Tai của bạn được tạo thành từ ba bộ phận liên kết với nhau để xử lý âm thanh, bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Một phần của tai trong được gọi là ốc tai sẽ chứa các tế bào lông nhỏ. Những tế bào lông này có vai trò gửi thông điệp của âm thanh đến não. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn hoặc đeo tai nghe nhiều thì có thể làm hỏng các tế bào lông. Khi đó, ốc tai cũng không thể chuyển tiếp các thông điệp âm thanh đến não.
Hậu quả của việc đeo tai nghe quá nhiều
Bịt kín lỗ tai khiến không khí khó lưu thông
Đeo tai nghe quá nhiều có thể khiến không khí khó lưu thông. Tuy nhiên, để bạn có thể nghe được những âm thanh rõ ràng và đạt chất lượng cao nhất, tai nghe buộc phải bịt kín ống tai. Đây là nguyên nhân khiến lượng không khí lưu thông trong tai bị tắc nghẽn, dẫn tới hậu quả là tai dễ bị viêm nhiễm, ráy tai xuất hiện nhiều và về lâu dài, có thể gây mất thính giác.
Tích tụ nhiều ráy tai
Nguy hiểm nhất là một số loại tai nghe nhét trong có thân dài, nếu bạn ngủ nghiêng, bạn có thể sẽ nằm trên tai nghe hoặc khi đeo bạn nhét quá sâu vào trong sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bị tích tụ ráy trong tai. Nếu tích tụ quá nhiều ráy tai, việc lấy ra sẽ khó khăn hơn, dẫn đến việc tai cũng dễ bị tổn thương khi lấy ráy tai.
Gây viêm tai ngoài
Trường hợp xấu nhất, vùng da quanh vùng ống tai của bạn sẽ từ từ bị bào mòn, tạo ra một loại chất lỏng chảy vào tai. Điều này cũng sẽ dẫn đến đau ở tai ngoài. Ống tai rất quan trọng vì nó kết nối tai ngoài với màng nhĩ. Tình trạng này khá phổ biến ở những người đi bơi nhưng cũng có thể xảy ra ở những người thường xuyên đeo tai nghe.
Do đó, bạn sẽ phải thận trọng khi đeo chúng đi ngủ. Bên cạnh đó, nếu tai nghe của bạn không vừa tai, chúng sẽ gây áp lực lên vùng da bên trong ống tai của bạn. Da sẽ bắt đầu mòn dần, và việc hoại tử có thể xảy ra.
Làm hỏng màng nhĩ
Nghe nhạc với cường độ lớn, hoặc nghe trước khi ngủ rồi ngủ quên luôn không những làm tổn thương cơ quan thính giác mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
Loại âm nhạc mà bạn nghe cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe tai của bạn. Nếu bạn nghe các thể loại nhạc có nhịp độ nhanh như nhạc pop, rock hoặc hip hop, đây là những loại âm nhạc có xu hướng làm cho tinh thần hưng phấn, tỉnh táo, điều này khiến người dùng có xu hướng mở âm lượng cao hơn bình thường, làm ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Mất thính lực tạm thời
Một số người sẽ trải qua tình trạng mất thính lực tạm thời sau khi tai bị tác động bởiluồng âm thanh quá lớn. Đây là cơ chế “tự bảo vệ” của tai, do những sợi lông li ti ở tai trong bị tổn thương nên chúng sẽ tiết ra một chất làm giảm độ phân giải của âm thanh.
Để khắc phục tình trạng này, bạn sẽ phải đến một nơi tĩnh lặng, đợi đến khi thính lực trở lại như cũ. Đồng thời tránh để tình trạng này lặp lại vì có nguy cơ cao gây mất thính lực vĩnh viễn về sau.
Đeo nhiều gây suy giảm thính giác
Đeo tai nghe nhiều khiến cho các tế bào thần kinh trong ốc tai phải làm việc quá sức, gây ra suy giảm thính lực hay thậm chí có thể bị điếc. Suy giảm thính lực sẽ xảy ra nếu bạn hằng ngày tiếp xúc âm thanh có cường độ 85 – 90 liên tục trên 2h đồng hồ và kéo dài trong 1 – 2 năm. Hiện nay, các máy nghe nhạc đeo tai đều có công suất mở cực đại lên đến 120 gây ra áp lực âm thanh lớn trực tiếp đến tế bào thần kinh. Bất kỳ âm thanh nào vượt quá ngưỡng trên cũng gây hại cho khả năng nghe của tai.
Ngoài ra, không nên dùng tai nghe liên tục quá 15 phút mà cần cho tai có thời gian nghỉ ngơi giữa những lần sử dụng. Bệnh nhân có thể sẽ không cảm thấy giảm thính lực ngay, mà phải một thời gian sau mới nhận ra.
Đau dữ dội trong tai
Rất nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng việc lạm dụng tai nghe chính là nguyên nhân khiến tai bị đau dữ dội và tê buốt.
Một số trường hợp có những biểu hiện như ù tai hay chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi toàn thân… Đó là những biểu hiện của một chấn thương âm thanh cấp tính. Những biểu hiện này biến mất sau vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày hoặc để lại di chứng về thính lực và thần kinh.
