Từng được được xem là một "biểu tượng vàng son" của người Hà Nội nhưng thương hiệu kem Thủy Tạ đang dần lùi xa khi việc kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục thụt lùi trong những năm qua.
Kem Thủy Tạ, hãng kem lâu đời nhất ở Hà Nội
Nêu đã ghé thăm Hà Nội nhất định phải đi dạo một vòng Hồ Gươm và thưởng thức một que Tràng Tiền hay Thủy Tạ mát lạnh. Thương hiệu kem Thủy Tạ không quá đình đám như kem Tràng Tiền nhưng nó có lịch sử hơn 60 năm đồng hành cùng người Hà Nội, mang hương vị đặc trưng của người dân thủ đô nghìn năm văn hiến.
Kem Thủy Tạ là thương hiệu kem lâu đời nhất ở Hà Nội, ra đời trước cả thương hiệu kem Tràng Tiền
Kem Thủy Tạ đã có mặt ở Hà Nội từ năm 1954 tại nhà hàng Thủy Tạ bên bờ Hồ Gươm đây là tiền thân của Công ty Cổ phần Thủy Tạ bây giờ. Trước đây, Thủy Tạ là một cửa hàng kem ở đầu phố Bà Triệu, gần bờ Hồ Gươm. Có lẽ, ít tai biết kem Thủy Tạ còn ra đời trước kem Tràng Tiền. Trải qua bao nhiêu năm tháng, đúc kết từ bao kinh nghiệm, hương vị kem Thủy Tạ được cải tiến ngày càng ngon hơn.
Hiện nay, kem Thủy Tạ vẫn là công ty sở hữu hữu nhà hàng và địa điểm bán kem đẹp nhất ở Thủ đô, với nhà hàng nằm ngay bên bờ Hồ Gươm cùng hệ thống phân phối tập trung tại các quận ngay trung tâm Thành phố.
Thật đáng tiếc, cũng giống với Diêm Thống Nhất, giờ đây hãng kem có tuổi đời lâu nhất của Hà Nội đang phải chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh của những thương hiệu kem nước ngày đình đám.
Kem Thủy Tạ đang dần mất đi thời kỳ hưng thịnh
Mặc dù đã gây dựng được thương hiệu và giữ thị phần lớn ở phía Bắc trong thời gian dài nhưng sự xuất hiện của những đối thủ "sinh sau đẻ muộn" như kem Wall's của Unilever và đặc biệt là 2 đối thủ lớn nhất hiện tại là Kido Foods và Vinamilk lại làm thay đổi cuộc chơi của những doanh nghiệp truyền thống như kem Thủy Tạ.
Theo một báo cáo của Euromonitor, thị phần kem của Thủy Tạ chỉ đạt khoảng 1,5% cả nước. Vì hệ thống phân phối đa phần ở các cửa hàng nằm trên phố Lê Thái Tổ trực thuộc Công ty, trong khi các điểm bán không phủ rộng nhiều như kem Tràng Tiền.
Kem Thủy Tạ được đánh giá là hạn chế về số lượng chủng loại, mẫu mã, hương vị cũng như chiến lược về quảng cáo
Cụ thể, doanh thu của Thủy Tạ đạt 88,1 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước và chỉ đạt 80% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế là gần 800 triệu đồng, giảm tới 67% so với năm trước và chỉ đạt 15% kế hoạch.
Đáng chú ý, doanh thu mảng bán kem của Thủy Tạ năm 2019 đột ngột giảm sâu, chỉ 21,2 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với các năm trước. Dù doanh thu giảm, Thủy Tạ đã cải thiện hiệu suất kinh doanh khi biên lãi gộp tăng từ thêm 16%. Nhờ đó, công ty đạt lợi nhuận gộp 52 tỷ đồng, cao hơn 12% so với 2018.
Chi phí bán hàng và chi phí tài chính được tiết giảm nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ 3 tỷ lên 20 tỷ do công ty xử lý toàn bộ phần lương chi thừa không có khả năng thu hồi từ 2018 trở về trước.
Lợi nhuận trước thuế của Thủy Tạ tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải chịu lên tới hơn 3 tỷ đồng, Thủy Tạ chỉ đạt lãi ròng 791 triệu đồng trong năm 2019.
Thương hiệu từng thống lĩnh thị trường kem Hà Nội nay thị phần ngày càng giảm, hoạt động kinh doanh chủ yếu, chỉ quanh mức 50 tỷ đồng mỗi năm, trong khi các đối thủ khác đã cán đích nghìn tỷ.
Cần đổi mới quy trình sản xuất, quản lý tăng sức cạnh tranh cho kem Thủy Tạ
Ban giám đốc công ty thừa nhận trong năm qua, thị trường các sản phẩm kem, dịch vụ nhà hàng tại trung tâm Hà Nội cạnh tranh ngày càng gay gắt. Công tác quảng cáo, marketing hạn chế vì điều kiện tài chính eo hẹp. Công ty không cung cấp thêm tủ kem cho thị trường. Các chương trình khuyến mãi sản phẩm đến nhà phân phối, người tiêu dùng có chất lượng và hiệu quả chưa cao
Ban điều hành cũng lý giải rằng chất lượng kem hiện nay đi xuống vì độ lạnh không đảm bảo do hệ thống máy móc thiết bị quá cũ, thường xuyên hỏng hóc, phải sửa chữa thay thế. Chính vì chưa được đầu tư kịp thời nên sản phẩm kem không có khả năng cạnh tranh với các hãng, ảnh hưởng đến việc bán hàng và tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, chi phí bán hàng lớn, đặc biệt chi phí khấu hao về tủ đông, mà hiệu quả công tác quản lý, quản trị hệ thống các đại lý kem có tủ thấp. Sự cạnh tranh của các đối thủ có tiềm lực ngày càng lớn, với nhiều sản phẩm mới hấp dẫn phù hợp với người tiêu dùng.
Để giải quyết vấn đề trước mắt, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu kem Thủy Tạ, cần phải đổi mới dây chuyền sản xuất, định hướng tập trung cải tiến sản phẩm, tăng chất lượng, tăng cường đầu tư tài sản, cải tạo cơ sở vật chất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác Marketing cho các nhà hàng, liên kết với các công ty du lịch. Ngoài ra, Thủy Tạ sẽ nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm kem mới nhằm đa dạng hóa mẫu mã phù hợp với thị hiếu của khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Lê Thoa