Tham Quan Thung Nai - “Vịnh Hạ Long trên cạn” của Hòa Bình Tham Quan Lũng Vân - Chạm mây nơi nóc nhà xứ Mường Khám phá hang Chiều - Hang động kỳ vĩ và huyền bí bậc nhất ở Mai Châu |
Bản Lác nhìn từ trên cao. |
Đôi nét về Bản Lác
Chỉ cách Hà Nội khoảng 140km, vượt qua những cung đường quanh co đèo dốc, du khách sẽ được tận hưởng một kỳ nghỉ cuối tuần trọn vẹn tại Bản Lác.
Bản Lác là một bản làng cổ với hơn 700 năm tuổi. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người Thái. Chính vì vậy, khi dừng chân ở Bản Lác du khách sẽ không chỉ được cảm nhận vẻ đẹp bình yên của làng quê nơi Tây Bắc mà còn có thể khám phá, tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây.
Trước đây, khi bản Lác còn chưa được biết đến rộng rãi, người dân ở đây không hề biết đến các hoạt động dịch vụ du lịch. Họ chủ yếu đều thuộc 5 dòng họ của người dân tộc Thái: Hà, Vì, Mác, Lộc, Lò, sống chủ yếu nhờ vào các hoạt động trồng lúa, lên nương, chăn nuôi và dệt thổ cẩm.
Về sau, khi vẻ đẹp của bản Lác được người ta phát hiện và nhanh chóng trở nên nổi tiếng, lượng khách du lịch đổ về đây ngày càng nhiều. Người dân nơi đây bắt đầu biết đến việc kinh doanh thông qua việc cho khách thuê nhà sàn để du khách ngủ lại qua đêm và các dịch vụ ăn uống, cho thuê quần áo, xe cộ,…
Nhà sàn ở đây đều là loại nhà sàn cao ráo, cách mặt đất chừng 2m được chống đỡ bằng những cột gỗ vững chắc. Mái nhà được lợp bằng lá gồi hoặc lá mây. Các cửa sổ có kích thước lớn, vừa đón được gió mát vừa là nơi thoáng đãng để treo các giỏ hoa phong lan trang trí cho ngôi nhà.
Hiện nay, các nhà sàn dùng vào việc kinh doanh như thế này đã được cải tiến nhiều về nguyên liệu xây dựng cũng như luôn được trang bị khá đầy đủ các tiện nghi, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc nguyên thủy.
Đường xá quanh bản đều sạch sẽ, khang trang, cảnh quan cũng được giữ gìn sạch sẽ, đa phần cũng là bởi ý thức của người dân bản cũng như của khách tham quan du lịch bản. Quanh bản là những đồng lúa xanh mướt, suối chảy trong vắt, núi non trùng điệp, cũng chính là một trong những lí do khiến mảnh đất gần trời xa đất này trở thành một trong những địa điểm du lịch mà nhất định du khách phải ghé qua khi đến Mai Châu.
Hướng dẫn di chuyển đến bản Lác
Để tới được bản Lác, du khách phải mất khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ để di chuyển. Cung đường di chuyển từ Hà Nội đến Bản Lác không quá khó, rất phù hợp với những tay lái muốn chinh phục cung đường Tây Bắc. Tuy nhiên, du khách cũng cần cẩn thận trong quá trình di chuyển.
Hãy chú ý đến đoạn đường Dốc Cun và đoạn qua đèo Thung Khe. Với đoạn đường Dốc Cun, du khách leo đèo số nào thì đổ đèo số đó, không nên phóng nhanh để tránh những sự cố không mong muốn. Với đèo Thung Khe, nơi đây quanh co và thường có sương mù vào chiều tối, nhất là vào mùa đông xuân nên du khách hãy đi thật chậm, bật pha xa, bấm còi để đảm bảo an toàn nhé!
Bản Lác cách Hà Nội khoảng chừng gần 140km. Do đó, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe khách, xe máy…
Di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội – Bản Lác
Từ Hà Nội du khách có rất nhiều xe để đến Mai Châu, du khách có thể bắt tại bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Yên Nghĩa. Hầu hết, điểm dừng cuối cùng của các nhà xe đều là ngã ba Tòng Dậu. Vì vậy, sau khi xuống bến du khách sẽ phải bắt xe ôm vào Bản Lác.
Giá vé dao động từ: 90.000 VNĐ – 110.000 VNĐ/chiều.
Di chuyển bằng xe máy từ Hà Nội – Bản Lác
Theo kinh nghiệm khi đi du lịch ở bản Lác, có 2 cung đường để du khách di chuyển đến đây
Cung đường 1: Du khách xuất phát từ đường Trần Duy Hưng, hướng đi Đại Lộ Thăng Long – > Đường đi Sơn Tây -> Quốc lộ 6 -> thành phố Hòa Bình -> Cao Phong – Đèo Thung Khe -> Ngã Ba Tòng Dậu -> Mai Châu.
Cung đường 2: Du khách đi theo quốc lộ 32 tới thị trấn Xuân Mai. Từ ngã tư Xuân Mai du khách di chuyển theo hướng Quốc Lộ 6 để tới Hòa Bình. Sau đó, du khách đi theo cung đường Cao Phong -> Đèo Thung Khe -> Ngã Ba Tòng Dậu -> Mai Châu.
Thời điểm lý tưởng để tham quan Bản Lác
Bản Lác thuộc huyện Mai Châu do đó, khí hậu nơi đây là vùng đồi núi thấp nên ôn hòa mát mẻ quanh năm. Du khách có thể ghé thăm bản Lác vào bất kỳ mùa nào cũng được.
Mỗi mùa, Bản Lác lại mang một vẻ đẹp riêng biệt. Mùa xuân là hoa đào, hoa ban, hoa mận đua nhau nở bạt ngàn. Mùa hè nơi đây mát mẻ với phong cảnh non xanh của núi rừng và những cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Mùa thu, du khách được chiêm ngưỡng màu vàng ruộm của lúa chín, đây là background hoàn hảo để du khách checkin, sống ảo đó nhé! Còn nếu, du khách muốn trải nghiệm cảm giác lạnh thấu của mùa đông, ngồi bên bếp lửa hồng cùng người dân trong bản thì hãy đến đây vào mùa nước đổ
Bản Lác là một thung lũng nép mình dưới những dãy núi nên thời tiết quanh năm khô ráo, lý tưởng cho việc đi du lịch. Tuy nhiên, theo như kinh nghiệm của nhiều người thì dưới đây là 1 vài thời điểm đẹp nhất mà du khách có thể ghé tới:
Tháng 2, tháng 3: Đây là thời điểm mùa xuân. Tới bản Lác du khách sẽ được ngắm khung cảnh hoa đào, hoa mơ nở trắng rất đẹp. Thời tiết lạnh nhưng không rét buốt.
Tháng 5, tháng 6: Là thời điểm được nhiều du khách yêu thích nhất để du lịch Bản Lác đó là mùa nước đổ.
Tháng 9, tháng 10: Lúc này ở bản Lác bắt đầu bước vào mùa lúa chín với những cánh đồng vàng óng. Thời tiết tương đối mát mẻ, không nóng bức như ở đồng bằng. Thích hợp cho việc đi nghỉ dưỡng, “trốn nóng”.
Khám phá vẻ đẹp bản Lác
Đến với bản Lác, du khách như được bước vào một thế giới nhỏ yên bình không chỉ với những ngôi nhà sàn vững chãi mà mộc mạc, đơn sơ nhưng lại rất đỗi gần gũi, quen thuộc mà còn vì rất nhiều những điều thú vị sau đây mà không phải địa điểm du lịch nào cũng có được.
Cảnh đẹp hùng vĩ và nên thơ của núi rừng Tây Bắc
Bản Lác Mai Châu chìm trong sương sớm |
Đặc sản của bản Lác, trước hết phải kể đến khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời ở nơi đây. Nếu là lần đầu tiên ghé thăm mảnh đất này, du khách chắc chắn sẽ bị choáng ngợp ngay từ khi ngồi trên xe để leo lên những con đèo khúc khuỷu, quanh co, hai bên là dãy núi đá sừng sững và vực dốc thăm thẳm.
Bản Lác tọa lạc trong một thung lũng xanh với những cánh đồng lúa trải dài tít tắp một màu xanh mướt đến ngợp trời, đan xen với những dãy nhà sàn yên bình. Bản Lác cuốn hút khách du lịch bởi không khí trong lành, thoáng đãng, những đỉnh núi xa xa ẩn hiện trong màn sương mờ đục trong cái lạnh se se của núi rừng đại ngàn chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những xúc cảm không thể nào quên được. Ngoài ra, du khách cũng có thể thuê một chiếc xe điện để ghé thăm Hang Chiều nằm cách bản không xa, được rất nhiều khách du lịch khen ngợi vì sự rộng lớn và những nhũ đá hàng nghìn năm tuổi
Trải nghiệm phong tục, tập quán của người dân bản địa
Đốt lửa trại tại sân chơi bản lác |
Tới bản Lác du khách Không chỉ được khám phá thiên nhiên tươi đẹp mà còn được tìm hiểu về những phong tục tập quán và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương. Trước khi được phát triển về du lịch, bản Lác nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm và làm nương rẫy.
Bản Lác là nơi hội tụ của các dân tộc. Dịch vụ du lịch ở đây vô cùng chuyên nghiệp. Hãy thử thức dậy sớm để trải nghiệm một phiên chợ sớm của bản, chắc chắn du khách sẽ khám phá được nhiều điều thú vị về văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Nếu du khách muốn hóa thân thành những cô gái, chàng trai người H’mông, Thái thì chỉ cần bỏ ra 10.000 VNĐ – 15.000 VNĐ cho 1 lần thuê váy áo là có thể tha hồ checkin thỏa thích.
Nằm giữa thung lũng Mai Châu xinh đẹp, bản Lác, xã Chiềng Châu là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách. |
Để thuận tiện cho việc tham quan bản Lác, đã có sẵn dịch vụ cho thuê xe điện và xe đạp với giá cũng khá rẻ. Du khách hãy thử đạp xe 1 vòng quanh bản Lác và ngắm nhìn quang cảnh thanh bình nơi đây, du khách sẽ quên đi hết những bộn bề của công việc, học tập. Du khách cũng có thể thử trò chuyện với người dân ở đây, du khách sẽ biết thêm nhiều điều thú vị về bản sắc văn hóa nơi đây, những điều mà du khách không thể tìm thấy trong sách vở hay qua mạng Internet. Hãy yên tâm rằng người dân ở đây rất thân thiện và cởi mở.
Bên cạnh đó, khi đi du lịch bản Lác, du khách có thể tham gia vào đội văn nghệ bản, các hoạt động sinh hoạt, giao lưu tập thể như cắm trại, hay nhảy sạp, đốt lửa trại…
Tham gia chợ phiên buổi sáng
Đi chợ phiên buổi sớm ở Bản Lác |
Một trải nghiệm thú vị không kém ở Bản Lác chính là tham gia những phiên chợ vào sáng sớm. Được biết, các phiên chợ ở đây bắt đầu hoạt động từ khoảng 5h sáng. Bên cạnh những món đồ lưu niệm thì chợ phiên còn có vô vàn những món đặc sản của Mai Châu.
Du khách sẽ thấy các gian hàng được bày bán ngay tại nhà sàn của người dân hoặc tại những khu chợ bản, những cuộc chợ phiên . Các mặt hàng được bày bán rất đa dạng, với nhiều chủng loại, mẫu mã. Nào là áo, váy thổ cẩm, khăn quàng cổ, váy xòe Thái, hay những chiếc ví nhỏ xinh, thậm chí cả cung tên, nỏ, sáo trúc, mõ trâu, chiêng, tù và, sừng trâu… cùng rất nhiều mặt hàng khác. Du khách quan tâm có thể lấy lên và thử ngay tại chỗ, nếu ưng ý, du khách có thể bỏ tiền ra thuê chúng với mức giá khá rẻ tính theo giờ và chụp ảnh check in ở khắp mọi nơi.
Chỉ với 10.000 VNĐ cho đến 15.000 VNĐ, du khách đã có thể thuê cho mình 1 bộ đồ truyền thống của người Thái, để được hóa thân thành những chàng trai khỏe khoắn, nhí nhảnh hay những cô gái bản địa dịu dàng trong tà váy thổ cẩm, cảm nhận được phần nào đó nét văn hóa dân tộc nơi đây.
Sẽ không có chuyện du khách bị chặt chém hay chèo kéo mua hàng. Người bán hàng cũng là người dân ở đây nên họ rất thật thà và thân thiện. Thậm chí nếu xem xong mà không mua thì cũng không phải ngại vì họ cũng không lấy đó làm phiền.
Khắp những con đường vào bản du khách sẽ bắt gặp những tấm vải thổ cẩm nhiều màu sắc đặc trưng cho người dân tộc. Đã đi du lịch Bản Lác thì du khách đừng ngần ngại mua những món đồ lưu niệm được dệt từ thổ cẩm như khăn choàng, túi xách, ví tiền… về làm quà cho người thân và bạn bè của mình nhé!
Những đặc sản đầy hấp dẫn và độc đáo
Những món ăn đặc sản của bản Lác nhất định phải thử |
Đi du lịch thì không thể thiếu các món ăn. Đến với bản Lác du khách sẽ được dùng cơm cùng với gia chủ. Đồ ăn thì chủ yếu là các sản vật của núi rừng do người dân tự trồng trọt, chăn nuôi hoặc lên rừng hái lượm, săn bắt. Có thể kể đến như cơm lam, xôi nếp nương, cá suối, lợn bản, măng chua, rau đồ, gà đồi, cá suối hấp, măng đắng…
Cơm lam
Nhắc đến những món đặc sản nổi tiếng ở bản Lác chắc chắn không thể thiếu món cơm lam. Cơm được nấu từ loại gạo dẻo, thơm sau đó đem rửa sạch và cho vào những ống tre non. Cơm lam làm chín bằng cách nướng trên bếp than. Để món cơm lam ngon đòi hỏi người chế biến phải rất khéo tay. Khi nướng phải xoay đều để chín kỹ, ăn không bị sượng.
