Dựa theo sử sách ghi lại, Hai Bà Trưng đã có công đánh đuổi giặc Đông Hán ra khỏi bờ cõi nước ta, giành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước, lập nên vương triều, lấy tên nước là Lĩnh Nam, đóng đô tại Mê Linh vào những năm 40-43.
Đến nay, đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh) không chỉ là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, có giá trị văn hóa, lịch sử ghi nhớ công đức của Hai Bà mà còn lưu dấu linh thiêng về hai vị nữ Anh hùng thời thơ ấu.
Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng có không gian bảo tồn 13ha |
Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng có không gian bảo tồn khoảng 13ha, chia thành 2 khu: Nội vi và ngoại vi. Hiện Đền thờ Hai Bà Trưng được lưu giữ và tôn tạo trang hoàng với nhiều hạng mục: Cổng đền, nhà khách, nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, nhà tả - hữu mạc, tam tòa chính điện thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ - thân mẫu Hai Bà và sư phụ, sư mẫu của Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách và ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng, nhà bia lưu niệm hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh..., mang những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc rất đặc sắc…
Vào năm 2003, Đền thờ Hai Bà Trưng được mở rộng thành “Khu di tích lịch sử Đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh”. Dựa theo các kích thước không gian, ngôi đền có quy mô thuộc hàng đầu trong số di tích của cả nước, xứng đáng với công lao to lớn của Hai Bà đối với dân tộc Việt Nam.
Năm 2013, Khu di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” và năm 2022 khu di tích này được công nhận là “Điểm du lịch của thành phố”.
Đền Hai Bà Trưng được công nhận là "Điểm du lịch của thành phố" |
UBND huyện Mê Linh hy vọng đền thờ Hai Bà Trưng không chỉ là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp trải nghiệm mà còn là một trong những thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của huyện.
Giai đoạn 2010-2020, nguồn lực được tập trung để thực hiện đề án quy hoạch, bảo vệ trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cảnh tượng, cảnh quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng được tập trung vốn đầu tư để trở thành điểm du lịch hấp dẫn, là sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của huyện.
Đến giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động rà soát và tham mưu cho huyện lập quy hoạch, phát triển các trang trại, cánh đồng trồng rau củ, quả, nông sản tập trung, vùng trồng hoa, cây cảnh thành điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan.
Ngoài ra để tăng thêm tính an toàn và tiện ích khi tham quan du lịch, huyện Mê Linh đang triển khai phương án lắp đặt hệ thống camera an ninh, wifi tại điểm di tích Đền thờ Hai Bà Trưng. Các nhà vườn trồng hoa, khu du lịch Đồi 79 Mùa Xuân... cũng đang được triển khai tích cực để phục vụ miễn phí khách du lịch.
UBND huyện Mê Linh hi vọng Đền thờ Hai Bà Trưng trở thành sản phẩm, thương hiệu đặc trưng của huyện |
Trưởng ban Quản lý di tích Đền thờ Hai Bà Trưng Phạm Trần Quang cho biết “Trung bình mỗi năm, khu di tích đón từ 120 đến 160 nghìn lượt khách về dâng hương, tham quan. So với tiềm năng, lợi thế của địa phương thì lượng khách du lịch về tham quan còn khiêm tốn.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với đơn vị lữ hành xây dựng các tuyến du lịch kết nối nhiều điểm đến trong huyện, như: Du lịch sinh thái gắn liền với Đồi 79 Mùa Xuân - nơi thờ Bác Hồ với khung cảnh đồi thông cùng dịch vụ dã ngoại; du lịch nông nghiệp trải nghiệm trên cơ sở phát huy giá trị làng nghề trồng hoa truyền thống tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh...; hình thành các nhà vườn trồng và nhân cấy giống hoa kết hợp tham quan, trải nghiệm cánh đồng trồng rau, củ, quả sạch tại xã Tráng Việt…”.
Cùng với Đền thờ Hai Bà Trưng, Mê Linh còn có hơn 160 di tích khác thờ các vị có công dựng nước, các bậc anh hùng chống ngoại xâm, danh nhân văn hóa các thời kỳ... Không những thế, dưới lòng đất Mê Linh còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ học, như: Thành cổ (Đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh), thành Dền (xã Tự Lập), thành Vượn (xã Tam Đồng) cùng hàng chục kiến trúc mỹ thuật, đình, chùa, đền, miếu, lăng, nghè… được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cần được quản lý, bảo vệ.
Sắc hoa nở rộ tại huyện Mê Linh |
Bên cạnh những khu di tích lịch sử thì huyện Mê Linh còn thu hút khách du lịch với bốn mùa rực rỡ sắc hoa. Chia sẻ thêm, Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh Nguyễn Viết Minh cho biết: Nếu như năm 1995, xã Mê Linh mới có 2ha trồng hoa thì đến nay cả xã đã có 236ha.
Ở Mê Linh hầu hết các hộ dân đều trồng và buôn bán hoa. Hoa phủ kín ngoài đồng, hoa trong vườn..., khiến làng quê nơi đây lúc nào cũng rực rỡ sắc màu và đem lại đời sống ấm no cho nhân dân. Trước đây, người trồng hoa Mê Linh chủ yếu trồng các loại hoa hồng, hoa cúc để cắt cành, bán bông, thì thời gian gần đây, các hộ đã chuyển sang trồng hoa hồng thế và nhiều loại hoa chậu… mang lại giá trị cao hơn. Hiện xã có hơn 100 nhà vườn trồng hoa thế, hoa chậu. Hoa Mê Linh đã được tiêu thụ khắp cả nước, đặc biệt là thị trường Thủ đô, được người tiêu dùng đón nhận.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đi đôi với phát triển du lịch là cách để Mê Linh giữ gìn nét đẹp truyền thống, phát triển kinh tế một cách bền vững. Đất và người Mê Linh luôn chào đón du khách thập phương về thưởng ngoạn.