Đặc sản gà H'Mông được nuôi an toàn sinh học, gà khỏe thịt ngon, Sơn La hỗ trợ nhân rộng Về Đền Bảo Lộc đi lễ để cầu mong một năm mới an lành Thịt gà đen H’mông |
Đón Tết vào đầu tháng Chạp Âm lịch
Đồng bào người H’Mông sống chủ yếu ở vùng cao thuộc các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La,… Trong các tỉnh, người H’Mông cư trú xen kẽ với nhiều dân tộc anh em khác, nhưng không giống với nhiều dân tộc như Dao, Lô Lô, Pu Péo… Họ ở tập trung thành từng vùng rõ rệt, trong đó người H’Mông chiếm tỉ lệ dân số cao so với các dân tộc anh em cùng chung sống.
Người H’Mông ở Sơn La và một số tỉnh ở Tây Bắc thường ăn Tết vào đầu tháng Chạp Âm lịch. |
Không giống với dân tộc Kinh và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở trong cả nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng, người H’Mông ở Sơn La và một số tỉnh ở Tây Bắc thường ăn Tết vào đầu tháng Chạp Âm lịch.
Sau khi hoàn tất công việc đồng áng, họ nghỉ ngơi sau một năm lao động hăng say, vất vả để chuẩn bị sắm sửa, đón ngày Tết về. Người H’Mông sống chủ yếu bằng các hoạt động nông nghiệp, những công cụ dụng cụ sản xuất đối với họ vô cùng ý nghĩa. Vì vậy, sau khi dừng các công việc, họ phong lại tất cả các công cụ sản xuất. Mỗi thứ lại được họ phong bằng những hình thức khác nhau, ví dụ các lò rèn phải làm lễ đóng lò, chiếc cối xay ngô thì phải được tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh ngô và rượu.
Tối 30/11 Âm lịch, thời khắc giao thừa chuẩn bị đến cũng là lúc khắp các bản, các hộ dân tộc H’Mông nhà nào nhà nấy đều quây quần bên mâm cơm gia đình để cùng nhau đón năm mới.
Đặc biệt, nếu gia đình nào tổ chức ăn Tết vào các ngày 27, 28 hoặc 29 hay 30 trong tháng 11 Âm lịch thì ngày hôm sau sẽ là mùng một Tết, không nhất thiết cứ phải ăn Tết vào tối 30/11 Âm lịch. Do vậy, khi những tiếng gà gáy “ò ó o” đầu tiên vang lên trong sáng ngày hôm sau thì cũng sẽ là thời điểm đánh dấu những phút giây đầu tiên bước sang năm mới và người H’Mông sẽ coi đó là ngày mùng một Tết.
Niềm vui của trẻ em người H'Mông trong ngày Tết. |
Tết của người H’Mông không thể thiếu món bánh dày
Món ăn ưa thích của người H’Mông trong ngày Tết chính là thắng cố nấu bằng xương thịt trâu, ngựa. Ngày thường thì phải ra chợ mới có thắng cố. Tết đến, chảo thắng cố luôn sôi sùng sục trong bếp lửa người H’Mông.
Ngoài món thắng cố quen thuộc mà du khách dễ dàng bắt gặp ở các chợ phiên vùng cao, thì Tết của người H’Mông không thể thiếu món bánh dày. Theo quan niệm của người H’Mông, bánh dày là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng, là nguồn gốc sinh ra loài người và muôn loài nên trong mâm cơm ngày Tết nhất thiết phải có món bánh này để dâng cúng tổ tiên và khoản đãi khách đến chơi nhà.
Không chỉ ăn uống, người H’Mông còn thích đi chơi trong ngày Tết Cổ truyền của dân tộc mình. Họ mang theo khèn, đàn môi... đi chơi khắp các bản.
Người H’Mông đón chào năm mới bằng lễ hội Gầu Tào, là lễ hội cầu phúc truyền thống của đồng bào nơi đây. Theo quan niệm của họ, lễ hội nhằm tạ ơn tổ tiên cho mùa màng bội thu, cho chăn nuôi thuận lợi, và đặc biệt cầu cho cháu con đầy đàn.
Trong những ngày đón Tết, người H’Mông cũng sẽ cùng nhau chơi Tết và khoác lên mình những bộ váy, áo đẹp nhất. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên sườn đồi ngút ngàn cùng những tiếng leng keng của đồng bạc trên người các chàng trai, cô gái đi chơi Xuân.
Trong những ngày đón Tết, người H’Mông cũng sẽ cùng nhau chơi Tết và khoác lên mình những bộ váy, áo đẹp nhất. |
Chẳng những có các lễ hội truyền thống, cả năm vất vả, Tết chính là quãng thời gian họ nghỉ ngơi, tổ chức trò chơi, tổ chức giao lưu âm nhạc.
Đây cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Trong các ngày Tết, nam thanh, nữ tú trưng diện những bộ quần áo mới và diện các đồ trang sức đẹp nhất, tổ chức thành từng tốp ném còn “pó po”, đánh gụ “đầu tu lu”, đánh cầu tự chế bằng lông gà “đầu tỳ kay”; hát “cự xia”, “lù tẩu”.
Từ sáng sớm, nam nữ tập trung tại một địa điểm rộng để chơi trò ném pao, chàng trai ném quả pao về hướng cô gái mà mình thích, nếu cô gái đó thích thì bắt lấy, coi như đó là sự đồng ý. Ngược lại, nếu cô gái nào yêu một chàng trai thì cũng làm như vậy. Trò chơi ném quả pao diễn ra trong 10 ngày liên tiếp, lúc nào mệt, đói thì nghỉ.
Đến tối, họ lại tập trung chơi trò ném quả lông, y như trò chơi ném quả vải, hai trò này giống nhau về cách chơi, chỉ thay đổi vật để ném. Nhiều đôi trai gái trong bản nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào Tết và những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc.
Giờ đây, đời sống của người H’Mông dần được nâng lên cùng với sự thay đổi về nhận thức, nhiều hủ tục lạc hậu đã được bài trừ. Và Tết sớm của người H’Mông vẫn luôn là nét đẹp văn hoá riêng, đặc sắc trên miền cực Bắc của Tổ quốc.
Gần Tết, đặc sản gà Mông đen lại hút khách |
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cho các dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc |
Triển lãm ảnh nghệ thuật Đắk Lắk - Hội tụ và bản sắc |