Xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) có diện tích rộng hơn 8.000 ha, trong đó có khu thảo nguyên Khau Sao rộng hơn 140 ha… rất thuận lợi cho việc chăn thả ngựa. Các khu đồi thảo nguyên Khau Sao có độ cao 760 - 1.000 m so với mặt nước biển, bao phủ cỏ xanh mướt, là địa điểm lý tưởng để chăn thả gia súc như: Ngựa, trâu, bò. Hiện nay, tại xã Hữu Kiên, người dân đang chăn thả hơn 1.700 con ngựa, trong đó có gần 800 con ngựa bạch.
Ngựa bạch được nuôi ở đây thường có trọng lượng khoảng từ 70 đến 100 kg, lông màu trắng, mắt, mũi, móng màu hồng, thân nhỏ. Với sản phẩm ngựa bạch, người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt và nấu cao hoặc bán con giống. Giá ngựa bạch trưởng thành có thể bán ra thị trường với giá khoảng 50 - 70 triệu đồng, cao hơn từ 2-3 lần so với giá một con ngựa bình thường.
Vẻ đẹp thuần chủng của giống ngựa bạch Hữu Kiên, Lạng Sơn
Nhận thấy đây là một trong những hướng thoát nghèo rất có hiệu quả, nên chính quyền xã đã nhanh chóng chỉ đạo cho người dân ở địa phương chủ động tìm nguồn giống, nhân rộng ra thành các mô hình chăn nuôi ngựa bạch, nhằm góp phần tăng tổng đàn gia súc của xã qua từng năm, đồng thời có thể đáp ứng được thị trường tiêu thụ hiện nay. Mặt khác, từng bước giúp bà con nông dân xoá đói, giảm nghèo một cách hiệu quả.
Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ngựa Bạch xã Hữu Kiên. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm ngựa bạch Chi Lăng với các sản phẩm cùng loại mà còn giúp người chăn nuôi ngựa tăng thu nhập.
Bên cạnh sản phẩm ngựa bạch đã được xây dựng nhãn hiệu tập thể, hiện chính quyền xã Hữu Kiên đang xúc tiến thành lập hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ ngựa bạch như: Cao ngựa, giò ngựa, các món ẩm thực từ Ngựa bạch. Nếu thành lập hợp tác xã sẽ nâng cao số lượng vừa đảm bảo chất lượng đàn ngựa vì có quy hoạch và các nguyên tắc chung giữa các hộ nuôi, tạo thương hiệu cho đàn ngựa bạch.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững đàn ngựa bạch ở xã Hữu Kiên, nhiều giải pháp được đưa ra và yêu cầu người chăn nuôi phải nắm rõ và vận dụng trong việc phát triển đàn ngựa như: Về vấn đề tạo và nhân giống, các hộ chăn nuôi cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo đàn ngựa thông qua việc thực hiện các phương pháp tuyển chọn và nhân giống ngựa bạch, cần nắm vững kỹ thuật để áp dụng ở tất cả các khâu từ khi chọn con giống, nuôi dưỡng đến giai đoạn trưởng thành; Về công tác phòng, trị bệnh, các hộ chăn nuôi cần nắm được các kỹ thuật phòng và trị bệnh cho ngựa bạch, kỹ thuật vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại, cách ly, tiêm vắc xin phòng bệnh...
Nhờ vào việc phát triển đàn ngựa bạch, cùng với trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê…, cuộc sống của nhiều gia đình ở xã Hữu Kiên đã bớt khó khăn
Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề về giống, chăm sóc ngựa và phòng trị bệnh cho ngựa bạch, các hộ chăn nuôi cần được bổ sung thêm các kỹ thuật trồng và chế biến thức ăn cho ngựa bạch như: kỹ thuật chế biến rơm rạ, cỏ khô, thân cây ngô cho chăn nuôi đại gia súc trong vụ Đông Xuân...
Nhằm ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, ngày 20/8/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục đặt hàng các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi do Trung ương quản lý, bắt đầu thực hiện từ năm 2020, trong đó có danh mục cho tỉnh Lạng Sơn. Dự án được phê duyệt là “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn”. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ về sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch; xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân về chăn nuôi ngựa bạch....
Như vậy, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn” đi vào thực hiện sẽ là tiền đề quan trọng để người dân nơi đây thay đổi phương thức chăn nuôi từ truyền thống sang chăn nuôi các loại vật nuôi có thế mạnh, hiệu quả kinh tế cao; nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, tổ chức sản xuất hợp lý và đây sẽ là mô hình chăn nuôi tiêu biểu để nhân rộng cho các địa phương khác góp phần phát triển bền vững đàn ngựa bạch và tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động của tỉnh Lạng Sơn.
Đức Thiện