Khởi nghiệp với sản phẩm “độc lạ”
Năm 2012, thầy giáo Trần Minh Tiến quyết định chia tay công việc ở trường, trở về quê hương Long An để khởi nghiệp vì niềm đam mê với thiên nhiên. Năm 2017, Trần Minh Tiến mở cửa hàng 3T, lấy tên theo viết tắt của ba từ Tiết giảm, Thay thế và Tái chế. Ban đầu, sản xuất đồ tái chế là hướng kinh doanh chính mà Minh Tiến theo đuổi. Với sự tham gia của các chị, cô trong xóm, cửa hàng 3T bán túi xách, cặp đeo từ vải cũ, tấm banner quảng cáo, móc chìa khóa, lục lạc, đồ chơi...
Tuy nhiên, sau một thời gian tái chế, Tiến nhận ra đây không phải là cách tốt bởi phần lớn phế liệu thừa vẫn trút lại bãi rác. Nhận ra căn nguyên của vấn đề là thị trường thiếu những mặt hàng thân thiện với môi trường để người tiêu dùng có sự lựa chọn, sâu xa hơn là thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng, Trần Minh Tiến tập trung vào ý tưởng “độc lạ” là sản xuất ra những mặt hàng từ thiên nhiên như: Ống hút cỏ bàng, ống hút tre, sản phẩm đan lát từ cỏ bàng như đệm, túi xách, mũ, võng hay những sản phẩm từ tre (rổ, rá, rế, thúng, nia, dần, sàng, võng...).
Anh Trần Minh Tiến cùng công nhân cửa hàng 3T và sản phẩm ống hút cỏ bàng, sản phẩm thân thiện với môi trường của cửa hàng 3T. Ảnh: NVCC
Là một trong những người tiên phong làm những mặt hàng này tại Long An, sau đó bán cho thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận. Đến nay, thương hiệu 3T của Tiến đã vươn xa toàn quốc. Mỗi tháng, cửa hàng 3T sản xuất 60 – 70 nghìn ống hút cỏ bàng, khoảng 1 nghìn ống hút tre, cọ xơ dừa, đồng thời làm các vật dụng tái chế như túi, đồ thời trang…, tạo thêm thu nhập cho nhiều bà con ở quê hương.
“Thiên nhiên là thượng đế”
Sử dụng cỏ cây mọc nhiều từ đồng ruộng thiên nhiên tại đồng bằng sông Cửu Long để làm nguyên liệu nhưng không tàn phá, Trần Minh Tiến quan niệm “Thiên nhiên là thượng đế” - khi mình trân trọng và bảo tồn nó, từ sinh thái sẽ ra được sinh nhai, từ đó tạo ra sinh kế cho con người. Bởi thế, anh chủ trương khai thác “vừa đủ” để thiên nhiên hồi hoàn, tái tạo, đảm bảo phát triển bền vững. Thay vì cách thu hoạch cỏ bàng theo kiểu cắt rồi đốt, làm trụi cả cánh đồng mà người dân vùng Đức Hòa hay làm, Trần Minh Tiến chọn cách tỉa từng cọng cỏ bằng găng tay, không dùng tới liềm hay máy móc để các nhánh nhỏ có thể lên…
Không chỉ tạo cho mình lối sống xanh, Trần Minh Tiến còn quan niệm lan tỏa tinh thần này tới cộng đồng. Anh chia sẻ: Nguyên liệu phải xử lý sao để tác động ít nhất tới môi trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm có độ bền nhất định. Hiện tại, giá bán lẻ sản phẩm ống hút cỏ dao động từ 600 - 1.000 đồng/ống, tùy loại. Theo anh Tiến, do sản xuất thủ công, công việc khá vất vả nên chi phí có cao hơn nhiều nơi khác, nhưng được khách hàng chấp nhận.
Các quy trình công việc hiện nay đã được Tiến sắp xếp, cũng như mở rộng vệ tinh, từ đó tạo việc làm cho bà con trong xóm cùng tham gia vào việc sản xuất. “Trong số những sản phẩm này, ống hút tre, ống hút cỏ bán chạy nhất, số người quan tâm tới ống hút thiên nhiên, hạn chế dùng ống hút nhựa ngày càng nhiều”, Trần Minh Tiến chia sẻ.
Đặc biệt, ngoài cửa hàng 3T, Tiến còn tổ chức các chương trình làm đồ thủ công từ phế liệu và vật liệu tự nhiên và các tour học nghề đan lát tại Đức Hòa, Long An để cùng học cách làm nông nghiệp theo phương pháp tự nhiên, cách sống gần gũi với thiên nhiên và trân trọng những gì thiên nhiên mang lại cho con người.
Trần Minh Tiến cũng có ý tưởng đan những chiếc lá lại với nhau làm thành chén, đĩa, hộp đựng thức ăn vừa tốt cho sức khỏe, lại không thải rác, túi ni lông ra ngoài môi trường. Anh cho hay mới có chuyến đi học tập trải nghiệm hơn hai tuần bên Ấn Độ để tìm hiểu văn hóa ẩm thực ở đây. Hiện anh đang làm thử nghiệm sản phẩm, dự tính sẽ nhân rộng ra thị trường trong thời gian tới, đặc biệt nghiên cứu có thể sấy khô chén đĩa, hộp từ lá.
Bảo Anh
(Theo HH&TH)