Những người sử dụng tai nghe quá thường xuyên phải đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng khi thấy xuất hiện những cơn đau dữ dội trong tai. Ngoài ra, bạn còn có thể nghe thấy những âm thanh khác như tiếng ù ù trong tai, hoặc có cảm giác tai bị tê cóng.
Các tình huống khẩn cấp
Một sự thật mà ai cũng cảm thấy khó chịu đó là những người đeo tai nghe thường không nghe thấy những gì xảy ra xung quanh. Điều này có thể giúp người đeo tập trung nhưng vô tình lại khiến cho họ không nhận thức được những nguy hiểm sắp xảy đến, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như tiếng còi báo động cháy nhà hoặc báo trộm, thậm chí là tiếng chuông báo thức của đồng hồ.
Gây mất tập trung khi đi xe, làm việc
Đeo tai nghe cũng là một nguyên nhân khiến bạn mất tập trung khi đi xe, làm việc. Khi lái xe mà đeo tai nghe sẽ rất dễ mất tập trung, dễ gây tai nạn. Đeo tai nghe lâu, thần kinh mệt mỏi làm cho tai không thể phân tích nhận biết lời nói và trở nên phản ứng chậm chạp, tiếp thu kém.
Ảnh hưởng tiêu cực tới não
Tai nghe bao gồm cả loại nhét vào tai lẫn loại bao trùm tai sẽ sản xuất ra sóng điện tử được cho là có khả năng gây ảnh hưởng đến não bộ của con người. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những bằng chứng khoa học hoặc kết quả nghiên cứu quy mô nào đủ sức chứng minh cụ thể về vấn đề này.
Nhưng những người thường sử dụng tai nghe mỗi ngày, dù dưới bất kỳ hình thức nào (nhét tai, trùm tai hay dạng bluetooth) đều có xu hướng mắc phải những rắc rối có liên quan đến não. Đeo tai nghe khi ngủ sẽ kích thích não bộ làm việc liên tục. Lúc thức dậy sẽ mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, mất tập trung, làm việc kém chất lượng, dễ gây tai nạn khi làm một nghề trên cao, điều khiển máy móc hay lái xe…
Mách bạn bí quyết sử dụng tai nghe đúng cách để bảo vệ thính giác
Tổn thương thính giác không thể chữa lành. Do đó, đối với sức khỏe thính giác thì việc phòng bệnh thường quan trọng hơn chữa bệnh. Tin tốt là tình trạng giảm thính lực do đeo tai nghe nhiều có thể được ngăn ngừa hiệu quả nếu bạn không đeo thiết bị này quá lâu hoặc mở âm thanh quá lớn.
Bí quyết dùng tai nghe an toàn được khuyến nghị là quy tắc 60%/60 phút. Điều này nghĩa là khi đeo tai nghe, bạn nên:
Nghe nhạc, xem phim, chơi game… với mức âm lượng không quá 60%
Thời gian dùng tai nghe liên tục không nên kéo dài quá 60 phút mỗi lần.
Chú ý đến mức âm lượng khi đeo tai nghe là điều rất quan trọng. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, âm thanh có mức bằng hoặc dưới 70 decibel trọng số A (dBA) thường không có nguy cơ gây mất thính giác.
Dùng tai nghe chống ồn
Bạn nên dùng tai nghe chống ồn để loại bỏ các tiếng ồn phức tạp xung quanh. Bằng cách đó, bạn sẽ không cần tăng âm lượng quá lớn khi nghe nhạc, xem phim, nghe giảng online… để nghe rõ hơn. Đồng thời, tai nghe chống ồn sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn vào việc học hoặc các các buổi họp online.
Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên sử dụng loại tai nghe này khi di chuyển ngoài đường hay khi làm việc tại các công trình. Việc không nghe thấy gì xung quanh có thể gây nguy hiểm cho bạn.
Chú ý đến các dấu hiệu suy giảm hoặc mất thính giác
Đeo tai nghe nhiều có thể gây suy giảm hoặc mất dần thính lực theo thời gian. Vì vậy, bạn nên nhận biết sớm các dấu hiệu thính giác bị tổn thương để đi khám kịp thời. Trong đó, tình trạng suy giảm thính giác thường khiến bạn khó nghe rõ trong môi trường ồn ào, cảm giác như đang nghe thấy nhưng không hiểu người khác đang nói gì.
Bên cạnh đó, ù tai hoặc cảm giác nghe thấy tiếng chuông trong tai cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm thính giác của bạn đang bị tổn thương nên hãy chú ý lắng nghe cơ thể mình nhé!
Kiểm tra thính lực của bạn thường xuyên
Nếu bạn trên 50 tuổi hoặc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn ở mức độ không an toàn thì lời khuyên là bạn nên đi kiểm tra thính lực hàng năm. Mặt khác, nếu bạn nhận thấy những thay đổi bất thường của thính giác như hay ù tai, nặng tai,… thì nên đi bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt để ngăn ngừa nguy cơ mất thính lực vĩnh viễn.