Theo Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội Takeo Nakajima cho biết, Chính phủ Nhật Bản có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng tới các nước ASEAN và đến nay có 30 doanh nghiệp đã đăng ký. Trong số này có tới 15 doanh nghiệp muốn mở thêm nhà máy tại Việt Nam.
"Trong 30 doanh nghiệp được lựa chọn hỗ trợ lần này thì có 15 doanh nghiệp lựa chọn đến Việt Nam. Thông tin này khi công bố đã gây 'sốc' rất nhiều cho các nước lân cận của Việt Nam. Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia… thấy rằng họ sẽ có quyết tâm, nỗ lực để không thể thua Việt Nam. Họ sẽ cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh của mình", ông Takeo Nakajima nói.
15/30 doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam gây "sốc" cho nhiều nước lân cận
Ông Takeo Nakajima nhận định từ tháng 2, dịch Covid - 19 đã lan rộng ở Trung Quốc sau đó sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Sau đó tới Mỹ và lan rộng toàn cầu. Trong bối cảnh này, các linh phụ kiện trong các chuỗi cung ứng không được cung ứng theo kế hoạch, hoặc cung ứng hạn chế gây tác động đến nhiều lĩnh vực như ôtô, điện thoại di động, máy móc…
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rơi vào cảnh thiếu linh kiện, không thể hoàn thiện sản phẩm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản có chương trình khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một nước nào đó. Mức tối đa các doanh nghiệp có thể nhận được là 5 tỷ yen (1.100 tỷ đồng) từ Chính phủ.
Trong quá khứ, Nhật Bản gây dựng các chuỗi cung ứng tại Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Đến nay, Chính phủ Nhật muốn các doanh nghiệp dịch chuyển sang các nước ASEAN với chi phí nhân công giá rẻ. Các lợi thế về chi phí từ các nền kinh tế Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đang mất dần.
Theo ông Takeo Nakajima, các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng chứ không phải dịch chuyển hoàn toàn nhà máy từ nước này sang nước khác. Ông lấy ví dụ với một loại linh kiện trước đây đã sản xuất ở Trung Quốc, nay muốn sản xuất linh kiện đó ở Việt Nam thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của chương trình hỗ trợ.
Nếu doanh nghiệp đã sản xuất linh kiện tại Đài Loan, muốn tăng sản lượng lên gấp đôi tại nhà máy ở Đài Loan, thì cũng không thể được hỗ trợ.
Kiểm soát tốt COVID-19 là một trong những lý do khiến 15 doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam lần này nhằm mở rộng và đa dạng chuỗi cung ứng
Lý giải vì sao Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takeo Nakajima nói, tâm huyết của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản được đánh giá là điểm mấu chốt. Việt Nam còn có một lợi thế khác mà không bất cứ quốc gia nào trong khu vực có được, đó là đội ngũ đông đảo người lao động biết tiếng Nhật (mặc dù Malaysia hay Philippines nổi trội về số người biết tiếng Anh nhiều hơn).
Bên cạnh đó, dân số 95 triệu người với mức sống đang ngày càng được cải thiện sẽ nhanh chóng biến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn. Như thế, ngoài việc xuất khẩu, các hàng hóa Nhật Bản sản xuất ở Việt Nam trong quá trình mở rộng chuỗi cung ứng cũng sẽ phục vụ chính thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch bệnh sớm nên doanh nghiệp kỳ vọng sớm được sản xuất tại Việt Nam. Về dài hạn, 10 - 15 năm tới với việc mở rộng cơ sở sản xuất tại đây, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiềm năng vừa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa" - ông Takeo nói.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện JETRO cũng lưu ý thêm, trong các nước ASEAN, Malaysia, Singapore, Thái Lan thuộc nhóm chi phí cao. Indonesia cũng đang ở mức ngấp nghé. Việt Nam dù còn trong nhóm chi phí thấp nhưng tiền nhân công, thuê mặt bằng ở Việt Nam cũng đang tăng lên từng năm. Lợi thế chi phí giá rẻ sẽ sớm biến mất, Việt Nam cần tạo cho mình những lợi thế khác. Tỷ lệ nội địa hóa thấp và ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển ở Việt Nam cũng là vấn đề cần sớm cải thiện.
Việc hai quốc gia chưa thể nối lại các chuyến bay thương mại vì Covid-19 gây tác động tới tiến trình đầu tư, nhất là khi một số doanh nghiệp chọn Việt Nam làm điểm đến đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng… Mặc dù vậy, đại diện JETRO cho biết, về tổng thể, đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp Nhật Bản đều gặp phải ở nhiều quốc gia và chưa quá nghiêm trọng.
Đức Thiện