Đến hết tháng 6/2020, toàn tỉnh có trên 712 nghìn người tham gia BHYT với tỷ lệ bao phủ đạt trên 97%. Trong đó, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT là trên 288,6 nghìn người với kinh phí trên 114 tỷ đồng, chiếm 40,5% số người tham gia BHYT. Các đối tượng trên được Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng và được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định.
Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn đã sẻ chia gánh nặng về kinh tế, giúp bà con có được cơ hội chăm sóc sức khỏe để vươn lên ổn định cuộc sống
Theo Sở Lao động- TBXH tỉnh, để thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chính sách thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; cơ quan Lao động Thương binh & Xã hội, cơ quan BHXH và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý đối tượng, lập danh sách và cấp phát thẻ BHYT cho người dân; cơ quan tài chính các cấp chuyển kinh phí đóng BHYT kịp thời, đầy đủ về quỹ khám, chữa bệnh BHYT để có nguồn kinh phí phân bổ cho các cơ sở y tế thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nói riêng và đối tượng chính sách xã hội nói chung.
Đại diện Sở Y tế tỉnh cho biết: để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân kịp thời, đầy đủ nhất, công tác khám, chữa bệnh BHYT được triển khai thực hiện từ tuyến xã với tổng số 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện khám, chữa bệnh BHYT ban đầu; đồng thời thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh đối với tuyến huyện tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất và ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến.
Đồng thời, ngành Y tế đã tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh tại các tuyến; thực hiện tốt công tác phân tuyến kỹ thuật. Hệ thống cơ sở y tế tại các địa phương được đầu tư xây dựng, đội ngũ cán bộ y tế ngày càng nâng cao tay nghề nên chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các dân tộc.
Thời gian qua, BHXH tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành với các nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng trên địa bàn
Cùng với việc tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua tỉnh Lào Cai quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí mua thẻ BHYT phát miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào được khám, chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, được BHYT chi trả tiền thuốc, vật tư y tế theo quy định. Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Lào Cai được nâng lên; cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo quyền lợi BHYT của người dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 216 nghìn lượt người dân tộc thiểu số khám bệnh kê đơn và có trên 17,5 nghìn lượt người dân tộc thiểu số điều trị bệnh nội trú.
Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Sau khi được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã thuộc vùng khó khăn đã có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế, được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho đồng bào vùng khó khăn, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
Chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là việc làm hết sức cần thiết, nhất là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội, thông qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT hằng năm; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để họ hiểu quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng thẻ BHYT; bảo đảm việc cấp thẻ BHYT cho người dân luôn đầy đủ và kịp thời…, tạo cơ sở vững chắc tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Viên Minh