Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của cả mẹ bầu và thai nhi. 3 tháng đầu được coi là giai đoạn vất vả nhất của mẹ bầu khi gặp phải những cơn ốm nghén khó chịu. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm mà em bé chưa ổn định nên cần cực kỳ cẩn trọng trong ăn uống.
Có rất nhiều loại thực phẩm chứa rất nhiều vitamin và các chất có lợi cho sức khoẻ nhưng lại không phù hợp cho bà bầu bởi có thể gây co thắt tử cung, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến sảy thai.
Rau mầm
Rau mầm là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể |
Rau mầm là món ăn khá phổ biến, chúng mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều các rau thông thường. Trong đó, rau mầm từ hạt ngũ cốc luôn có giá trị dinh dưỡng hơn các loại khác. Rau mầm có vị ngọt hoặc cay nồng tùy theo từng loại khác nhau. Ngoài lượng chất xơ, vitamin dồi dào, rau mầm còn chứa nhiều ezym tiêu hóa khối lượng lớn các chất chống oxy hóa.
Theo nghiên cứu, 119% vitamin C cơ thể cần trong ngày chỉ trong một bát con rau mầm. Trong thành phần dinh dưỡng rau mầm có nhiều men kích thích tăng trưởng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. 50g rau mầm có giá trị dinh dưỡng bằng 200g rau thường, chúng cũng chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao, giúp giảm viêm, giảm nguy cơ mụn trứng cá và các vấn đề về da như ngứa hay ban đỏ.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai đặc biệt lưu ý chỉ ăn rau mầm đã chín. Trong rau mầm có thể chứa nhiều loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc cho phụ nữ mang thai như Listeria, Salmonella và E. coli. Vi khuẩn Listeria có thể gây ra tình trạng thai chết lưu, sẩy thai, sinh non và nhiễm trùng, trong khi vi khuẩn Salmonella và E. coli có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Nếu thích ăn rau mầm, phải nấu chín để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Với rau mầm, nếu chỉ trụng sơ thì nhiệt độ thấp sẽ không thể tiêu diệt những loại vi khuẩn này.
Rau ngót
Rau ngót có chứa chất papaverin, không tốt cho mẹ bầu |
Rau ngót chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Ngoài việc cung cấp cho cơ thể hàm lượng vitamin và chất khoáng phong phú như vitamin C, vitamin B1, vitamin B6, magie, kali, phốt pho, ... rau ngót còn chung cấp lượng đạm đáng kể. Theo các nghiên cứu, thành phần dinh dưỡng trong 100 gam rau ngót bao gồm: 5.3 gam đạm, 3.4 gam tinh bột, 169 mg canxi, 2.7 mg sắt, 64.5 gam phốt pho, 185 mg vitamin C, 2.2 gam vitamin PP, 100 mcg vitamin B1, 400 mcg vitamin B2...
Tuy nhiên, trong rau ngót có chứa thành phần hợp chất papaverin, đây được biết đến là chất kích thích cơ trơn tử cung co thắt. Nó chính là nguyên nhân tiềm ẩn ảnh hưởng đến phụ nữ đang mang thai.
Mặc dù rau ngót giàu canxi và phốt pho, tuy nhiên chất glucocorticoid được sản xuất khi cơ thể hấp thu các chất từ rau ngót lại là lá chắn cản trở việc hấp thu muối khoáng canxi và phốt pho từ các loại thực phẩm khác. Nếu duy trì ăn rau ngót trong một khoảng thời gian dài, cơ thể thai phụ có thể thiếu hụt hai loại muối khoáng này.
Ngoài ra, rau ngót là loại thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao. Phụ nữ mang thai có nhiều sự thay đổi về mặt sinh lý và giải phẫu trong cơ thể, ăn quá nhiều rau ngót có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu.
Dứa
Bromelain có trong lõi dứa không tốt cho thai kỳ |
Dứa chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất như: vitamin A, vitamin C, vitamin B6, folate, sắt, kẽm, canxi, mangan... Trong đó, vitamin C rất cần thiết cho sự tăng trưởng, đồng thời giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh và hấp thu sắt từ bữa ăn hàng ngày. Còn mangan là một chất khoáng tự nhiên giúp tăng trưởng, ăn dứa thường xuyên sẽ duy trì sự trao đổi chất lành mạnh và có đặc tính chống oxy hoá.
Tuy nhiên, dứa chứa một loại enzyme tên là bromelain. Đây là một thành phần thường không được khuyến khích cho phụ nữ đang mang thai. Chúng có thể gây ra hoạt động làm phá vỡ cấu trúc protein cơ thể khiến bạn gặp phải vấn đề chảy máu bất thường. Tuy nhiên theo dữ liệu phân tích loại enzyme này tồn tại trong lõi và chúng ta thường bỏ chỉ ăn phần thịt.
Đu Đủ xanh
Mẹ bầu không thể ăn đủ đủ xanh nhưng có thể ăn đu đủ chín |
Theo quan niệm dân gian cũng như một số thí nghiệm trên chuột, Đu đủ xanh (hoặc còn ương) có chất nhựa (mủ) không tốt cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, chất papain còn hoạt động giống như hormone prostaglandin và oxytocin gây ra co thắt tử cung. Nó cũng có thể gây ra phù và xuất huyết nhau thai – những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có thể dẫn tới sinh non. Vì thế, bà bầu nên kiêng ăn các món chế biến từ đu đủ xanh như nộm, canh đu đủ, đu đủ xào tỏi,…
Khi đu đủ chín hoàn toàn sẽ không còn chất nhựa này nên bà bầu có thể ăn được. Đu đủ là nguồn giàu vitamin B phức tạp, cần cho sự chuyển hóa các chất của cơ thể người mẹ. Kali có trong đu đủ giữ ổn định nhịp tim và huyết áp trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, đu đủ còn chứa chất chống sâu răng, viêm lợi cho thai kỳ. Loại quả này cũng chứa lượng cholesterol thấp nên an toàn cho bà bầu khi ăn mà không làm thay đổi nồng độ lipid trong cơ thể.