Trứng vịt lộn được nhiều người đánh giá là món ăn giàu dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe nên các gia đình có trẻ nhỏ cũng thường cho ăn để giúp con tăng cân, phát triển tốt. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, có một số sự thật về trứng vịt lộn mà rất nhiều người không biết chẳng hạn như thời điểm nào nên và không nên ăn, trẻ bao nhiêu tuổi nên tránh và tại sao lại cần ăn với rau răm.
Trứng vịt lộn ăn sáng là thuốc bổ, ăn tối lợi ít hại nhiều
Thông thường, mọi người hay ăn trứng vịt lộn vào bữa sáng. GS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay lượng calo nạp bữa sáng cần chiếm 20-30% lượng calo cần nạp trong ngày. Trứng vịt lộn là món giàu dinh dưỡng nên thích hợp dùng vào bữa sáng.
Hơn nữa, trứng vịt lộn có hàm lượng đạm và cholesterol cao nên ăn vào buổi sáng sẽ phù hợp hơn do quá trình tiêu thụ calo diễn ra vào lúc này mạnh nhất nên cơ thể cũng nhanh chóng tiêu hao và hấp thụ hơn.
Ngược lại buổi tối nếu ăn thực phẩm giàu đạm như trứng vịt lộn sẽ khiến bạn dễ bị đầy bụng, khó tiêu do thời điểm này, cơ thể sẽ ít hoạt động hơn.
Trứng vịt lộn bổ nhưng không cân bằng dinh dưỡng bằng trứng gà, vịt
Nhiều người cho rằng trứng vịt lộn bổ hơn trứng gà, vịt nên khi muốn bồi bổ sức khỏe hay tăng cân thường ăn trứng lộn.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2007 thì trong trứng chứa protein, lipit, gluxit, các chất sắt, canxi, phốt pho, be-ta caroten, vitamin A, B1,B2, PP,…, riêng trong trứng vịt lộn còn có thêm vitamin C.
Nếu so sánh thành phần dinh dưỡng trong 100g trứng gà, vịt và vịt lộn thì trong trứng vịt lộn có hàm lượng sắt, canxi, phốt pho, beta-caroten, vitamin A, PP cao hơn trứng gà và trứng vịt thường. Ví dụ xét về hàm lượng vitamin A, trứng gà có 700mcg, trứng vịt chứa 360mcg, trứng vịt lộn là 875mcg; xét về canxi thì trứng gà là 55mg, trứng vịt thường là 71mg, vịt lộn là 82mg.
Tuy nhiên, trứng vịt lộn lại có hàm lượng cholesterol cao hơn trứng vịt và trứng gà gấp 2-3 lần. Trong khi trứng gà hay vịt có lượng lecithin cao hơn để trung hoà, kiểm soát lại lượng choresterol hấp thu thì trứng vịt lộn lại không có được điều đó.
Do đó, không thể khẳng định trứng vịt lộn bổ hơn trứng gà hay vịt, tốt nhất nên sử dụng luân phiên.
Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn
Nhiều cha mẹ cho rằng trứng vịt lộn bổ nên tích cực cho con ăn nhưng thực tế, loại trứng này có hàm lượng cholesterol cao, không phù hợp với hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện của trẻ dưới 5 tuổi. Ngay cả với trẻ trên 5 tuổi cũng chỉ nên ăn từ 1/2 - 1 quả trứng vịt lộn mỗi tuần, không nên lạm dụng.
Dù choresterol có vai trò như là nguyên liệu để tổng hợp ra hormone giới tính nam nữ, hay cấu thành màng tế bào nhưng nếu tiêu thụ dư thừa sẽ dẫn tới các vấn đề rối loạn tiêu hoá, nhất là với trẻ nhỏ hệ tiêu hóa còn non nớt.
Không chỉ trẻ nhỏ và một số người lớn mắc các chứng bệnh như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu, tim mạch, gút,… nên kiêng hoặc hạn chế ăn nhiều trứng vịt lộn tránh tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tại sao phải ăn trứng lộn kèm rau răm, gừng?
Chúng ta đều biết khi ăn trứng vịt lộn, có 2 nguyên liệu không thể thiếu là gừng và rau răm. Điều này không chỉ khiến món trứng thêm ngon, hấp dẫn hơn mà còn có nhiều lợi ích sức khỏe.
