Làng nghề đúc đồng lịch sử hàng trăm năm với những công trình "để đời" Làng nghề sản xuất sản phẩm quét dọn nhà có truyền thống hơn 150 năm Phát triển làng nghề nấu đường thốt nốt Tri Tôn |
Cổng làng Cự Đà vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ |
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km về phía Tây- Nam, làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ được biết là một không gian văn hóa độc đáo, nơi vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà cổ vẹn nguyên lối kiến trúc Việt ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, mà còn được biết đến là một làng nghề nổi tiếng với nghề làm miến có lịch sử hơn 400 năm.
Các bậc cao niên ở Cự Đà cho biết: "Làng miến Cự Đà có từ lâu đời. Không ai biết đích xác làng nghề ra đời từ năm nào, tháng nào, chỉ nghe lưu truyền qua nhiều thế hệ, làng đã có ít nhất 400 năm tuổi".
“Miến” là một loại thực phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam từ thuở xa xưa, với những món ăn nức tiếng như miến lươn, miến ngan… hay trong các dịp Lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, hầu như trên mâm cỗ của mọi gia đình không thể thiếu các món như miến măng, miến chân giò, nem chả.
Trên mọi miền quê nước ta, từ lâu đã có rất nhiều cơ sở sản xuất miến, với nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau. Nhưng miến Cự Đà có đặc điểm rất riêng, đó là sợi miến có màu vàng óng hoặc trắng mịn; khi nấu lên có vị thơm ngon, giòn và dai rất vừa miệng. Đặc biệt, sợi miến không bị nở trương hay nát vỡ khi người nội trợ nào "lỡ tay" nấu hơi lâu trên bếp.
Cánh đồng sau làng là nơi người dân dựng dàn gỗ để phơi miến |
Muốn có được sợi miến nhỏ, đều, nhìn là biết được “ra lò” từ Cự Đà chứ không phải từ vùng nào khác, người Cự Đà chọn loại củ dong riềng ngon, đem xay thành bột. Bột dong sau đó được ngâm với nước và lọc để chọn lấy phần tinh bột, rồi được đánh lên. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín. Bột chín mang hòa với bột đã lọc, với tỷ lệ 1/10 tạo nên hỗn hợp. Tiếp đó, bột được tráng thành bánh, hấp chín và đem phơi nắng. Sau khi khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và tiếp tục đem phơi cho thật khô.
Trước đây, miến làm thủ công, tráng bằng tay ở nồi rộng miệng hay cái chảo, ngày chỉ hơn 1 tạ miến. Sau này người dân đã đổi sang làm bằng máy. Hầu hết các cơ sở sản xuất hiện nay đều làm bằng máy, kể cả máy tráng và máy cắt.
Mỗi ngày, làng Cự Đà có khoảng 15 tấn miến được xuất xưởng. Lượng khách đặt hàng miến ngày càng tăng, nhiều khách hàng phải đặt hàng từ rất lâu mới có hàng để lấy. Sản lượng miến có thể tăng lên đến 20-25 tấn trong mùa cưới, lễ hội hoặc ngày Tết cổ truyền.
Chị Nguyễn Thu Trang, một người dân sống ở Khu đô thị Thanh Hà, địa phận sát vách với làng Cự Đà cho biết: “Miến là một trong những đặc sản của làng Cự Đà. Từ khi chuyển về Thanh Hà sinh sống tôi chỉ ăn miến mua ở đây. Miến Cự Đà ngon, giòn, dai, ăn không thể quên được, dù nấu hơi nhiều lửa một chút thì miến vẫn không bị nát. Hàng năm, cứ vào dịp lễ, tết, tôi thường sang Cự Đà mua miến vừa cho gia đình vừa biếu người thân”.
Làm miến không phải là một công việc quá nặng nhọc, nhưng phải luôn chân luôn tay và cần đến sự khéo léo của người thợ, đặc biệt là công đoạn tráng miến thủ công. Có lẽ vì vậy mà những người thợ tráng miến thường là phụ nữ bởi họ nắn nót, tỉ mỉ .
Bột dong riềng là nguyên liệu chính để làm miến. Bột này sau khi sơ chế sẽ được đem tráng thành những lá bánh mỏng và hấp chín cách thủy, sau đó được căng trên các tấm phên lớn đan bằng nứa và phơi trong sân nhà, trên sân thượng, bãi cỏ và cả bên đường làng. Sau khi khô dưới ánh nắng mặt trời, chúng được thu về và cắt thành sợi bằng máy.
Ngoài bán buôn theo tấn, tạ, miến còn được đóng thành bó vài lạng để bán lẻ |
Miến Cự Đà đặc sắc bởi độ giòn dai, thơm ngon và vì màu vàng óng ả. Theo chia sẻ của những người thợ, màu vàng là do bột nghệ, tuỳ theo nhu cầu của khách mua hàng, họ sẽ sản xuất miến màu vàng hay giữ màu hơi xám và trong suốt như nguyên bản.
Mặc dù làm miến dong không phải công việc quá nặng nhọc, nhưng đây là nghề đòi hỏi nhiều công đoạn, luôn tay luôn chân không được nghỉ ngơi, trời nắng cũng như mưa. Mỗi người một việc, từ đốt lò, đánh bột, đưa bột vào máy, điều khiển máy tráng đến người chạy phiên, xếp lên xe, rồi đưa đi phơi, rồi lại chở về… Nhìn thì rất bình thường, nhưng yêu cầu sự tỉ mỉ và chịu khó cao. Thế nên, thanh niên trong làng cũng đang “thoát ly” dần với nghề làm miến.
Hiện tại, thôn Cự Đà có tới 600 hộ, nhưng chỉ có 40 hộ làm miến. Làng miến Cự Đà, số người làm miến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù vậy, với những gì còn lại, làng miến Cự Đà vẫn là một địa điểm tham quan thú vị với du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp bình dị, cổ kính ở nơi này.
Đến Cự Đà vào những ngày nắng đẹp, nhìn những sợi miến vàng óng, mượt mà được phơi ở mọi nơi trong làng, người ta tưởng như đang lạc vào làng sản xuất lụa. Những dải lụa bằng miến phơi trong nắng cứ thế nối tiếp nhau trên từng ngõ ngách, tạo nên một khung cảnh rất đẹp, thu hút du khách và những nhà nhiếp ảnh.