Mâm cúng ngày vía Thần Tài 2025 gồm những gì?
Ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng hàng năm là một dịp lễ quan trọng, đặc biệt là đối với những người kinh doanh buôn bán. |
Theo quan niệm dân gian, Thần Tài là vị thần cai quản tài lộc, mang lại sự thịnh vượng và may mắn. Trong tín ngưỡng văn hóa Việt Nam, Thần Tài thường được khắc họa với hình ảnh một ông lão hiền hậu, tay cầm thỏi vàng hoặc túi tiền, biểu trưng cho sự sung túc và giàu sang.
Người ta tin rằng, việc thờ cúng Thần Tài sẽ giúp gia đình thêm tài lộc, tránh khỏi những điều không may mắn. Cũng chính vì thế, ngày vía Thần Tài (10/1 Âm lịch) trong dân gian chính là thời điểm quan trọng và thích hợp nhất để người dân, đặc biệt là những ai làm ăn kinh doanh cầu tài lộc, sung túc, may mắn cho công việc của mình.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, đồ lễ cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng lễ vật cúnggồm nến (đèn cầy); Hương thắp (nhang); 3 cốc nước; 3 cốc rượu; Gạo (phải là gạo tẻ); Tiền vàng mã; Muối hạt sạch; Thuốc lá;
Bên cạnh đó mâm cỗ cúng Thần Tài (Bộ Tam Sên) gồm thịt heo luộc (thịt heo phải có cả mỡ, nạc, da); 3 quả trứng luộc; 3 con tôm; Hoa tươi (có thể hoa cúc vàng, hoa đồng tiền…); Tiền lẻ; 1 đĩa bánh kẹo (1 đĩa); Trầu cau (1 quả cau, 1 quả trầu); Xôi đậu xanh.
Theo chuyên gia phong thủy, ý nghĩa bộ Tam Sên (còn gọi là tam sinh hay Tam sanh) trong mâm cỗ Thần Tài được xem là đại diện cho thủy, thổ, và thiên – ba yếu tố quan trọng cấu thành sự sống và vũ trụ. Lý giải này cũng có sự liên kết chặt chẽ với ý nghĩa tâm linh trong văn hóa thờ cúng.
Bộ Tam Sên bao gồm 3 loại thực phẩm đại diện cho các loài bay trên trời, chạy trên đất và bơi dưới nước. |
Bộ Tam Sên bao gồm 3 loại thực phẩm đại diện cho các loài bay trên trời, chạy trên đất và bơi dưới nước, thường gồm: Tôm, cua hoặc các loại thủy sản (đại diện cho thủy) là biểu tượng của nước, nơi khởi nguồn sự sống, mang ý nghĩa về sự sinh sôi và tài lộc dồi dào; Thịt lợn (đại diện cho thổ) là loài sống trên mặt đất, tượng trưng cho đất đai màu mỡ và sự trù phú, no đủ, phồn thịnh. Thổ thể hiện sự ổn định và bền vững trong công việc và cuộc sống;
Trứng (đại diện cho thiên) là biểu tượng của trời (đại diện cho loài có lông vũ bay lên trời), là khởi nguồn của sự sống và sinh sôi nảy nở. Nó gắn liền với ý niệm may mắn và sự bảo trợ từ các đấng thần linh. Như vậy, bộ Tam Sên không chỉ là lễ vật cúng dường Thần Tài mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự hài hòa giữa trời, đất và nước - các yếu tố quyết định sự thịnh vượng, bình an và may mắn cho gia chủ.
Theo bà Song Hà, lễ vật cúng còn có chum rượu để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, trong mâm cỗ cúng Thần Tài, bạn cũng có thể chuẩn bị cá lóc nướng hoặc thịt heo quay, bánh hỏi. Thần Tài rất thích món cua biển và heo quay, bánh bao nhân thịt trứng và chuối chín vàng. Nói chung, những món này có thể có hoặc không tùy thuộc vào điều kiện gia đình của mỗi người.
