Tăng huyết áp là gì
Tăng huyết áp là tình trạng tăng liên tục của huyết áp tâm thu lúc nghỉ (≥ 130 mmHg) hoặc huyết áp tâm trương lúc nghỉ (≥ 80 mm Hg), hoặc cả hai .
![]() |
Thông thường, bệnh không biểu hiện triệu chứng lâm sàng trừ khi huyết áp tăng rất cao hoặc bệnh đã kéo dài. Chẩn đoán bằng đo huyết áp. Các xét nghiệm có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân, đánh giá tổn thương cơ quan và xác định các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Gần một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị tăng huyết áp. Nhiều người trong số này không biết rằng họ bị tăng huyết áp. Khoảng 80% số người trưởng thành bị tăng huyết áp được khuyến nghị điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống, nhưng chỉ khoảng 50% số người bị tăng huyết áp được điều trị.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành đều không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát). Nguyên nhân của tăng huyết áp có thể được phát hiện thông qua khai thác tiền sử, khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng thường quy.
![]() |
Các nguyên nhân thường gặp ở tăng huyết áp thứ phát bao gồm:
- Bệnh thận cấp hoặc mạn tính: Viêm cầu thận cấp/mạn, viêm thận kẽ, sỏi thận, thận đa nang, thận ứ nước, suy thận.
- Hẹp động mạch thận.
- U tuỷ thượng thận.
- Cường Aldosteron tiên phát (Hội chứng Conn).
- Hội chứng Cushing.
- Bệnh lý tuyến giáp/cận giáp, tuyến yên.
- Do thuốc, liên quan đến thuốc (kháng viêm Non-steroid, thuốc tránh thai, corticoid, ...).
- Nhiễm độc thai nghén.
- Yếu tố tâm thần.
Dấu hiệu cảnh báo tình trạng tăng huyết áp
Tăng huyết áp là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh, tuy nhiên tăng huyết áp lại gần như không có dấu hiệu nhận biết. Cách duy nhất để nhận biết bạn có bị tăng huyết áp hay không đó là thông qua việc kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có người thân cũng mắc tăng huyết áp.
Nếu huyết áp của bạn tăng cao, sẽ có một số dấu hiệu tăng huyết áp mà bạn cần chú ý:
- Nhức đầu.
- Chảy máu mũi.
- Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc.
- Tê hoặc ngứa ran các chi.
- Buồn nôn và nôn.
- Choáng và chóng mặt.
- Đau tim.
- Ngoài ra huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
![]() |
Những biến chứng mà tăng huyết áp gây nên
Huyết áp cao không được kiểm soát sẽ dẫn đến những biến chứng sau:
- Đau tim, đột quỵ: Tăng huyết áp làm xơ cứng và dày thành mạch ( xơ vữa động mạch), có thể dẫn đến cơn đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác.
- Chứng phình động mạch: Huyết áp tăng khiến thành mạch yếu đi và phình ra, hình thành chứng phình động mạch. nếu mạch máu bị vỡ có thể đe dọa đến tính mạng.
![]() |
- Suy tim: Để bơm máu chống lại áp lực cao ở thành mạch, tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến phì đại thất trái. Khi cơ tim dày lên sẽ khó bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, điều này có thể dẫn đến suy tim.
- Suy thận do nguy cơ thu hẹp động mạch thận khi THA.
- Xuất huyết võng mạc.
- Hội chứng chuyển hoá: Hội chứng này bao gồm một nhóm các rối loạn chuyển hoá của cơ thể bạn, bao gồm: tăng vòng eo, tăng triglycerides, giảm HDL-C ( cholesterol tốt), nồng độ insulin cao. Những rối loạn này khiến bạn dễ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ
- Biến chứng não: Các động mạch bị thu hẹp khiến máu khó lưu thông đến não, dẫn đến đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu não, chứng mất trí nhớ.
Những lưu ý đặc biệt quan trọng với người tăng huyết áp
Người bị cao huyết áp cần lưu ý những điều đặc biệt:
- Không ăn mặn.
- Không tự dừng/điều chỉnh thuốc đột ngột.
- Không thực hiện những hoạt động cố sức đột ngột
- Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Luôn duy trì tinh thần thư giãn, thoải mái.
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học.
- Có máy đo huyết áp trong nhà, biết cách tự đo huyết áp.
- Cảnh giác với các triệu chứng bất thường.
- Luôn giữ số điện thoại của bác sĩ tim mạch hoặc bệnh viện gần nhà nhất.
Tăng huyết áp diễn biến thầm lặng, ít có triệu chứng nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy chúng ta cần nhận biết sớm những dấu hiệu của tăng huyết áp giúp việc điều trị bệnh đơn giản hơn.
![]() |
![]() |
![]() |