![]() |
Người phụ nữa ròng rã 23 năm nhặt nhạnh rồi chăm bẵm những con mèo bị bỏ rơi. |
Tình yêu mèo hoang không giới hạn
Người phụ nữa ròng rã 23 năm nhặt nhạnh rồi chăm bẵm những con mèo bị bỏ rơi là cô Nguyễn Thúy Hải (59 tuổi ở Hà Nội). Mỗi khi nhìn mèo nhỏ bị bỏ rơi, bị chủ đối xử tàn nhẫn hay bị tai nạn đáng thương giữa đường, tình yêu thương động vật trong cô lại trỗi dậy. Trong nhiều năm trời, cô Hải bắt đầu chăm sóc mèo hoang từ công việc đơn giản như nấu cơm, mang thuốc men đến tận nơi chữa trị cho chúng.
Một ngày năm 2009, cô Hải đưa ra một quyết định táo bạo, đó là đem chúng về nhà nuôi sau khi nhận được tin có một con mèo mẹ bị chặt cụt chân nằm thoi thóp chờ chết ở phố Láng Hạ. Cô và con trai nhanh chóng tới đón mèo về nhà, dùng kinh nghiệm nhiều năm tự chữa trị cho mèo mẹ.
![]() |
Những con mèo ốm được chăm sóc cẩn thận. |
Cùng với tình thương và sự kiên trì chăm sóc mỗi ngày, một tháng sau mèo mẹ dần bình phục và được cô Hải ấu yếm đặt tên là mèo mẹ Cụt. Sau 2 tháng, mèo Cụt đã sinh ra được 4 mèo con khỏe mạnh. Từ đấy trở đi, nhặt được đứa nào, cô đều bế về chăm sóc.
Nhiều năm ròng rã, cô Hải không nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu con mèo. Mèo được cô Hải cứu về thường là những con bị chủ vứt bỏ, không có khả năng sống sót. Có những con mèo bị tai nạn nằm tại chỗ hấp hối cô cũng hết lòng cưu mang, chạy chữa bởi cô không đành lòng để chúng tan thành cát bụi ở ngoài đường.
Thời điểm cô Hải đón thêm nhiều mèo về nhà là khi căn nhà của cô chỉ vỏn vẹn hơn 20m2. “Thời đó người với mèo ăn ngủ cùng nhau, tôi nhớ có những buổi sáng tỉnh giấc thấy xung quanh toàn là mèo”, cô Hải kể lại.
![]() |
Mỗi khi nhìn mèo nhỏ bị bỏ rơi, bị chủ đối xử tàn nhẫn hay bị tai nạn là cô Hải tìm mọi cách đưa về chăm sóc. |
Sau nhiều năm dành dụm, cô xây được “nhà mèo” - một không gian nhỏ nới ra nơi ban công của khu tập thể. Đây không chỉ là niềm vui của cô mà còn là món quà quý báu đối với những thành viên nhỏ đang ngày càng lớn cần một không gian rộng lớn hơn.
Sau này, chuyển đến sống trong căn chung cư trên đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cô Hải phá phòng ngủ rộng 13m2, sửa thành "nhà mèo" với những chiếc lồng xếp chồng lên nhau thành "chung cư", bố trí thêm ba hộp vệ sinh, ban công rộng, điều hòa 2 chiều, quạt, camera giám sát,…
Cô còn dành một chiếc tủ lớn đựng quần áo, bỉm, thuốc men, giấy vệ sinh,… cho mèo, cẩn thận viết công thức thuốc riêng từng con, phòng trường hợp bận việc nhờ người khác chăm sóc. Để tiết kiệm, cô cắt đôi bỉm, chắp vá từng mảng chưa bị vấy bẩn để tái sử dụng.
Từ bỏ mọi thú vui vét những đồng cuối cùng nuôi mèo
Yêu thương và coi chúng như con, cô đặt cho mỗi con một cái tên thật hay và gần gũi với đặc tính. Đó có thể là Bông xù, Trắng Tròn, Mi Sa, Bông Trắng,… Dù là cái tên nào, nhưng tất cả chúng đều có chung tình thương, cứ thế sống quanh quẩn trong căn nhà nhỏ của “mẹ Hải”.
