Cây cỏ hay cúc ngọt còn có tên khoa học là Stevia rebaudiana |
Cây cỏ hay cúc ngọt còn có tên khoa học là Stevia rebaudiana, đây là một loại cây bụi rậm thuộc họ Asteraceae, có nguồn gốc từ đến từ Bắc và Nam Mỹ. Ngày nay loài cây này được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Loại cây này có kích thước khá nhỏ, chỉ cao khoảng 100cm, lá cây có hình mũi mác mọc đối xứng với nhau. Lá cây cỏ ngọt có răng cưa ở nửa phần trên.
Cụm hoa hình đầu, mỗi tổng bao có chứa 5 hoa nhỏ, có phần tràng hình ống, màu trắng ngà, có 5 cánh nhỏ. Hoa có chiều dài từ 10-12mm. Có hai vòi nhuỵ dài thò ra ngoài. Hoa có mùi thơm nhẹ. Mùa hoa từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau.
Toàn thân có vị ngọt, nhiều nhất ở lá, lá già chết khô ở dưới nhưng cuống rất dai nên không rụng (vẫn còn vị ngọt). Lá cây là nơi tập trung khá nhiều glycoside - một hoạt chất tạo ngọt tự nhiên, chất này có độ ngọt cao gấp 300 lần so với đường mía.
Cây cỏ ngọt mọc hoang ở Paraguay và được nhập giống về trồng ở Việt Nam trước năm 1990.
Theo y học cổ truyền, cỏ ngọt với vị ngọt thanh tự nhiên và không mang năng lượng nên được sử dụng như một loại trà có tác dụng điều vị, lợi tiểu, giúp hỗ trợ điều trị các bệnh như: Giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Gíup ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp. Chống béo phì và giảm cân. Làm giảm đau, giúp tiêu hóa tốt và phòng chống rối loạn dạ dày. Ngăn ngừa chảy máu chân răng ở những người mắc bệnh viêm lợi. Ngăn ngừa mụn trứng cá, làm giảm nếp nhăn, giảm tiết bã nhờn trên da, giúp cho làn da tươi sáng hơn.
Đối tượng sử dụng cây cỏ ngọt Cỏ ngọt có chất ngọt gấp 300 lần đường kính saccharoza nhưng lại không mang nhiều năng lượng mà hương vị vẫn rất thơm ngon nên rất thích hợp cho những đối tượng như:
Người mắc bệnh tiểu đường, béo phì cần giảm cân, bệnh nhân cắt dạ dày cần phải kiêng đường kính saccharoza.
Người mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, phụ nữ mang thai kiên sử dụng cam thảo bắc.
Người đang sử dụng thuốc có chứa Digitalis, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid.
Người muốn tăng cường sức khỏe và làm đẹp da.
Mô hình trồng cỏ ngọt SV1 của gia đình ông Vi Quốc Nam tại thôn Trung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTXVN |
Được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành và một số đơn vị, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị triển khai dự án xây dựng mô hình phát triển sản xuất cỏ ngọt SV1 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Với quy mô triển khai khoảng 10 ha tại thị trấn Vị Xuyên và xã Việt Lâm của huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) với 15 hộ tham gia thực hiện, nhà nước đầu tư hỗ trợ 50% cây giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật và 30% phân bón hoá học; nhân dân đối ứng 50% cây giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật và 70% phân bón hoá học và 100% công lao động. Qua thời gian triển khai mô hình, cây cỏ ngọt SV1 sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Ông Vi Quốc Nam, thôn Trung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình, ông Nam chia sẻ, trước đây, với khoảng 1.000 m2 đất của gia đình trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, từ khi chuyển sang trồng cỏ ngọt, gia đình nhận thấy nguồn thu nhập tăng đáng kể.
Về tốc độ sinh trưởng, trung bình khoảng 2 tháng, gia đình sẽ thu hoạch một lần, với diện tích 1.000 m2 thì mỗi lần sẽ thu hoạch được từ 400 - 500 kg, với mức giá bán 6.000 đồng/kg như hiện nay thì hiệu quả kinh tế đem lại lớn hơn trồng ngô rất nhiều. Hơn nữa, cây cỏ ngọt này dễ chăm sóc, không mất quá nhiều công sức, sau khi thu hoạch, cây tiếp tục sinh trưởng và không phải trồng lại thường xuyên.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang, nếu người dân chăm sóc, đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tập huấn thì trồng 1 ha cỏ ngọt cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, 1 ha cho lợi nhuận 140 - 150 triệu đồng. Hơn nữa, từ năm thứ 2 trở đi, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng do cây cỏ ngọt cho thu hoạch 3 năm mới phải trồng lại, nên không mất chi phí đầu tư ban đầu về giống, công làm đất, cấy cây…