Thái Nguyên có 6 điểm du lịch cộng đồng được công nhận Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên núi Mắt Thần và văn hóa độc đáo miền Tây Bắc Đồng Nai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP |
![]() |
Khu dịch vụ ăn uống dành cho khách với lối thiết kế nhà sàn độc đáo mang bản sắc văn hóa của người Tày. |
Đánh thức cảnh đẹp La Bằng từ dịch vụ homestay
Anh Nguyễn Văn Tới, người dân tộc Tày, chủ La Bằng Homestay (xóm Tân Sơn, xã La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên) chia sẻ homestay bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020, tuy còn mới nhưng đã có nhiều du khách trong nước và quốc tế biết tới, đến trải nghiệm, lưu trú.
Hiện anh Tới cũng là Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng. Trước đây, gia đình anh chỉ trồng và chế biến chè, thu nhập chưa ổn định. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng tại La Bằng có nhiều thuận lợi, mát mẻ, cuối tuần du khách tìm đến để nghỉ dưỡng, vì vậy, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây dựng mô hình homestay.
Từ số vốn vay ban đầu 1,8 tỷ đồng, trên diện tích sẵn có, anh Tới đầu tư mô hình homestay với các hạng mục như nhà sàn cộng đồng, bể bơi, nhà hàng, phòng lưu trú nhỏ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 450-500 du khách. Khách du lịch tới La Bằng được tham quan các điểm di tích lịch sử tại địa phương, hòa mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng hùng vĩ, tham quan suối, thác nước, được thưởng thức các món ăn mang hương vị đặc trưng của núi rừng.
![]() |
Du khách thưởng thức ẩm thực địa phương tại La Bằng Homestay, xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ. |
Du khách còn được tìm hiểu về văn hóa dân tộc tại địa phương, tham quan khu vực sản xuất, chế biến chè nổi tiếng… Mô hình La Bằng homestay không chỉ góp phần tăng thu nhập cho gia đình mà còn giúp giải quyết việc làm cho 15-20 lao động địa phương...
Cũng theo anh Tới , với mong muốn tận dụng và khai thác những tiềm năng sẵn có của địa phương, cùng với đam mê du lịch, tháng 4/2023 anh đã quyết định thành lập HTX với tất cả 8 thành viên tham gia, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lưu trú ngắn ngày và kinh doanh các mặt hàng nông sản của địa phương.
Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với các đơn vị sản xuất và chế biến chè tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của bà con. Hiện, khu du lịch cộng đồng của HTX có tổng diện tích 11.00m2, bao gồm dịch vụ ăn uống, khu vui chơi, bể bơi, khu lưu trú và bãi đỗ xe.
![]() |
Suối Kẹm tại xã La Bằng là điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn du khách khi đến Thái Nguyên. |
Theo anh Tới, nơi anh sinh sống được thiên nhiên ưu đãi khí hậu trong lành, mát mẻ vì nằm cạnh dãy núi Tam Đảo. Bên cạnh đó, nơi đây có vùng chè La Bằng nổi tiếng và dòng suối Kẹm với nguồn nước mát lạnh chảy từ chân dãy núi Tam Đảo. Bên cạnh đó, trước đây đã một số hộ dân trong vùng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tự phát.
Do đó khi thành lập HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng, anh Tới đã kết hợp các hộ lại để cùng nhau phát triển, từ đó sẽ tạo điều kiện để HTX phát triển mạnh hơn.
Một địa điểm thăm quan mới nhiều hấp dẫn
Đặc biệt, xóm Tân Sơn, xã La Bằng vừa được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là 1 trong 6 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển mô hình du lịch này.
Theo anh Tới, khi mới phát triển mô hình du lịch cộng đồng, anh cũng gặp phải một số khó khăn như: Thiếu kinh nghiệm về làm du lịch, nguồn vốn hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi và đặc biệt là khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hiện nay, vào những dịp cao điểm, HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng đón khoảng 6.000 lượt khách/tháng đến tham quan, vui chơi và lưu trú tại cơ sở với doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng. Khách đến tham quan chủ yếu ở các địa phương lân cận như Hà Nội, Tuyên Quang, Hải Phòng và một số du khách nước ngoài.
![]() |
Khách đến khu du lịch có thể thỏa sức check - in với nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. |
Về dịch vụ ngủ lưu trú tại đây, hiện HTX đang có hai dịch vụ gồm nhà sàn homestay và phòng khép kín đáp ứng được khoảng 70 khách lưu trú mỗi lượt. Còn đối với dịch vụ ăn uống, trung bình mỗi ngày, cơ sở có thể phục vụ khoảng 500 lượt khách với các món ăn đặc sản như cá tầm, gà đồi, các loại rau rừng, đặc sản của địa phương…
Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng của HTX đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 lao động tại địa phương với thu nhập trung bình từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng.
Trong thời gian tới, khi HTX phát triển ổn định, anh Tới dự kiến sẽ xây dựng các gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản để giới thiệu, quảng bá với khách du lịch khi đến đây tham quan, trải nghiệm, từ đó giúp bà con địa phương tiêu thụ các mặt hàng nông sản đặc trưng.
Đồng thời, anh sẽ kết nối với các điểm du lịch xung quanh và một số tỉnh lân cận, tạo thành tour du lịch dài ngày cho du khách. Bên cạnh đó, anh sẽ vận động bà con trong vùng cùng nhau phát triển mô hình du lịch cộng đồng này để tạo thành một khu du lịch ngày càng rộng lớn.
Theo ông Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ, để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, huyện đã lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng với một số nội dung chính như nỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm du lịch xã La Bằng, Hoàng Nông; mở rộng và tôn tạo di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ở xã La Bằng; hỗ trợ vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã Hoàng Nông, La Bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 37 vào hai xã La Bằng và Hoàng Nông...
"Huyện từng bước đa dạng các hoạt động du lịch, kết hợp du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề khác, đặc biệt là trồng và chế biến chè, tạo sinh kế bền vững cho người dân" ông Tuyên cho biết thêm./.