Thời gian trôi qua, có đến hàng trăm con mèo được cô Hải đón về nhà, có con được cứu sống khỏe mạnh ở lại với cô, có con lại được chủ mới đón về nuôi, cũng có những con không may qua đời… Nhưng với cô, tất cả chúng đều là những đứa “con” mà cô rất mực yêu thương và chiều chuộng.
![]() |
Những chú mèo ốm được chăm sóc đặc biệt. |
Một ngày của cô Hải bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 sáng. Cô dành thời gian để lau chùi, dọn dẹp chỗ ngủ của mèo, cho mèo ăn, cho đi vệ sinh... Cô thay mới, đánh rửa bát đựng thức ăn cho những con mèo khỏe mạnh. Sau đó tự tay lau rửa, dọn vệ sinh cho những con bị bệnh ở các lồng riêng. Rồi bế từng con mèo lên đút cho ăn, bơm xi lanh cho uống nước.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhẹ nhàng, ấy thế nhưng phải đến giữa trưa cô Hải mới có thể hoàn thành xong hết các đầu việc trên và không lúc nào có thể rời nửa bước. “Công việc ưu tiên phải đi ra ngoài là ma chay, hiếu hỉ, thăm người ốm đau… ngoài ra không đi đâu được nhiều. Ngày thì ở nhà phục vụ mấy đứa, tối ra trông quán gần trường Bách Khoa để kiếm tiền cũng là để mua đồ ăn, y tế cho mèo”, cô Hải chia sẻ.
23 năm qua, có những con mèo vượt qua bệnh tật, dần khỏe mạnh, ở lại với cô; có con được chủ mới đón về nuôi; cũng có những con không may qua đời. Hiện cô đang nuôi 40 chú mèo, cả khỏe mạnh lẫn bệnh tật, lâu nhất là "bác Trắng Tròn" thâm niên 14 năm ở "nhà mèo".
![]() |
Những chú mèo bị bỏ rơi được chăm bẵm trong tổ ấm cho mèo. |
"Tôi ước tính chi phí nuôi mèo hàng tháng khoảng 13 triệu đồng, gồm tiền thức ăn, bỉm, thuốc men,… Nếu chúng ốm đau cần đi bệnh viện, thì số tiền không kể xiết, có thể 20 triệu đồng hoặc hơn thế nữa", cô Hải nói.
Trước đây, cô làm nhiều công việc, như kinh doanh điện lạnh, dạy bơi. Từ khi mở nhà mèo, cô nghỉ việc, mở quán trò chơi điện tử ở Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) vừa kinh doanh vừa tiện chăm mèo. Hai năm Covid-19, quán buộc đóng cửa, cô lâm vào cảnh kiệt quệ kinh tế, nhưng vẫn cố để dành một khoản tiền tiết kiệm cho lũ mèo.
"Tuy khó khăn nhưng hơn 20 năm qua, tôi chưa từng kêu gọi ủng hộ. 'Mẹ' ăn gì, con ăn nấy, miễn sao chúng khỏe mạnh, thì tôi không ngại vất vả", người phụ nữ tâm sự.
![]() |
Nhờ tình thương của cô Hải, nhiều con mèo hoang bị bỏ rơi đã được cứu sống và nuôi lớn. |
Từ khi gắn bó cuộc đời mình với những con mèo, cô Hải đã phải hi sinh nhiều sở thích cá nhân. Cô gác lại đam mê bơi lội, khiêu vũ cổ điển kể từ ngày làm “mẹ” của những con mèo đáng thương. Kể cả là đi nghỉ mát, đi du lịch đây đó với bạn bè cô cũng không có. Gần chục năm nay cô không đi đâu quá nửa ngày vì không thể dứt được các “con”. Cô thương nhà mèo vắng “mẹ Hải” thì đói, những đứa bệnh tật không ai thay rửa cho, rồi cô cũng sợ chúng nhớ mình./.