![]() |
Tiềm ẩn bệnh tật từ chất Paraben
Paraben là chất bảo quản có tính kháng khuẩn, kháng nấm, dùng để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn và hạn chế phân huỷ của các thành phần trong mỹ phẩm dẫn đến giảm hiệu quả của sản phẩm. Vì thế Paraben có mặt ở nhiều sản phẩm đòi hỏi sự bảo quản trong thời gian dài. Tuy vậy, không phải mọi chất Paraben đều được phép sử dụng như chất bảo quản trong mỹ phẩm.
Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện trên thế giới chứng minh Paraben là chất gây hại cho sức khỏe con người. Paraben được cho là có thể phá vỡ nội tiết tố trong cơ thể và gây hại cho khả năng sinh sản và cơ quan sinh sản, ảnh hưởng đến kết quả sinh nở và tăng nguy cơ ung thư. Chúng cũng có thể gây kích ứng da.
Do khả năng gây rối loạn nội tiết và gây hại cho khả năng sinh sản của nam giới và nữ giới đã được ghi nhận, cùng với khả năng phơi nhiễm lặp đi lặp lại suốt đời, các nhà khoa học cho rằng không nên sử dụng paraben chuỗi dài (isobutyl-, isopropyl-, Pentylparaben…) trong chăm sóc cá nhân hoặc sản phẩm làm đẹp. Hơn nữa, vẫn có nhiều lựa chọn bảo quản tốt cho sức khỏe khác thay vì các hóa chất này.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về chất Paraben trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm: “Paraben là chất không được sử dụng trong thực phẩm, không được sử dụng làm phụ gia thực phẩm hay chất bảo quản trong thực phẩm, theo quy định của Bộ Y tế.
Do vậy 5 chất paraben bị cấm nói riêng nêu trên và các dẫn xuất khác của paraben không được Bộ Y tế chấp thuận thì không được phép có mặt trong các sản phẩm thực phẩm.”
![]() |
Nên là người tiêu dùng thông thái
Tại kỳ họp thứ 21, Hội đồng Mỹ phẩm đã họp thông qua quyết định cấm sự dụng 5 loại paraben trong sản phẩm Mỹ phẩm, cụ thể là: Isopropylparaben và muối của nó; Isobutylparaben và muối của nó; Phenylparaben; Benzylparaben; và Pentylparaben. Các thành phần này được đưa vào phụ lục II (phụ lục các chất cấm sử dụng trong Mỹ phẩm).
Một số chất paraben được phép dùng như chất bảo quản trong sản phẩm mỹ phẩm với nồng độ theo quy định tại Phụ Lục VI của Nghị định ASEAN, cụ thể là các Paraben (Natri, Kali, Canxi); Methylparaben và các muối của nó (Natri, Kali); Ethylparapen và các muối Natri, Kali của nó; Butylparaben và các muối natri, kali của nó, Propylparaben và các muối Natri, Kali của nó, được phép dùng riêng lẻ với nồng độ tối đa 0,14% (tính theo acid), và dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo acid).
![]() |
Theo Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam cho hay: Quy định ghi nhãn Mỹ phẩm cũng là một nội dung có quy định trong ACD và Việt Nam áp dụng hoàn toàn theo quy định này. Theo đó, tất cả các thành phần dùng trong công thức Mỹ phẩm phải được liệt kê trên nhãn sản phẩm mỹ phẩm theo thứ tự giảm dần về hàm lượng nhưng không cần thiết công bố tỉ lệ % trên nhãn. Tỉ lệ % của các thành phần có quy định giới hạn hàm lượng sẽ được kê khai trong phiếu công bố sản phẩm Mỹ phẩm doanh nghiệp nộp cho Cơ quan y tế trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Ngoài ra, Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu và Mỹ phẩm Việt Nam hợp tác chặt chẽ với phòng Mỹ phẩm, Cục Quản lý dược Việt nam trong việc truyền tải các quy định về sản xuất, nhập khẩu, lưu hành Mỹ phẩm cho các doanh nghiệp Mỹ phẩm để bảo đảm các doanh nghiệp thành viên luôn có đủ các thông tin về quy định nhằm hỗ trợ cho việc tuân thủ các quy định về Mỹ phẩm. Hiệp hội luôn cố gắng nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong việc tuân thủ quy định và đưa ra thị trường các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo Công văn số 6577/QLD-MP ngày 13/04/2015 của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế: 05 paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) được bổ sung vào Annex II (các chất không được dùng trong mỹ phẩm). Thời hạn áp dụng quy định đối với 05 paraben nêu trên: Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015. Các chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) (tham chiếu 39, 57 Annex V): Hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off products) với nồng độ không quá 0,0015%; Hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 và có thêm MIT thì không được sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm. |