sơ giấy…