Làng nón ngựa Phú Gia
Chiếc nón ngựa như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của vùng đất võ Bình Định
Nghề làm nón ngựa Phú Gia có lịch sử hơn 300 năm, được lưu giữ cho đến tận bây giờ với hơn 400 hộ dân tham gia sản xuất. Phú Gia là một trong năm làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch, gắn với mục tiêu phát triển du lịch. Làng nghề thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát, cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 45 km về hướng Bắc. Từ trung tâm thành phố, du khách có thể đi theo Quốc lộ 1A, rẽ phải Quốc lộ 19B chạy khoảng 18 km, rẽ trái vào đường DT635 rồi hỏi thăm người dân là sẽ đến được.
Nón Phú Gia nổi tiếng bởi đặc điểm đẹp, bền, rẻ, có hai loại gồm nón ngựa và nón lá. Nón lá được sản xuất hàng loạt, quy trình làm nón không khác với nón lá Huế hay nón Quảng. Trong khi đó, nón ngựa trước đây là một phụ kiện không thể thiếu của các quan binh triều đình xưa. Nón được làm công phu với 10 công đoạn chính và bốn công đoạn phụ với các loại hoa văn đặc biệt. Các nghệ nhân thường thêu họa tiết hoa, lá, chim công hay long, lân, quy, phụng, chim trĩ... lên nón. Chóp nón thường để trần, trên đỉnh có chùm chỉ ngũ sắc. Những chiếc nón đặc biệt sẽ có chóp hình quả trám sắt nhọn, được làm từ đồng hoặc bạc với họa tiết chạm trổ công phu.
Ngày nay, nón ngựa Phú Gia không được sản xuất hàng loạt, chỉ làm với số lượng ít để bán cho khách du lịch muốn tìm lại nét văn hóa xưa hoặc làm theo hợp đồng của thương lái. Đến tham quan làng nghề, du khách được nhìn thấy quy trình làm nón với từng mũi khâu tỉ mẩn, đôi tay khéo léo của thợ nón bên khung lợp, tận hưởng vẻ yên bình, tách biệt hẳn không gian ồn ào, xô bồ của phố thị.
Làng nghề bánh tráng Trường Cửu
Làng nghề bánh tráng ở Bình Định có khá phổ biến, nhưng nổi tiếng nhất thuộc về làng Trường Cửu
Khi đi qua thị xã An Nhơn thì chắc chắn đập vào mắt du khách là những vỉ bánh tráng đang được phơi dọc hàng rào 2 bên đường đi. Trong đó, Trường Cửu là nơi được biết đến là nơi sản xuất bánh tráng nhiều nhất của vùng đất Bình Định.
Làng nghề bánh tráng Trường Cửu đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước và hiện nay, trong khi một số làng nghề khác đang chịu nhiều sự cạnh tranh gay gắt và có nguy cơ bị mai một, thì làng bánh tráng Trường Cửu vẫn ngày được mở rộng với hơn 200 hộ làm bánh và có đầu ra ổn định.Thời gian làm bánh cao điểm khoảng thời gian cận Tết, khi mà nhà nhà, người người làm bánh. Trường Cửu vào những ngày này nhộn nhịp như hội, các hộ trong làng nghề phải thức cả ngày lẫn đêm, để pha bột, tráng bánh, phơi bánh.
Bánh tráng ở làng Trường Cửu mang những nét đặc trưng với màu bánh tráng ở đây không trắng, mỏng như loại bánh tráng thường thấy ở các chợ, mà lại dày và có màu hơi đen hoặc vàng, tùy vào loại mè người ta bỏ vào bánh. Và chính vì vậy mà lại vô tình tạo nên hương vị thơm ngon, khác biệt cho bánh tráng Trường Cửu.
Làng nghề rượu Bàu Đá
Rượu Bàu Đá đã trở thành thương hiệu của tỉnh Bình Định
Bên cạnh các món đặc sản có thể mang về làm quà biếu như bánh ít lá gai, bánh hồng, tré, bánh tráng nước dừa... thì rượu Bàu Đá cũng là một trong số đặc sản được nhiều người tìm mua khi đến Bình Định. Rượu Bàu Đá đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong top 10 đặc sản rượu nổi tiếng Việt Nam.
Làng nghề này nằm cách Thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng Tây Bắc. Du khách đi theo hướng Quốc lộ 1A đến xóm Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Thành phố Quy Nhơn) là đến làng rượu Bàu Đá.
Sự nổi tiếng của rượu Bàu Đá nằm ở phương pháp nấu thủ công, sử dụng nậm sành cổ đặc trưng cho văn hóa người Việt, rượu chính hiệu uống vào say nhưng không bị nhức đầu. Ngoài yếu tố gia truyền trong việc chưng cất thì nước nấu rượu được lấy từ các bàu nước trong vùng, nơi tập trung những mạch nước ngầm chảy ra từ các ngọn núi xung quanh cũng là yếu tố làm nên danh tiếng của thức uống đặc sản này.
Làng nghề dệt cói Hoài Nhơn
Người dân thu hoạch cói ở làng nghề Hoài Nhơn
Nhắc đến làng nghề dệt chiếu ở Bình Định thì phải nhắc đến huyện Hoài Nhơn, một cái nôi với nghề dệt chiếu truyền thống đã có từ rất lâu đời. Chiếu dệt truyền thống của Bình Định sẽ có rát nhiều loại như: chiếu trơn và chiếu hoa.
Trong đó, chiếu trơn được làm đơn giản, ít công phu hơn chiếu hoa bởi chiếu trơn chỉ được dệt bằng cói trắng không phải nhuôm màu. Còn chiếu hoa nếu muốn có một chiếc chiếu đẹp, người thợ phải đem cói đi nhuộm thành các màu đỏ, xanh, lục…rồi mới đem đi dệt thành chiếu, để làm ra một chiếc chiếu hoa sẽ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi vào mắt thẩm mỹ của người thợ.
Tuy không đem lại lợi nhuận cao nhưng được xem là một nghề ít phải dãi nắng dầm mưa nên nghề dệt chiếu được truyền từ đời này sang đời khác. Ngày nay, cũng chẳng còn ai nhớ rõ nghề này có từ bao giờ, chỉ biết là khi lớn lên thì những người dân nơi đây đã gắn bó với cây lát và làng nghề dệt chiếu.
Hiện tại, có hơn một nửa hộ dân ở Hoài Nhơn vẫn sống bằng nghề dệt chiếu. Và nếu có dịp đến với du lịch Bình Định, du khách hãy ghé đến thăm nghề dệt chiếu Hoài Nhơn để làm phong phú thêm cho hành trình du lịch trong nướckhi đến Bình Định của du khách.
Ngoài ra, Bình Định còn có nhiều làng nghề cổ truyền nổi tiếng khác như làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, làng rèn Tây Phương Danh, đúc đồng Bằng Châu... du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm nếu có cơ hội một lần đến với Bình Định.
Mai Quỳnh