Cẩm cù cho hoa rất đẹp |
Tốt nghiệp Khoa Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp của Trường Đại học HuTech (TP. Hồ Chí Minh), Trần Minh Huân sinh năm 1992, ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện chợ Lách (Bến Tre) đã quyết định trở về quê và bắt đầu khởi nghiệp với việc trồng cẩm cù.
Anh Trần Minh Huân là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Trong một chuyến công tác về ấp này, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phụng Đức B Trần Quang Dần đã giới thiệu, đây là mô hình khởi nghiệp thành công của một đoàn viên trong ấp mà hiện nay được Xã đoàn Phú Phụng nhân rộng. Huân còn rất trẻ nhưng rất nhạy bén và mạnh dạn làm ăn.
“Hoa lan cẩm cù hay còn gọi là hoa lan anh đào, là một giống cây cảnh thuộc vào họ thiên lý. Cẩm cù là một loại dây leo nhưng có hoa quanh năm và rất thơm (giống như lan rừng), có đặc tính dễ trồng, dễ nhân giống. Đặc biệt, nếu chúng ta biết lai tạo thì nhiều khả năng tạo “đột biến”, đây là yếu tố rất quan trọng góp phần làm tăng giá trị của loại cây này”, anh Trần Minh Huân cho biết.
Anh Trần Minh Huân chăm sóc hoa cẩm cù . Ảnh: TTXVN |
Sau khi trở về quê, anh Huân theo người chị ruột của mình - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng và ươm giống cẩm cù cũng ở trên địa bàn huyện Chợ Lách. Theo phụ chị một thời gian, anh quyết định ra làm riêng. Ban đầu, anh xây dựng giàn ươm với diện tích 300m2 trên phần đất của gia đình để ươm và trồng cẩm cù.
Do nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, sản xuất không đủ cung ứng, đến tháng 7/2020, anh quyết định sử dụng hết số tiền tích góp để đầu tư mở rộng nhà xưởng. Một nhà giàn ươm với 3 tầng, mỗi sàn có diện tích 144m2, tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng, do chính anh tự thiết kế, xây dựng để giảm chi phí đầu tư.
Anh Huân cho biết, giá thành thị trường hiện nay, cẩm cù có 3 mức giá từ 10 - 30 ngàn đồng/chậu, nếu là cẩm cù “đột biến” thì có khi vài triệu đồng/chậu. “Em luôn tìm tòi trên mạng, trao đổi, mua thêm những loại cẩm cù mới (cẩm cù có tới 300 loại khác nhau) để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Xu thế hiện nay, các nước rất ưa chuộng trồng cẩm cù”, Huân chia sẻ.
Hiện anh đang sở hữu vườn cẩm cù hơn 500 nghìn cây với 300 loại khác nhau và đã thành lập được công ty riêng để vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu chính ngạch sang các nước như: Mỹ, Canada, Pháp, Singapore… Ước tính mỗi năm, anh xuất bán khoảng 200 nghìn cây các loại, mang về lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 4 nhân công và 2 lao động thời vụ.
Để đa dạng hóa cây trồng cung ứng cho thị trường, vợ chồng anh Huân còn tận dụng các khoảng không, mạnh dạn trồng lan nuôi cấy mô và các loại kiểng lá. Đặc biệt, anh Huân còn ấp ủ dự án sản xuất các chậu hoa gáo dừa thân thiện với môi trường. Dự kiến đến cuối 2023, anh sẽ đưa ra thị trường 15.000 - 20.000 cây hoa lan trồng trong chậu gáo dừa.
Anh Đỗ Văn Phúc giới thiệu về mô hình khởi nghiệp từ hoa cẩm cù với cán bộ Huyện đoàn Bù Gia Mập |
Cũng chọn cây cẩm cù để khởi nghiệp, anh Đỗ Văn Phúc ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm.
“Tôi bén duyên với loài hoa cẩm cù từ 6 năm trước, khi bất chợt nhìn thấy loài hoa lạ, hình cầu, thơm ngát, nở xòe 5 cánh hoa màu trắng như những ngôi sao xinh xắn ở nhà một người bạn. Tôi mê mẩn loài hoa cẩm cù ngay từ ánh nhìn đầu tiên và cũng không ngờ loài hoa này đã giúp tôi có thu nhập ổn định trên con đường lập thân, lập nghiệp” - anh Phúc vui vẻ nói.
Anh Phúc cho biết, ban đầu anh sưu tầm, nhân giống hoa cẩm cù chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân. Anh đã lên mạng tìm hiểu, đặt mua các giống cẩm cù từ nhà vườn ở các tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó, tập trung sưu tầm những giống có mặt hoa đơn giản, dễ trồng, cho hoa nhiều về trồng lấy kinh nghiệm và tìm kiếm những giống cẩm cù tại các cánh rừng tự nhiên của Bình Phước.
Để chăm sóc tốt loài hoa mà mình yêu mến, anh Phúc đã học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc trên internet. Sau khi trồng, nhân giống thành công nhiều giống cẩm cù khác nhau, anh mạnh dạn nhập các giống cẩm cù có giá trị kinh tế cao từ nước ngoài về, thuần hóa với khí hậu Bình Phước. Đến nay, trong khu vườn rộng 4.500m2, anh đã trồng 6.000 chậu cây thuộc hơn 300 loại cẩm cù với sắc hoa và kiểu dáng khác nhau, trong đó có 10 loài cẩm cù đặc hữu của đất Bình Phước.
Với mức lương hằng tháng của một công an viên sẽ không đủ tài chính để theo đuổi niềm đam mê với cẩm cù. Vì vậy, sau khi nhân giống thành công, tạo ra những sản phẩm chất lượng, anh Phúc quyết định khởi nghiệp từ loài hoa này. Từ khi quyết định sưu tầm, trồng, rồi khởi nghiệp từ cẩm cù, anh đã mất khoảng 5 năm để chuẩn bị. Trong đó, 3 năm đầu anh tập trung sưu tầm các mặt hoa, học kỹ thuật trồng rồi nhân giống. 2 năm tiếp theo, anh chăm chút cho từng chậu cây và tích lũy dần số loài cẩm cù trong vườn nhà.
“Khi thấy tôi mua, trồng cẩm cù với số lượng lớn, gia đình, người thân rất lo lắng, thậm chí can ngăn vì không biết tôi có thành công hay không, rồi sản phẩm trồng ra thì bán đi đâu. Nhưng sau này, thấy tôi nhân giống được nhiều chậu hoa đẹp, bán được trên thị trường, gia đình rất mừng và hỗ trợ hết mình. Để có thị trường tiêu thụ, trong những năm đầu khởi nghiệp, tôi thường xuyên đăng hình cây và hoa cẩm cù trên trang facebook cá nhân; trao đổi giống hoa với nhiều người trồng cẩm cù trong các nhóm chơi hoa” - anh Phúc chia sẻ.
Yêu hoa, hoa chẳng phụ công người, hiện nay, loài hoa cẩm cù đã mang lại cho anh Phúc nguồn thu từ 20-30 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương.