Nồm ẩm là đặc trưng của mùa xuân miền Bắc, một hiện tượng thời tiết tưởng chừng như vô hại nhưng lại mang đến những hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe con người. Khi nồm ẩm xuất hiện, độ ẩm trong không khí tăng cao đột ngột, tạo điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn, nấm mốc và virus sinh sôi nảy nở. Những tác nhân gây bệnh này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là qua đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như viêm mũi họng, viêm phế quản, hen suyễn và thậm chí là viêm phổi.
![]() |
Độ ẩm trong không khí tăng cao đột ngột, tạo điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn, nấm mốc và virus sinh sôi. |
Bên cạnh đó, độ ẩm cao cũng gây ra các vấn đề về da liễu như nấm da, dị ứng và mẩn ngứa. Trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị ảnh hưởng bởi nồm ẩm.
Ngoài việc giảm độ ẩm trong nhà bằng cách đóng kín cửa, dùng máy hút ẩm, điều hòa và vệ sinh thường xuyên, tăng cường sức đề kháng là rất quan trọng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp chống lại bệnh tật. Dưới đây là những cách để có sức đề kháng tốt.
Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Những thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch thường rất quen thuộc và dễ tìm. Chẳng hạn, các loại trái cây có múi, rau và trái cây màu xanh đậm, đậu, tỏi, ớt chuông đỏ, hạt hướng dương, quả óc chó… đều chứa nhiều chất chống oxy hóa.
Mặc dù không có loại thực phẩm hay thực phẩm bổ sung nào có thể thay thế thuốc chữa bệnh hoặc ngăn ngừa hoàn toàn các bệnh truyền nhiễm, nhưng những thực phẩm này chứa các hợp chất có tác dụng hỗ trợ cơ thể chống lại virus và bảo vệ sức khỏe.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh như cảm lạnh và cảm cúm. Bạn có thể tìm thấy nguồn vitamin C dồi dào trong các loại rau củ và trái cây có màu đỏ, cam, vàng như bí ngô, khoai lang, ớt chuông, đu đủ, cam, dứa… Việc bổ sung những thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe.
Bổ sung thực phẩm chống viêm
![]() |
Omega-3 có tác dụng chống viêm, tăng cường miễn dịch. |
Để tăng cường hệ miễn dịch, bạn nên chú ý đến các thực phẩm có tác dụng chống viêm. Trong đó, thực phẩm giàu axit béo omega-3, như cá hồi, cá thu, cá ngừ và cá mòi, được biết đến với khả năng ngăn chặn các quá trình gây viêm trong cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng omega-3 có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe tổng thể, góp phần bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Men vi sinh trong thực phẩm
Sức khỏe đường ruột đóng vai trò quan trọng, không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn giúp củng cố hàng rào miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại.
Các thực phẩm lên men có thể tăng cường hệ miễn dịch đường ruột, từ đó ảnh hưởng tích cực đến khả năng chống nhiễm trùng. Một số thực phẩm và đồ uống giàu men vi sinh, như kombucha, sữa chua, kim chi…, chứa lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
Đảm bảo uống đủ nước
Bất kể thời tiết ra sao, bạn nên duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày. Đừng chờ đến khi cảm thấy khát mới uống, vì lúc đó cơ thể có thể đã bị mất nước. Bổ sung đủ nước không chỉ giúp duy trì các chức năng cơ thể mà còn hỗ trợ đào thải độc tố, góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể.
Bổ sung đủ kẽm
Kẽm là khoáng chất quan trọng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Nghiên cứu cho thấy những người có lượng kẽm thấp dễ bị nhiễm trùng hơn.
Lượng kẽm khuyến nghị hằng ngày là 13 mg đối với nam giới trưởng thành và 9,2 mg đối với phụ nữ trưởng thành.
Bạn có thể bổ sung kẽm từ thực phẩm như hàu, thịt bò, ngũ cốc tăng cường kẽm, đậu lăng, đậu phộng hay sữa chua Hy Lạp để duy trì sức khỏe và tăng cường sức đề kháng.
![]() |
Kẽm là khoáng chất quan trọng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch. |
Tập thể dục
Những người ít vận động thường có nguy cơ cao mắc cảm lạnh và các bệnh truyền nhiễm hơn so với những người duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. Vận động thường xuyên không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể.
Khi tập thể dục, hệ tuần hoàn hoạt động mạnh mẽ hơn, tim bơm máu hiệu quả đến các cơ quan, tiêu hao năng lượng và tăng sức chịu đựng của cơ thể. Đồng thời, hệ bài tiết cũng được kích thích để loại bỏ độc tố.
Ngoài ra, tập luyện còn giúp não bộ sản sinh hormone Endorphin, mang lại cảm giác hưng phấn, giảm căng thẳng và tăng cường khả năng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị ốm hơn. Giấc ngủ là khoảng thời gian quan trọng để cơ thể tái tạo và phục hồi. Người trưởng thành (18 – 64 tuổi) cần ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm, trong khi người lớn tuổi nên ngủ 7 – 8 tiếng và trẻ em, thanh thiếu niên cần nhiều hơn.
Duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng cường khả năng miễn dịch.
Giữ vệ sinh cá nhân
Trong thời tiết mưa phùn, nồm ẩm, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và không gian sống sạch sẽ giúp ngăn ngừa ẩm mốc và vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn là biện pháp quan trọng để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
Rửa tay bằng xà phòng với nước trong ít nhất 20 giây giúp loại bỏ đáng kể vi sinh vật có hại. Bạn nên rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm, sau khi đi vệ sinh, hắt hơi hoặc ho để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
![]() |
![]() |
![]() |