Nhãn hiệu gạo ST25 bị chiếm đoạt ở nước ngoài |
Gần đây, câu chuyện nhãn hiệu gạo ST25 bị chiếm đoạt ở nước ngoài lại rộ lên, thêm một bài học đắt giá với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chậm trễ tiến hành các thủ tục cần thiết để bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ra nước ngoài.
Theo các chuyên gia, có ba rào cản chính dẫn đến việc doanh nghiệp Việt còn đang chần chừ không đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Đầu tiên là do nhận thức của các chủ doanh nghiệp, mặc dù đã có sự chuyển biến hơn trước nhưng nhiều chủ doanh nghiệp vẫn cho rằng doanh nghiệp của mình nhỏ, bán sản phẩm sang nước ngoài thông qua một nhà nhập khẩu thì trách nhiệm ở nước ngoài là của nhà nhập khẩu, ít quan tâm đến trách nhiệm cũng như bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Rào cản thứ hai là thủ tục ở các thị trường khác nhau cũng tương đối khác nhau, khi doanh nghiệp gặp phải rào cản về pháp lý, ngôn ngữ sẽ dẫn đến chán nản. Rảo cản thứ ba cũng là rảo cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp là kinh phí đăng ký, đặc biệt là với doanh nghiệp mới tham gia thị trường, doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ.
Vải thiều Lục Ngạn được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý |
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt trên con đường chinh phục thị trường nước ngoài, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thì vấn đề đăng ký, thiết lập cơ chế bảo hộ nhãn hiệu của mình là điều cần nghiêm túc đầu tư.
Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, một số người vẫn phân vân liệu có nên bỏ ra khoản chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài khi chưa biết lợi ích thu được như thế nào. Trong trường hợp này, doanh nghiệp nên xem xét việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu dựa trên chiến lược phát triển kinh doanh, xuất khẩu của mình.
Theo đó, ngay khi xác định chiến lược xuất khẩu thì doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các thủ tục liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài hoặc, do sở hữu trí tuệ là lĩnh vực hẹp, chuyên sâu, nên doanh nghiệp có thể tìm đến các đơn vị tư vấn có năng lực, có đủ kiến thức và kinh nghiệm để nhờ tư vấn. Các nội dung cụ thể cần làm rõ bao gồm: doanh nghiệp phải làm gì để bảo vệ lợi ích của mình, chi phí thế nào và thời gian là bao lâu (?)...
Một điểm quan trọng cần làm rõ là những rủi ro phải đối mặt khi chấp nhận không thực hiện khâu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường tiềm năng. Khi có đầy đủ các dữ liệu như vậy, doanh nghiệp sẽ có đánh giá và quyết định đúng đắn xem nên làm gì.
Hiện nay, việc doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn và đại diện sở hữu trí tuệ là rất phổ biến. Việt Nam hiện có khoảng 200 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, nhiều tổ chức trong số này có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, đảm nhận việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài của doanh nghiệp.
Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Thanh long Bình Thuận" tại Nhật Bản và Thanh long Bình Thuận xuất khẩu qua Nhật Bản có dán hai tem Chỉ dẫn địa lý của Bình Thuận và của Nhật Bản (GI). |
Theo quy luật chung, đăng ký tại từng nước sẽ tốn kém, mất công sức, nên hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế ra đời. Việt Nam đã tham gia vào Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp cho phép các doanh nghiệp được đăng ký ở hầu hết các nước trên thế giới.
Việt Nam cũng đã là thành viên của Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể bảo hộ nhãn hiệu ở hơn 120 nước thành viên một cách thuận lợi và tiết kiệm. Khi đó doanh nghiệp Việt muốn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cùng một lúc ở nhiều quốc gia là thành viên của Hệ thống Madrid có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đến văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và đơn sẽ được chỉ định đến các nước là thành viên của Hệ thống Madrid mà doanh nghiệp có nhu cầu.
Trả lời câu hỏi “khi nào doanh nghiệp cần phải đăng ký nhãn hiệu và nếu đăng ký thì sẽ như thế nào?”. Luật sư Trần Đức Sơn – Giám đốc Công ty Luật TNHH SIPCO cho biết: "Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc giải quyết các vụ tranh chấp nhãn hiệu, tôi cho rằng doanh nghiệp nên thay đổi thói quen và cần phải đăng ký càng sớm càng tốt.
Các doanh nghiệp trước khi đưa sản phẩm sang thị trường nào, ngay trước khi đề xuất hợp tác với đối tác ở nước đó thì nên tiến hành đăng ký bảo hộ, đồng thời trong hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cũng cần quy định rõ về vấn đề nhãn hiệu. Bởi vì rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài luôn tìm cách tận dụng cơ hội để “chiếm” nhãn hiệu của doanh nghiệp đối tác thành của mình, đặc biệt là ở các thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hoạt động xuất khẩu hàng hóa như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia..."
Luật sư Trần Đức Sơn – Giám đốc Công ty Luật TNHH SIPCO cho biết, hiện nay, trên thế giới về cơ bản sử dụng 2 nguyên tắc nộp đơn khi đăng ký nhãn hiệu, đó là ưu tiên đơn nộp đầu tiên (first to file) và nguyên tắc sử dụng đầu tiên (first to use).
Theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các đơn đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì đơn có ngày nộp đầu tiên sẽ được chấp nhận bảo hộ.
Người đăng ký trước, đăng ký sớm sẽ có cơ hội thành công cao, nhưng rủi ro là đăng ký sớm liệu có tương thích với kế hoạch, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp sau này không? Đây là vấn đề mà doanh nghiệp cần cân nhắc. Do đó, khi đã có kế hoạch rõ ràng kinh doanh tại một thị trường cụ thể, doanh nghiệp đăng ký sẽ phù hợp nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tra cứu thị trường về nhãn hiệu đó, tránh việc nộp đơn xong nhưng lại không được đăng ký, dẫn đến cả chiến lược kinh doanh không đạt được mục tiêu.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn và hỗ trợ đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu và các đối tượng sở hữu trí tuệ khác trong và ngoài nước cũng như các vấn đề pháp lý xin liên hệ:
|