Bắc Ninh: Vượt khó, phát triển các thương hiệu làng nghề Bắc Ninh: Làng Hồi Quan phát triển nghề dệt truyền thống Bắc Ninh: Tiếng vọng trường tồn của làng cổ tơ tằm Vọng Nguyệt huyền thoại |
Theo những người dân trong vùng truyền lại, nghề múa rối nước xuất hiện vào khoảng cuối thời nhà Lý, đã tồn tại và phát triển cho đến ngày nay khoảng 1.000 năm. Trong làng còn lưu giữ bức tượng phủ sơn nâu, làm bằng gỗ mít là tượng Tổ trò của làng, người đã có công truyền dạy và phát triển nghệ thuật rối nước Đồng Ngư. Hiện nay, Đồng Ngư là một trong 14 phường rối nước còn tồn tại và hoạt động trên cả nước.
![]() |
So với các phường rối khác, rối nước Đồng Ngư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với truyền thống và bản sắc độc đáo riêng |
Tương tự các địa phương khác, nghệ thuật rối nước Đồng Ngư điều khiển các con rối có những động tác giống con người làm ngôn ngữ biểu diễn trên nền nhạc như đang múa. Với mỗi phường rối, tích trò chính là cái hồn, cốt làm nên nét độc đáo, đặc sắc của mỗi vùng. Những tích trò truyền thống có mở, thân, kết, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân như “Hái cau mời trầu”, “Đám cưới chuột”, “Vinh quy bái tổ”, “Quan họ màn giã bạn”… tạo được sự cuốn hút, hưởng ứng của người xem.
So với các phường múa rối khác, nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư có nhiều nét độc đáo riêng có. Vốn nổi tiếng với nghề sơn mài và tạc tượng cho đình chùa, nên các nghệ nhân Đồng Ngư, bằng tay nghề tài hoa của mình đã chế tác ra những con rối rất đa dạng, tinh xảo. Gỗ để làm các con rối là các loại gỗ nhẹ, thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, gỗ duối hay gỗ sung. Qua các thế hệ, nghệ nhân nơi đây đã sáng tạo, chế tác được hơn 200 loại con rối để biểu diễn.
![]() |
Đông đảo du khách thưởng thức biểu diễn rối nước Đồng Ngư trong không gian khu bảo tồn văn hóa dân gian |
Khi biểu diễn, các phường múa rối nước khác thường điều khiển con rối bằng gậy, bằng sào nhưng múa rối nước Đồng Ngư lại điều khiển con rối bằng sào và dây. Để điều khiển được kỹ thuật này, đòi hỏi người biểu diễn phải trải qua quá trình tập luyện rất vất vả, có tay nghề cao, đôi bàn tay dẻo dai, uyển chuyển. Nhờ vậy, người điều khiển có thể đưa rối ra xa sân khấu, đến gần hơn với khán giả đồng thời biểu diễn được nhiều động tác linh hoạt, sống động và đặc biệt có hồn, rất hấp dẫn người xem.
Ngày nay, bằng sự nỗ lực của biết bao thế hệ, nghệ thuật rối nước phường Đồng Ngư đã vượt qua khỏi lũy tre làng, mang theo bản sắc quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc đến mọi miền của tổ quốc, quảng bá nghệ thuật truyền thần cho những con rối và lan tỏa Dân ca Quan họ Bắc Ninh thông qua các buổi biểu diễn tại nhiều Liên hoan sân khấu múa rối toàn quốc và đạt được những giải thưởng cao. Nổi bật là giải Nhất trong Liên hoan nghệ thuật múa rối không chuyên năm 2002 tại Hà Nội; giải Nhất Liên hoan múa rối nước tại Liên hoan múa rối ở Huế năm 2004; giải Nhì Liên hoan múa rối toàn quốc lần thứ nhất năm 2011 tại Hải Dương và được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các đơn vị như Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục nghệ thuật biểu diễn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam...
Nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nghệ thuật trình diễn múa rối nước của làng Đồng Ngư, tháng 10/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị múa rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh”. Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh nghệ thuật rối nước của làng Đồng Ngư là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.