Giá cau chỉ còn 25.000 đồng/kg. |
Giá cau lao dốc khiến thủ phủ cau huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi với hơn 1.000ha trồng cau "bí" đầu ra. Những điểm thu mua cau dọc đường hạ bảng hiệu, đóng cổng ngừng mua. Anh Huy, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi nói: "Cách đây nửa tháng, mấy điểm mua cau gọi điện hỏi có cau thì mang ra. Nay chủ động chở ra đến nơi mà họ báo ngừng mua, thiệt chán".
Chị Nga, chủ một điểm thu mua cau vẫn đang mua với số lượng ít, bảo rằng lò sấy chị hay bán họ vẫn mua, nhưng yêu cầu cao lắm, trái phải dài và lớn. Trái nhỏ tí là họ từ chối mua. Vậy nên chị cũng "ép" lại thợ bẻ cau.
"Cau giờ chở đến, tôi phải lựa, buồng nào ngon lành thì mua, tệ là tôi trả thôi. Chứ mua vào rồi bán cho ai", chị Nga nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Ba, ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi trồng 500 cây cau, mỗi cây cau cho 4-5 lứa quả, mỗi lứa một buồng 5-6 kg. Từ tháng 6 đến nay, bà Ba liên tục bán cau với giá từ 40.000 đồng một kg đến 85.000 đồng - mức giá đỉnh vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Cách đây ba hôm, bà vẫn còn bán với giá 40.000 đồng nhưng hôm qua chỉ còn 25.000 đồng.
"Giá cau giảm nhưng cũng may vì chúng tôi đã bán 3,4 lứa quả khi giá cao", bà Ba nói và cho biết mức giá hiện tại nông dân trồng cau đã có lời. Tuy nhiên, bà cũng bất ngờ khi giá cau tụt dốc nhanh hơn mọi năm.
Anh H., một thương lái làm việc trực tiếp với đối tác Trung Quốc, lý giải nguyên nhân Trung Quốc dừng nhập cau từ Việt Nam bởi nhiều công ty đã đủ nguyên liệu sản xuất, vài công ty chưa đủ vẫn nhập nhưng số lượng ít.
"Phía Trung Quốc hiện đang ngừng nhập cau từ Việt Nam, họ chỉ còn nhập những lô cuối cùng mà họ đã cọc tiền cho các lò sấy cau ở Việt Nam trước đây. Những ngày tới khả năng cao là giá tiếp tục giảm hoặc Trung Quốc sẽ ngừng nhập", anh H. nói.
Cũng theo anh H., nhiều người Trung Quốc đến trực tiếp vựa cau ở Quảng Ngãi thu mua cũng "ngồi chơi xơi nước", liên tục cập nhật tình hình từ các công ty Trung Quốc.
"Cau hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên hên xui lắm. Ớn nhất là đang giá cao thì họ không mua", anh H. thông tin.
Cau được coi là một trong những loại quả mang lại giá trị hàng tỷ USD cho Trung Quốc. |
Theo Tridge, công ty hàng đầu về phân tích dữ liệu ngành nông nghiệp và thực phẩm, cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cau chính của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu tổng giá trị 5,13 triệu USD (hơn 130 tỷ đồng) sang Trung Quốc.
Năm nay, sản lượng cau tươi ở đảo Hải Nam - vùng nguyên liệu chiếm hơn 90% diện tích trồng cau ở Trung Quốc giảm mạnh, nguyên nhân do bệnh vàng lá trên cây cau, theo Southern Weekly, tờ báo có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cho biết, bão Yagi làm nhiều vườn cau ngã đổ, ước tính sản lượng cau ở đảo năm nay giảm tới 40%.
Sản lượng giảm kéo theo giá tăng. Đỉnh điểm là ngày 18/10, giá cau ở Hải Nam đã lên 45 nhân dân tệ một cân (0,6 kg), tương đương với khoảng 270 nghìn đồng một kg, tăng 25% so với tháng trước, 172% so với cùng thời điểm này năm ngoái; theo công bố của Trung tâm Giám sát giá tỉnh Hải Nam trên Cổng thông tin điện tử của Chính quyền tỉnh này. Đến ngày 25/10, giá cau đã hạ nhiệt xuống 35 nhân dân tệ một cân (0,6 kg), tương đương với 220.000 đồng một kg. Cơn sốt giá cau ở Trung Quốc lan tỏa đến Việt Nam khi thương lái nước này sang tìm nguồn nguyên liệu thay thế.
Theo Sina, cau được coi là một trong những loại quả mang lại giá trị hàng tỷ USD cho Trung Quốc. Tại quốc gia này, cau được sử dụng như là một vị thuốc quý. Bởi trong Đông y, cau là vị thuốc được dùng để chưa một số bệnh có liên quan đến hệ tiêu hóa, ngăn ngừa thiếu máu… Đặc biệt, những quả cau non còn được người Trung Quốc dùng để là kẹo, gọi là kẹo cau. Đây là loại kẹo rất phổ biến ở Trung Quốc, nhất là vùng lạnh, vì nó có công dụng chống viêm họng và giúp giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, những người bán cũng lưu ý rằng không nên nuốt bã kẹo cau sau khi nhai.
Một số nơi ở Trung Quốc còn dùng cau khô để làm tăng hương vị cho các món ăn. Chẳng hạn, tại tỉnh Hồ Nam, người dân thường xào thịt vịt với cau khô nhằm tăng hương vị. Trong khi đó, người dân ở Giang Tây lại hầm cau khô với chim cút hoặc nấu cháu để bồi bổ cơ thể cũng như cải thiện tiêu hóa.
Dù mua cau từ Việt Nam với giá rẻ, nhưng Trung Quốc lại làm ra sản phẩm đắt đỏ là kẹo cau. Mặt hàng này sau khi được sản xuất sẽ được các đầu mối nhập về để bày bán ở chợ Việt, với giá cao.
Trên thực tế, kẹo cau Trung Quốc cũng được rao bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử, với mức giá phổ biến từ 60.000 – 200.000 đồng/gói (tùy vào trọng lượng và thương hiệu). Tuy nhiên, nếu tính theo cân, 1 kg kẹo cau có mức giá dao động từ 3 – 3,3 triệu đồng (tùy loại), đắt hơn rất nhiều lần so với giá cau tươi thu mua từ Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, kẹo cau Trung Quốc cũng được nhập về và thường bán chạy vào dịp thời tiết lạnh. Nguyên nhân là nhiều người mua kẹo cau ăn để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, theo người bán, nếu lần đầu ăn kẹo cau, nhiều người có thể bị nóng vã mồ hôi, chóng mặt và thậm chí là tức ngực.
Vì sao giá cau tươi tăng chóng mặt? |
Giá cau tươi bất ngờ trở thành "câu chuyện thời sự" ở nhiều vùng quê |
Giá cau bất ngờ lao dốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói gì? |