Văn khấn ngày vía Thần Tài 2025
Con niệm Nam mô A di đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần
Con kính lạy ngài Đông trù tư mệnh táo phủ Thần quân
Con kính lạy ngài Gia Môn Thổ Phủ, Thổ Chủ Tài Thần
Con xin kính lạy các ngài Thần Tài vị tiền
Con kính lạy Tiền Hậu địa chủ chư vị linh thần
Con kính lạy Bản xứ Thổ địa Phúc Đức Chính thần
Con xin kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong khu vực này.
Tín chủ của chúng con là ... Ngụ tại: ... Là (nhà ở, nơi kinh doanh buôn bán, công ty): ... Kinh doanh ...
Hôm nay là ngày …. tháng …. năm …. Âm lịch, tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, trà quả, kim ngân và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị, thổ địa và chư vị Tôn Thần chứng giám.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám cho lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con vạn sự tốt lành, hanh thông thịnh vượng, âm phù dương trợ, đắc ngộ quý nhân, lộc tài tăng tiến, khách xa dẫn đến, khách gần dẫn lại.
Con cầu xin các ngài phù hộ cho: ...
Nhận được nhiều hợp đồng lớn, thực hiện công việc hợp đồng được hanh thông, đạt kết quả cao, để tín chủ chúng con có tài, có lộc, có ngân có xuyến, trên lo việc âm công phúc đức, dưới lo gánh việc gia trung, để (cửa hàng, công ty...) ngày càng phát triển.
Con kính xin các ngài sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, con cúi xin được phù hộ.
Nam mô A di đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
Lưu ý ngày vía Thần Tài để tài lộc gõ cửa
Mâm cúng nên được chuẩn bị với đủ màu sắc theo ngũ hành. |
Theo chuyên gia phong thủy Song Hà, trong ngày vía Thần Tài, gia chủ cần lưu ý những điều sau:
Người thực hiện nghi lễ ngày vía Thần Tài phải giữ thân thanh tịnh, sạch sẽ, quần áo chỉn chu, gọn gàng. Đồng thời, họ cũng phải tránh ăn các loại thịt thuộc tứ linh như chó, mèo, hạn chế cá chép, ba ba, rắn…
Trước khi thực hiện nghi thức, ngoài vàng bạc, gia chủ nên chuẩn bị một ít tiền mặt, đặc biệt là những tờ có mệnh giá liên quan đến số 5 (tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi mạnh mẽ). Sau khi thực hiện nghi thức chiêu tài, gia chủ hãy tiến hành thắp hương và cúng Thần Tài.
Đối với mâm cúng năm Ất Tỵ, gia chủ cần lưu ý không dâng thủ heo, nhưng vẫn có thể sử dụng heo quay và những món làm từ thịt khác. Mâm cúng nên được chuẩn bị với đủ màu sắc theo ngũ hành gồm: Kim (xám, bạc, trắng), Thủy (xanh da trời, đen), Mộc (xanh lá cây), Hỏa (đỏ, hồng, tím, cam), Thổ (nâu, vàng). Ngoài ra, gia chủ nên chuẩn bị thêm bánh bao nhân thịt, vì đây là món ăn Thần Tài yêu thích, dựa theo tích cổ.
Trong ngày vía Thần Tài, gia đình Việt có thể rước két sắt vào nhà, chọn màu dựa theo mệnh ngũ hành. Két sắt biểu tượng khí tài mạnh mẽ trong nhà, phù hợp để đón tài khí. Chú ý, nên chọn rước két vào ban ngày, khi còn ánh sáng mặt trời, tránh giờ Ngọ (11h - 13h).
Sách cổ cho biết, tài lộc đến từ hành động mang vàng, bạc vào nhà, nơi kinh doanh. Vì thế, không nhất định phải mua vàng vào ngày vía Thần Tài, chỉ cần mang vàng, bạc vào nhà, nơi kinh doanh để kích hoạt tài khí. Ngoài việc mua vàng, gia chủ cũng cần thực hiện nghi thức cúng ngày vía Thần Tài một cách trang trọng, chuẩn bị lễ vật thành tâm.