Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn). |
Tại Nghệ An, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024, các điểm du lịch, khu di tích, khu văn hóa tâm linh trên toàn tỉnh Nghệ An đón khoảng 315.000 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 400 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý có Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) đón gần 40.000 lượt khách, đền ông Hoàng Mười đón trên 33.000 lượt khách. Nhiều điểm du lịch khác đón khá đông khách đến tham quan như đền Cờn, chùa Đại Tuệ, đền Quang Trung, khu du lịch Hòn Mát...
Tại Hà Tĩnh, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh này đã đón 188.508 lượt khách tham quan, tăng hơn 41.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 10.500 lượt khách lưu trú; công suất sử dụng phòng trung bình trên toàn tỉnh đạt khoảng 40%. Một số địa phương thu hút lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng lớn như: Thị xã Kỳ Anh gần 68.000 lượt; huyện Nghi Xuân trên 46.000 lượt; huyện Can Lộc gần 29.000 lượt…
Nhiều khu, điểm du lịch có lượng du khách tham quan đông như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; chùa Hương Tích (huyện Can Lộc) trung bình đón từ 3.000 - 5.000 lượt khách/ngày; đền Chợ Củi đón khoảng 5.000 lượt khách/ngày.
Tại Quảng Bình, theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Bình, tổng số khách du lịch trên địa bàn tỉnh này từ ngày 08/02 đến 14/02/2024 dự ước đạt khoảng 115.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 3.000 lượt, tăng 20% so với dịp nghỉ Tết Quý Mão 2023 (2.500 lượt khách).
Hầu hết các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và nhiều nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết, các sản phẩm du lịch khám phá mạo hiểm cũng tổ chức các tour du lịch khai niên phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Những điểm đến chính của khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán phần đa là các di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch tâm linh như Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chùa Hoằng Phúc, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chùa Đại Giác, Núi Thần Đinh…
Lượng lớn du khách chủ yếu là khách tham quan nội tỉnh, khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng... Khách đi theo hình thức gia đình, nhóm nhỏ đến với Quảng trường Hồ Chí Minh, Bảo tàng tổng hợp, Quảng trường biển Bảo Ninh, động Phong Nha, động Thiên Đường… và các điểm du lịch cộng đồng cũng tăng đáng kể.
Tại Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Quảng Trị cho biết, tổng lượng khách ước tính trong 7 ngày (từ ngày 7/2 đến 13/2, tức là từ ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024) ước đạt hơn 155.000 lượt khách, tăng hơn 24% so với tết Quý Mão 2023, chủ yếu khách tham quan.
Trong đó, khách quốc tế hơn 7.300 lượt khách, phần lớn xuất và nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay. Khách quốc tế phần lớn đến thăm các di tích như: địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị; Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang…
Tết này, huyện Hướng Hóa là địa phương đón lượng du khách nhiều nhất tỉnh Quảng Trị. Tại địa điểm đặt linh vật rồng ở thị trấn Lao Bảo thu hút hơn 120.000 lượt khách đến chụp hình. Ngoài ra, Hướng Hóa còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác.
Du khách tham quan và chụp ảnh tại phim trường Tết ở Cần Thơ Eco Resort. |
Cần Thơ: Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, tính từ ngày 8 - 14/2 (tức ngày 29 Tết đến mồng 5 Tết), TP. Cần Thơ đón khoảng 398.000 lượt khách du lịch, tăng 8%; tổng doanh thu từ du lịch ước 415 tỉ đồng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Sở VHTTDL Cần Thơ, khách du lịch lưu trú tại Cần Thơ dịp Tết Nguyên đán ước khoảng 104.000 lượt, tăng 10%; khách quốc tế lưu trú ước khoảng 4.100 lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất phòng bình quân các cơ sở lưu trú đạt khoảng 84%.
Để thu hút và phục vụ khách du lịch du Xuân, Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động như: đường đèn nghệ thuật Mừng Xuân Giáp Thìn 2024; Giải Lân - Sư - Rồng TP Cần Thơ mở rộng; Vườn hoa nghệ thuật Cần Thơ tại công viên sông Hậu...
Trong đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Giáp Thìn 2024” và Chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân và xem pháo hoa giao thừa - Countdown 2024, tại Công viên sông Hậu, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức.
Quảng Ninh: Trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 10-14.2 (tức ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), toàn tỉnh đón trên 800.000 lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường khách quốc tế khởi sắc với gần 109.000 lượt khách.
Ở các điểm đến văn hóa tâm linh, lượng khách đến tăng từ 6-8 lần so với ngày thường. Tiêu biểu như: Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) đón trên 62.000 lượt khách; đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đón trên 76.000 lượt khách; Khu di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều) đón gần 57.500 lượt khách... Dự kiến trong quý I năm nay, lượng khách hành hương đến Quảng Ninh đạt trên 2 triệu lượt, cao điểm vào các ngày cuối tuần hoặc khai hội tại các đền, chùa.
Lượng khách tại các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí cũng tăng từ 40-50%, như: Vịnh Hạ Long đón trên 46.000 lượt khách, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt trên 36.000 lượt; Bảo tàng Quảng Ninh đón trên 4.200 lượt khách...
