Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề Hà Nội: Khai trương nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP |
Trải nghiệm tại điểm du lịch dã ngoại tại ngoại thành Hà Nội. |
Du lịch phục hồi sau Covid
Đánh giá về tình hình du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng ngành du lịch đã có sự phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là khách nội địa. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 kéo dài đã để lại những "vết thương khó lành" cho các doanh nghiệp du lịch, nhiều đơn vị không kịp bổ sung nhân viên khi lượng khách tăng đột biến.
"Trong lúc thiếu nhân lực du lịch, cách tốt nhất lúc này là phát triển du lịch cộng đồng và vận động người dân cùng tham gia đón khách, tận dụng nhân lực sẵn có ở các địa phương. Khi người nông dân tham gia làm du lịch, các món nông sản, thực phẩm ở địa phương đều trở thành sản phẩm du lịch. Du lịch sẽ giúp nâng cao giá trị các nông sản này và người dân tăng thêm thu nhập" - ông Nguyễn Mạnh Thản phân tích.
Ông Nguyễn Mạnh Thản (đứng) phát biểu tại tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19”. |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, phát triển du lịch tại vùng nông thôn như mô hình nông nghiệp sạch, du lịch chăm sóc sức khỏe... cũng sẽ đánh trúng tâm lý, nhu cầu của khách du lịch hiện nay, đặc biệt lượng khách từ nội thành Hà Nội đi nghỉ cuối tuần. "Bên cạnh các loại hình du lịch đô thị hay di tích, Hà Nội không được bỏ qua những vùng thôn quê mà phải cố khai thác hết; trước mắt xây dựng và hỗ trợ một số mô hình kiểu mẫu để người nông dân thấy tốt và làm theo" - ông Nguyễn Mạnh Thản nói.
Ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Thản nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham gia tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19”, được tổ chức chiều 24/10, tại Khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đánh giá rằng du lịch nông nghiệp đã có mặt tại Thủ đô nhiều năm, nhưng phát triển chưa thực sự "rực rỡ". Lúc này rất cần một mô hình điểm về du lịch nông thôn, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác ở Hà Nội.
Du lịch nông thôn tạo điểm nhấn
Theo ông Nguyễn Đăng Thạo – Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), sau đại dịch Covid-19 thì du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng là loại hình phục hồi nhanh nhất tại điểm đến này.
"Chúng tôi nhận thấy khách đến Đường Lâm chủ yếu theo gia đình và nhóm nhỏ, mà đối tượng này thường thích lưu trú ở nhà nghỉ cộng đồng (homestay) nên khuyến khích người dân tập trung vào loại hình này, cung cấp những trải nghiệm chân thực về cuộc sống vùng quê. Kết quả là du lịch Đuòng Lâm phục hồi rất mạnh, từ ngày 15/2 đến nay đón tiếp hơn 60.000 lượt khách, trong đó khoảng 8.000 khách nước ngoài", ông Thạo cho biết.
Các sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất ở Đường Lâm hiện nay chủ yếu gắn với cuộc sống nông thôn, như tour chụp ảnh làng cổ, tour ẩm thực làng quê, các trải nghiệm nông nghiệp, thăm làng nghề làm bánh kẹo hay những trò chơi dân gian cho trẻ em.
"Du lịch cộng đồng giúp làng cổ Đường Lâm phục hồi nhanh, dù đại dịch Covid-19 kéo dài đã đưa nhiều homestay, cơ sở dịch vụ trở về con số 0. Hiện nay khách lên đông và đều, nhiều người dân đang đầu tư trở lại để làm du lịch cộng đồng" - ông Nguyễn Đăng Thạo nói.
Trải nghiệm du lịch nông thôn tại làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. |
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội cho biết đơn vị này đang hướng dẫn các hội viên, nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với đón khách đi du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần, như một số mô hình tại huyện Đông Anh, huyện Ba Vì.
"Hiện nay nhiều hộ dân gặp khó khăn khi làm nông nghiệp, vì vậy họ muốn chuyển đổi sang lĩnh vực khác, trong đó có làm du lịch. Chúng tôi đang tổng hợp các mô hình tốt của các hội viên, sau đó tìm ra nét đặc trưng, khác biệt của nông nghiệp Thủ đô để tạo điểm nhấn du lịch, tăng thêm thu nhập cho người dân".
Du lịch nông thôn Hà Nội là một hướng phát triển nhằm khai phá những giá trị văn hóa, lịch sử ở vùng nông thôn. Trong bối cảnh ngành Du lịch thủ đô càn nhiều khó khăn, việc đưa du lịch về nông thôn vừa khai thác nguồn nhân lực nông nhàn vừa tạo giá trị gia tăng cho vùng nông thôn./.