Toàn cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam lần thứ II. |
Căn cứ Quyết định số 73/QĐ-BNV ngày 22/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc cho phép thành lập Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam và các quy định hiện hành về hội, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ và Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 16/12/2023 tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Đến dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức phi chính phủ Bộ Nội vụ và Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng một số khách mời đến từ các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương và các hội, hiệp hội liên quan.
Tham dự Đại hội có 160 trên tổng số 400 hội viên theo danh sách triệu tập, đại diện cho các nhà khoa học, các nhà quản lý và đội ngũ doanh nhân, đại diện cho các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học các sản phẩm thiên nhiên trên phạm vi cả nước.
Đại hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến và nhất trí thông qua các báo cáo: Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2019 - 2023, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2023 – 2018; Báo cáo công tác kiểm tra nhiệm kỳ 2019 – 2023 của Ban Kiểm tra; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội khóa I: Báo cáo tài chính của Hội nhiệm kỳ 2019 - 2023. Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua dự thảo Điều lệ Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm 61 người, Ban Kiểm tra gồm 05 người. Tại phiên họp lần thứ nhất, Ban Chấp hành Hội khóa II đã bầu Ban Thường vụ gồm 17 người, gồm Chủ tịch Hội, 08 Phó Chủ tịch Hội, Tổng Thư ký, Trưởng Ban Kiểm tra Hội và các Ủy viên Ban Thường vụ. GS.TS. Phạm Văn Thiêm, Chủ tịch Hội khóa I được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 2023 - 2018.
Đại hội quyết nghị:
PGS.TS Cung Thị Tố Quỳnh được phân công trình bày Dự thảo Nghị quyết. |
Trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, hoạt động của Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam tập trung vào các nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu sau:
1. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng tổ chức bộ máy theo hướng thực chất, hiệu quả, phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình và trình độ chuyên môn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội, cùng với việc nâng cao trách nhiệm, năng lực của các ban tham mưu, giúp việc chủ chốt như: Văn phòng Hội, Ban Tổ chức cán bộ, Ban Truyền thông và Phát triển hội viên, Ban Xây dựng và Phát triển tiêu chuẩn sản phẩm thiên nhiên, Ban Sản xuất, Dịch vụ và Hỗ trợ doanh nghiệp, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thông qua việc củng cố, tăng cường năng lực hoạt động của Ban Kiểm tra Hội. Nghiên cứu, xem xét việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại các ban có nhiệm vụ tương đồng, thành lập thêm hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số ban theo yêu cầu của thực tiễn phát triển.
2. Chú trọng công tác phát triển hội viên, đặc biệt là các hội viên tổ chức (các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), mở rộng đội ngũ hội viên liên kết và hội viên danh dự. củng cố đội ngũ hội viên có nhiệt tình, tâm huyết theo hướng hài hoà về chất lượng và số lượng, bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm, ổn định về lâu dài. Thúc đẩy việc thành lập các chi hội, tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đội ngũ cán bộ chuyên môn mạnh và tại các vùng miền, địa phương có thể mạnh về sản phẩm thiên nhiên, đồng thời thành lập các phân hội theo từng lĩnh vực chuyên môn sâu. Trong nhiệm kỳ, phấn đấu đạt quy mô ít nhất 600 hội viên tham gia ổn định, thành lập được ít nhất 06 chi hội, phân hội trên địa bàn cả nước. Khi điều kiện cho phép có thể thành lập thêm 3 - 5 tổ chức có pháp nhân trực thuộc Hội.
3. Xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn nghề nghiệp có tính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam trên cơ sở thế mạnh của Hội, như: Dược liệu, tinh dầu, hoá mỹ phẩm, chăm sóc sức khoẻ, phân tích, kiểm định, đánh giá chất lượng; tiếp tục phát huy các hoạt động đã có kinh nghiệm và đạt kết quả bước đầu tốt như: Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hoá có liên quan; tư vấn công nghệ và đào tạo chuyên gia; tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề,... Phấn đấu trong nhiệm kỳ có 3 - 5 chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm do Hội chủ trì hoặc phối hợp chủ trì; có 2 - 3 sản phẩm hàng hoá mang thương hiệu của Hội; tổ chức được 5 - 6 hội thảo khoa học, trong đó có ít nhất 02 hội thảo quốc tế.
4. Tăng cường trao đổi, kết nối, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Hội giao lưu, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tích cực củng cố, mở rộng hợp tác với các hiệp hội, hội, các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Hội. Chú trọng xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp nước ngoài trong khu vực và trên thế giới.
5. Làm tốt công tác truyền thông, xây dựng và vận hành hiệu quả Trang Thông tin điện tử của Hội. Quản lý và tạo điều kiện để Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm làm tốt nhiệm vụ của cơ quan báo chí trực thuộc Hội, phản ánh kịp thời và đầy đủ các hoạt động của Hội, là kênh thông tin quan trọng để Hội định hướng chính sách, chương trình hoạt động, nắm bắt các nhu cầu thực tiễn của các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Nghiên cứu để biên soạn và xuất bản một số ấn phẩm khoa học chuyên đề của Hội.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu nêu trên, Hội tập trung vào các giải pháp như sau:
1. Nắm vững và chấp hành nghiêm chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những vấn đề có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của Hội đồng thời, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện của các cơ quan, bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Nội vụ và Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của hội viên và người dân, doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển lĩnh vực sản phẩm thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tôn chỉ, mục đích của Hội, tiếp tục tập hợp, thu hút các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học các sản phẩm thiên nhiên và các lĩnh vực liên quan tham gia làm thành viên chính thức hoặc thành viên liên kết của Hội. Thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác của Hội.
3. Phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, mối quan hệ của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Hội, đi đối với đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo, thể mạnh của từng hội viên. Có cơ chế, chính sách phủ hợp, hài hòa về trách nhiệm và quyền lợi, hợp tác và chia sẻ lợi ích trong hoạt động của Hội và các tổ chức trực thuộc.
4. Khai thác, vận động tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất nhằm mở rộng các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp. Nghiên cứu việc hình thành quỹ hỗ trợ đầu tư cho phát triển và ứng dụng các sản phẩm thiên nhiên do Hội chủ quản.
5. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ Hội. Xây dựng và thực hiện đầy đủ chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm. Tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có) theo đúng Điều lệ Hội và các quy định của pháp luật.
Đại hội giao Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội thành chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể hằng năm, định kỳ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội.
Đại hội bày tỏ sự tin tưởng thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và sự sát cánh, đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nhân, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp trong nước và quốc tế để Hội thực sự trở thành ngôi nhà chung của các tổ chức, cá nhân vì sự phát triển nhanh và bền vững của lĩnh vực khoa học các sản phẩm thiên nhiên, thiết thực phục vụ con người, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới./.