Với lượng khách đến Quảng Ninh tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng đón lượng khách tăng. Công suất phòng khách sạn đạt 30-40%, dự kiến duy trì ổn định thời gian tới.
Trong 7 ngày nghỉ lễ, từ ngày 8-14.2 (tức 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), TP Hạ Long đón trên 158.000 lượt khách (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023); TP Uông Bí đón 215.000 lượt khách (tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023); TX Đông Triều đón 94.000 lượt khách…
Ninh Bình: Trong 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 29 đến mồng 5 Tết) do thời tiết thuận lợi cho người dân du xuân, tham quan du lịch, toàn tỉnh đón 596.000 lượt khách, tăng 50,1% so với dịp Tết năm 2023, trong đó có trên 115.000 lượt khách quốc tế, gấp 3,9 lần so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 850 tỉ đồng, tăng 54,5% so với dịp Tết 2023.
Tiêu biểu là ngày mùng 4 tết, tỉnh Ninh Bình đón 209.783 lượt khách, trong đó có 35.168 lượt khách quốc tế, 174.615 lượt khách nội địa; mùng 5 tết đón 178.685 lượt khách, trong đó có 29.712 khách quốc tế, 148.973 khách nội địa.
Một số khu, điểm du lịch đón đông du khách như: cố đố Hoa Lư đón gần 23.000 lượt khách; Tam Cốc đón gần 25.000 lượt khách, Tràng An đón trên 97.000 lượt; chùa Bái Đính đón trên 225.000 lượt khách; khu phố cổ Hoa Lư đón gần 60.000 lượt khách; vườn chim Thung Nham đón trên 65.000 lượt khách.
Đặc biệt dịp Tết năm nay các điểm du lịch về đêm như chùa Bái Đính, phố cổ Hoa Lư, vườn chim Thung Nham, quảng Trường Đinh Tiên Hoàng Đế... thu hút đông đảo du khách.
Công suất phòng bình quân dịp Tết đạt từ 80-85%, nhiều cơ sở lưu trú đạt công suất phòng 100% trong tối từ mùng 3, 4, 5 Tết như: khách sạn the Reed, Hoàng Sơn, Vedana, Emeralda, Minawa Kenh Ga, Tam Cốc Garden, Hidden Charm, The Vissai; khách sạn Hoa Lư, khách sạn Milan, các cơ sở homestay....
Các đơn vị kinh doanh du lịch chấp hành nghiêm quy định về kinh doanh du lịch, thực hiện nghiêm việc niêm yết, bán theo giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ.
Lào Cai: Sa Pa đón trên 112.000 lượt khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Theo Phòng Văn hoá Thông tin thị xã Sa Pa, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thị xã Sa Pa đã đón trên 112.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt trên 4.600 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch và dịch vụ ước đạt 388 tỉ đồng.
Các điểm tham quan tại Sa Pa hầu như mở cửa phục vụ du khách trong suốt kỳ nghỉ như: Bản Cát Cát, cáp treo Fansipan, núi Hàm Rồng, thác Bạc, thác Tình Yêu. Các điểm du lịch còn lại đã đồng loạt mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 13.2 (tức ngày mồng 4 âm lịch).
Các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về việc niêm yết và bán đúng giá dịch vụ. Công suất buồng phòng bình quân trong cả kỳ nghỉ lễ đạt khoảng 70% (cao điểm ngày mồng 13 - 14.2 đạt đến 98%). Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 11.2 (tức ngày mồng 2 âm lịch).
Năm 2024, thị xã Sa Pa đặt ra mục tiêu đón 4,5 triệu lượt khách và tổng doanh thu 15.500 tỉ đồng.
Khách du lịch trải nghiệm những hoạt động trong ngày Tết ở Huế. |
Tại Thừa Thiên Huế, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 7/2 đến ngày 15/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), ước có khoảng 102.000 lượt khách đến tham quan, du lịch tại địa phương này.
Lượng khách du lịch tăng 20% so với cùng kỳ dịp Tết năm 2023, doanh thu từ du lịch ước đạt 160 tỷ đồng, tăng 4,82% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Trước đó, để tạo điều kiện cho người dân, du khách trong nước tham quan, du xuân, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mở cửa miễn vé tham quan tại các điểm di tích do đơn vị này quản lý.
Theo đó, trong khoảng thời gian nói trên, các điểm di tích đã đón 104.682 lượt khách vào thăm, trong đó có 12.682 khách quốc tế và 92.447 khách nội địa.
Riêng trong ngày mùng 3 Tết là ngày cao điểm nhất, đã đón 49.012 lượt (4.355 lượt khách quốc tế và 44.657 lượt khách nội địa và người địa phương). Ngày 13/2, các điểm di tích bán vé trở lại, cũng đã có 16.764 lượt khách vào tham quan (4.117 lượt khách quốc tế và 12.647 lượt khách nội địa).
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khoảng thời gian du Xuân, tham quan tại địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các du khách đánh giá cao những chương trình có tính tương tác, trải nghiệm văn hóa truyền thống chào đón du khách đến Huế; trong đó có một số hình thức vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống; các hoạt động đón Xuân của vùng đất Cố đô Huế đáp ứng nhu cầu khách du lịch và cộng đồng địa phương.