Các ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện và tăng lên từ tháng 4-5 năm nay tại Hà Nội, và đến tháng 7 đã tăng mạnh cho đến nay. Nhiều ổ dịch xuất hiện tại các địa phương ngoại thành.
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, sốt xuất huyết liên tục tăng từ tháng 7 đến nay, mỗi tuần có gần 200 người mắc, các huyện ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ.
Từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 1.579 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Hầu như tuần nào Hà Nội cũng ghi nhận thêm các ổ dịch mới; có tuần toàn thành phố có hơn 20 ổ dịch đang hoạt động.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao vào nhập viện. Một số ca có diễn biến nguy hiểm do phát hiện muộn, khi nhập viện điều trị bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc.
Các ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng tại Hà Nội |
Trong tuần qua, CDC Hà Nội đã thực hiện giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện ngập lụt tại 07 xã thuộc 03 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức. Các hộ gia đình khu vực ngập lụt thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên đường làng ngõ xóm, nước rút đến đâu vệ sinh tới đó, rác thải được thu gom và vận chuyển công cộng trong tuần.
Các địa phương đã tổ chức 27 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng chống dịch tại 102.111 hộ gia đình và 777 khu vực khác như trường học, công cộng…; xử lý 12.190 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Sở Y tế Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch. Tổ chức điều tra, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để ổ dịch bùng phát rộng.
Đồng thời, chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Giám sát khu vực ổ dịch Sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ tại Thượng Mỗ, Đan Phượng; Phú Lương, Hà Đông; Hữu Bằng, Thạch Thất; Văn Tự, Thường Tín; Ô Chợ Dừa, Đống Đa.
Phun trừ muỗi để giảm nguy cơ lây lan sốt xuất huyết |
PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết gia tăng vào mùa mưa. Nguy hiểm của sốt xuất huyết là nhiều người thấy sốt nhưng không xét nghiệm, tự mua thuốc giảm sốt về uống, khi nặng mới tới bệnh viện.
Sốt xuất huyết là căn bệnh gây tử vong nếu ở ngày thứ 3-7 của bệnh bị thoát huyết tương dẫn đến sốc, hoặc xuất huyết nặng kèm tình trạng sốc, suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng… nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
PGS, TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, hiện nay ở Việt Nam chưa có vaccine cũng như chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Nếu người dân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, cần phải đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm, không tự ý điều trị và truyền dịch tại nhà. Khi bị sốt có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau, tuyệt đối không uống Aspirin hoặc lbuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.