30 Tết là ngày 30 tháng Chạp, ngày cuối cùng của một năm, đóng vai trò quan trọng không kém gì ngày mồng 1 đầu năm.
Theo quan niệm của người Việt, đây là thời điểm tổng kết, hoàn thành những điều dang dở của năm cũ, đồng thời chuẩn bị chào đón năm mới.
30 Tết cũng là lúc gia đình sum họp, quây quần, cùng làm mâm cơm tất niên dâng lên tổ tiên. Những công việc cần hoàn thành trong ngày 30 tháng Chạp, trước khi bước sang năm mới mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà bạn cần lưu ý.
Hoàn tất việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa
![]() |
Dọn dẹp, trang trí nhà cửa ngày Tết là điều mà gia đình Việt nào cũng thực hiện |
Việc dọn dẹp nhà cửa vào thời điểm cuối năm nhằm mục đích sẵn sàng chào đón năm mới sạch sẽ, sáng sủa hơn. Bên cạnh đó, việc làm này cũng mang ý nghĩa là dọn đi tất cả những đen đủi, vận xui trong năm cũ ra khỏi gia đình.
Rác hay mạng nhện trong nhà cũng như những điều kém may mắn, sẽ được gia chủ dọn dẹp sạch sẽ để chào đón một năm mới tinh tươm hơn.
Bên cạnh đó, việc mua cây cối, hoa tươi trang trí nhà cửa cũng nên được hoàn thành trước thời khắc giao thừa. Bởi lẽ mua hoa, cây được tin là mang lại may mắn, thịnh vượng, hút lộc vào nhà giúp gia chủ.
Bày mâm ngũ quả
![]() |
Mâm ngũ quả nên được hoàn thành trước trưa ngày 30 Tết |
Mâm ngũ quả là một trong những thứ quan trọng để chưng bày trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết của người Việt.
Mâm ngũ quả mang ý nghĩa là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia chủ và luôn là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta.
Theo quan niệm thì “ngũ quả” là sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời. Số 5 – “ngũ hành” là một con số đẹp trong phong thủy, thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ. Chính vì vậy, mâm ngũ quả ngày Tết nhằm thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở, phát triển.
Nguyên tắc bày mâm ngũ quả là phải có 5 loại trái cây với 5 màu sắc khác nhau, tương ứng với 5 màu sắc của các hành: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Những loại quả thường được sử dụng để bày mâm ngũ quả là chuối, bưởi, sung, quýt, ớt,… Việc bày mâm ngũ quả nên được hoàn thành trước buổi trưa ngày 30 để tránh gấp gáp.
Chuẩn bị lễ cúng giao thừa
![]() |
Cúng giao thừa là nghi thức tâm linh đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt |
Các gia đình bày lễ cúng giao thừa, tiễn thần Hành khiển năm cũ về trời, đón thần Hành khiển năm mới cai quản hạ giới. Đồng thời thỉnh mời, cung phụng các vị thần trong gia đình như Táo quân, Thổ công... Đây được coi là nghi thức đặc biệt quan trọng trong năm, vì thế nên chuẩn bị thật kĩ càng, tránh sai sót để cầu một năm mới suôn sẻ, bình an.
Lễ vật cúng giao thừa không cầu kỳ, cần đĩa xôi với gà luộc, cau trầu, rượu nước, bông hoa hồng và vàng mã, mũ áo thần linh. Lễ cúng giao thừa gồm hai lễ là lễ cúng ngoài trời và cúng trong nhà.
Theo phong tục truyền thống, lễ cúng giao thừa ngoài trời được tiến hành trước rồi mới đến lễ cúng giao thừa trong nhà. Lễ thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp.
Tố chức mâm cơm tất niên
Tết được coi là ngày để cả gia đình tụ họp, sum vầy, vậy nên một bữa cơm tất niên là điều không thể thiếu. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm là lúc tất cả mọi người cùng nhau điểm lại những việc làm, thành tựu của năm cũ, xoá bỏ mọi hiềm khích và cùng nhau chờ đón một năm mới thịnh vượng hơn. Đây cũng là thời điểm mọi người cùng gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới.
Mở cửa sổ và cửa ra vào
Đây là nghi thức được nhiều người Việt tin là có thể đuổi hết vận xui năm cũ ra khỏi nhà, đồng thời mở rộng cửa để đón may mắn tràn vào nhà. Việc mở cửa cũng giúp căn nhà thông thoáng, không khí lưu thông tạo cảm giác sảng khoái, hứng khởi hơn.