PGS.TS Phạm Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên INPC (trái) và GS.TS Phạm Văn Thiêm - Chủ tịch Hội VNPS (phải) thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên |
Sau đây là một số kết quả nổi bật của Hội trong năm 2021:
Thứ nhất, đã tiến hành kiện toàn về tổ chức bộ máy và nhân sự lãnh đạo của Hội nhiệm kỳ 2019 - 2023.
Về tổ chức, đã thành lập mới 02 viện nghiên cứu và 01 ban tham mưu, giúp việc. Hiện nay, Hội có 04 tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập, đó là: Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm; Viện Nghiên cứu ứng dụng Tài nguyên thiên nhiên, Vật liệu và Môi trường; Viện Phát triển nguồn nhân lực và Nghiên cứu ứng dụng sản phẩm thiên nhiên; Viện Mỹ phẩm thiên nhiên.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội bao gồm: Văn phòng Hội; Ban Kiểm tra; Ban Tổ chức cán bộ; Ban Truyền thông và Phát triển hội viên; Ban Sản xuất, Dịch vụ và Hỗ trợ doanh nghiệp; Ban Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực; Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế; Ban Xây dựng và Phát triển tiêu chuẩn sản phẩm thiên nhiên. Như vậy, cho đến nay Hội đã có bộ máy tổ chức tương đối hoàn chỉnh về các ban tham mưu cùng các đơn vị truyền thông, nghiên cứu, đào tạo.
Về nhân sự lãnh đạo, Ban Chấp hành Hội đã bầu bổ sung 02 Phó Chủ tịch Hội và 01 Ủy viên Ban Thường vụ. Hiện nay, cơ quan lãnh đạo Hội gồm Ban Chấp hành với 56 Ủy viên, Ban Thường vụ với 15 Ủy viên, Thường trực Hội có Chủ tịch và 08 Phó Chủ tịch Hội.
Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định để đưa các hoạt động của Hội từng bước đi vào nền nếp. Hội đã xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, sử dụng con dấu của Hội, Quy chế tạm thời về quản lý và sử dụng Quỹ Hội, Quy chế Thi đua, khen thưởng, Quy định về hội viên và thủ tục xét kết nạp, công nhận hội viên. Các quy chế, quy định trên cùng với Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội đã tạo điều kiện thuận lợi để Hội triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác theo Chương trình làm việc toàn khóa và Chương trình công tác hằng năm đã đề ra.
Thứ ba, chú trọng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm phối hợp đẩy mạnh các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hội, nhất là mối liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy công tác tư vấn, nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực các sản phẩm thiên nhiên.
GS.TS Phạm Văn Thiêm - Chủ tịch VNPS (trái) và TS. Đỗ Duy Phi - Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu-Hương liệu-Mỹ phẩm (phải) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực Sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên và Tinh dầu-Hương liệu-Mỹ phẩm |
Ký kết các chương trình hợp tác và tổ chức các hoạt động phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực sản phẩm thiên nhiên, như: Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (INPC), Viện Đánh giá và Công nhận quốc tế thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (IAI), Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt nam (VAFF), Hiệp hội Tinh dầu, hương liệu mỹ phẩm Việt Nam (VOCA), Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (RETAQ),… Đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả với các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm định, đánh giá, công nhận chất lượng các sản phẩm thiên nhiên.
Tháng 4/2021 Hội đã phối hợp với Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Viện Đánh giá và Công nhận quốc tế, Hội Kỹ thuật Công nghệ hóa học Việt Nam, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường (Trường đại học Vinh) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về “Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên lần thứ VII” tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút trên 200 nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước tham gia, với gần 100 bài báo, công trình khoa học, tham luận được trình bày và công bố tại Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo toàn quốc “Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên lần thứ 7” |
Thứ tư, Hội đã triển khai các nghiên cứu, hội thảo, trao đổi học thuật về các tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm thiên nhiên, tập hợp ý kiến tư vấn của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học của Hội cũng như từ các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các doanh nghiệp, làm cơ sở để xây dựng và chính thức ban hành “Bộ tiêu chuẩn sản phẩm thiên nhiên Việt Nam” lần thứ I (15/8/2020). Có thể nói, đây là lần đầu tiên ở nước ta có một bộ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm thiên nhiên được công bố.
Sau khi hoàn thiện và công bố, bộ tiêu chuẩn sản phẩm thiên nhiên đã bước đầu góp phần đắc lực giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận diện, đánh giá, kiểm định chất lượng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nhất là cho một số nhóm sản phẩm chủ yếu đang có nhu cầu cao về đánh giá chất lượng như tinh dầu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, gia vị, sản phẩm hữu cơ nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên khác.
Lãnh đạo Hội VNPS tặng hoa chúc mừng Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021) |
Thứ năm, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phát triển hội viên mới, cả hội viên tổ chức và hội viên cá nhân, nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực có tiềm năng. Mở rộng thực hiện việc kết nạp, công nhận hội viên theo quy định của Điều lệ Hội.
Tiếp tục kiện toàn và ổn định hoạt động của Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm (cơ quan ngôn luận) của Hội về trang giấy cũng như trang thông tin Tạp chí điện tử.
Đặc biệt, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, tìm đơn vị đối tác có uy tín và kinh nghiệm để hợp tác kinh doanh lâu dài, bảo đảm Tạp chí ngày càng làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội, đăng tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan và các sự kiện, hoạt động của Hội cũng như các bài viết cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, giá cả, gương doanh nghiệp, doanh nhân điển hình, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực sản phẩm thiên nhiên.
Năm 2021 trên Tạp chí điện tử đã cung cấp trên 13.000 tin, bài với nội dung đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đạt hàng triệu lượt bạn đọc truy cập, được các cơ quan quản lý báo chí và bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao về tính đặc sắc, sự khác biệt với hàm lượng tri thức chuyên sâu trong lĩnh vực các sản phẩm thiên nhiên phục vụ đời sống con người.
Trong điều kiện khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, năm 2021 cho thấy những kết quả quan trọng bước đầu của Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động của Hội trong những năm tới.
Có được những kết quả đó là nhờ nhiệt tình, tâm huyết, trí tuệ của đông đảo hội viên, trong đó có sự đóng góp hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao của nhiều cán bộ chủ chốt trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội, đồng thời là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan chức năng và nhiều tổ chức, cá nhân gắn bó mật thiết với Hội. Phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tâm huyết, trí tuệ của đông đảo hội viên, có thể tin tưởng rằng năm 2022 và những năm tới sẽ tiếp tục ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa của Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, góp phần phát triển các sản phẩm thiên nhiên bảo đảm chất lượng và an toàn, phục vụ đắc lực cuộc sống cộng đồng và xã hội./.