Khi thưởng thức du khách sẽ cảm nhận rõ rệt hương thơm của nứa, tre thấm đẫm trong từng hạt gạo. Cơm lam có thể ăn cùng với thịt nướng, chấm muối vừng hoặc ăn kèm với chẳm chéo – một loại gia vị chỉ tìm thấy ở các tỉnh Tây Bắc.
Cơm lam không chỉ là đặc sản Mai Châu mà món này nổi tiếng khắp Tây Bắc, và nếu có dịp đến đây du khách hãy nhớ thưởng thức món ăn này.
Gà đồi
Gà đồi là những con gà được nuôi theo phương pháp tự nhiên, thả rông không sử dụng thức ăn công nghiệp. Mặc dù gà đồi không to như gà công nghiệp hay gà ta thế nhưng thịt của chúng lại rất chắc, ngọt và thơm.
Gà đồi được tẩm ướp cùng với lá mắc khén và các loại gia vị đặc trưng của dân tộc Thái. Sau đó đem nướng trên than hoa để có mùi thơm hơn. Thịt gà sau khi nướng chấm cùng với chẳm chéo ngon hết nấc, du khách cũng có thể kết hợp cùng với cơm lam nếu muốn có một bữa no bụng nhé! Tới Bản Lác du khách sẽ thấy bất kì quán ăn hay nhà hàng nào đều phục món gà đồi nướng này đó!
Cá suối nướng
Đã tới Bản Lác mà không thưởng thức món cá suối nương thì quả là một thiếu sót lớn. Đặc biệt, Trong các lễ hội truyền thống của người Thái thì càng không thể bỏ qua món ăn thơm nức này. Để đảm bảo món cá nướng đạt tiêu chuẩn, người dân cần chọn những con cá suối không quá lớn nặng từ 4 – 6 lạng, thường sống ở các ao suối quanh bản.
Thịt cá suối sau khi làm sạch đem ướp với gia vị cho đậm vị. Cá suối được kẹp vào các que tre sau đó nướng trực tiếp trên lửa hồng cho tới khi chín. Vỏ ngoài giòn rụm thơm nức mũi. Bên trong thịt cá dai, chắc và rất ngọt thịt. Đây là một món ăn bình dân ở Bản Lác nên du khách có thể tìm thấy ở bất kỳ hàng quán nào quanh Bản Lác đó!
Lợn Bản xiên nướng
Lợn ở đây cũng được nuôi tự nhiên, đi ăn cây cỏ, rễ cây nên thịt rất ít mỡ, chắc thịt. Món thịt lợn bản xiên nướng được yêu thích nhất do thịt được ướp với các loại gia vị miền núi dậy mùi thơm và được nướng trên than hoa, ở ngoài giòn vàng hấp dẫn nhưng ở trong vẫn còn nguyên vị ngọt của thịt.
Rượu cần
Đặc biệt, đã đặt chân đến bản Lác thì đừng bao giờ trở về mà chưa thử rượu cần của chính người trong bản tự sản xuất nguyên liệu và ủ bằng phương pháp thủ công truyền thống. Người Thái là một trong những dân tộc thiểu số có cách làm rượu cần tương đối đặc biệt so với các dân tộc khác. Sau khi gom đủ các loại lá quả như mắc cái, bơ hinh ho, củ riềng, quả ớt, lá trầu không,…, họ đem giã nhuyễn với gạo tấm, đem ủ từ 15 – 20 ngày. Cái rượu thường được làm bằng vỏ củ sắn khô hoặc ngô, củ dong riềng, hạt ý dĩ,… Trải qua một quá trình khá phức tạp nữa, rượu cần mới được nên vị thơm và nồng rất đặc trưng, được dùng bằng các cần tre trúc nhỏ đã được đục thông.
Thưởng thức các món ăn nổi tiếng của Mai Châu bên cạnh chum rượu cần, ngắm nhìn các thiếu nữ dân tộc Thái biểu diễn các điệu múa truyền thống đầy uyển chuyển, mượt mà thì quả là không có gì sánh bằng.
Khám phá bản Thung Cuông - Ngôi làng nhỏ bé giữa những sườn đồi xanh mộng mơ |
Về bản Nà Luông khám phá bản sắc dân tộc Lào |
Vẻ đẹp yên bình của bản Lìm Mông |