Theo Đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Rau răm còn có tác dụng làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, tránh lạnh bụng… Gừng cũng có tác dụng tương tự giúp ấm bụng, hỗ trợ tiêu hóa, chống đầy hơi. Do đó, khi ăn kèm với trứng vịt lộn vốn giàu đạm sẽ giúp món ăn này dễ tiêu hóa hơn.
Ngoài ra, ăn kèm rau răm với trứng vịt lộn có khả năng giảm bớt ham muốn tình dục từ tác dụng của trứng vịt lộn, đem tới sự cân bằng âm dương cho cơ thể. Theo đó, lượng gia vị ăn kèm phù hợp cho một lần ăn tối đa hai quả trứng vịt lộn là khoảng 5g gừng tươi thái chỉ, 5g rau răm tươi.
Những lưu ý khi ăn trứng vịt lộn
Không ăn trứng vịt lộn đã chín để qua đêm
Trứng vịt lộn đã chín sau để qua đêm thì chất dinh dưỡng trong đó sẽ sản sinh ra vi khuẩn có hại. Do đó, tốt nhất là không nên ăn trứng vịt lộn đã để qua đêm.
Không nên ăn trứng vịt lộn vào buổi tối
Theo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng thì nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng là tốt nhất, tránh ăn vào buổi tối vì đây là món ăn khó tiêu do chứa hàm lượng chất đạm và cholesterol cao, nếu ăn trứng vào buổi tối xong, khi đi ngủ sẽ bị khó chịu, đôi khi dẫn tới đầy hơi, không tiêu hóa được.
Không uống trà ngay sau khi ăn trứng vịt lộn
Theo thói quen có nhiều người sau khi ăn xong trứng vịt lộn sẽ uống ngay một tách trà để làm sạch và thơm miệng, thế nhưng trong lá trà lại có chứa axit tannic khi kết hợp với chất protein trong trứng sẽ gây khó tiêu hóa do nhu động ruột.
Một số người không nên ăn trứng vịt lộn
Người mắc bệnh tim mạch
Trứng vịt lộn chứa một hàm lượng chất đạm và cholesterol trong trứng vịt lộn rất cao, nếu ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu gây hại cho tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch gây đột quỵ. Vì thế, lời khuyên cho những người mắc bệnh tim mạch là không nên ăn trứng vịt lộn.
Người bị huyết áp cao
Những người có bệnh cao huyết áp cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Với những người bị bệnh cao huyết áp thì tuyệt đối nên tránh xa trứng vịt lộn. Bởi khi ăn trứng vịt lộn có nghĩa là bạn đang nạp vào cơ thể một lượng lớn chất đạm và cholesterol. Trong khi đó những chất này là một trong những tác nhân chính gây nên tình trạng cao huyết áp.
Người mắc bệnh về gan, tỳ vị
Tỳ vị và gan có nhiệm vụ sàng lọc chất độc hại trong cơ thể. Tuy nhiên, khi chúng bị tổn thương lượng đạm từ trứng vịt lộn sẽ khiến chúng phải hoạt động hết công suất, khiến tổn hại lại càng lớn hơn.
Bên cạnh đó trứng vịt lộn có tính hàn sẽ khiến người bệnh gan và các bệnh tỳ vị dễ đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là bị đau bụng.
Người đang mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn trứng vịt lộn kèm rau răm sống. Rau răm tiêu thực, trừ hàn, sát trùng, ấm bụng, chống đầy bụng khó tiêu… cho người bình thường nhưng sẽ ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.
Gừng tươi nóng, kích thích tiêu hóa, giải độc, tốt cho tim mạch… nhưng có thể gây sảy thai đầu thai kỳ nếu cơ địa yếu, dây chằng lỏng lẻo.
Giai đoạn cuối thai kỳ mẹ bầu ăn trứng vịt lộn sẽ tích quá nhiều đạm, chậm tiêu, sinh nhiều cholesterol xấu trong máu cũng không tốt.
Người vừa sinh con
Sở dĩ sản phụ vừa sinh con không nên ăn trứng vịt lộn là vì trong loại thực phẩm này có chứa nhiều protein và chất béo, có thể gây khó tiêu, đầy bụng.
Lời khuyên của bác sĩ dành cho sản phụ là chỉ nên ăn trứng sau khi sinh từ 1-2 ngày sinh và không nên ăn quá 2 trứng mỗi ngày.