Vì sao bưởi Tết mất giá? Bất ngờ với vườn bưởi diễn trĩu quả, giá tăng vọt vì thương lái mua gom bưởi Tết |
Cơ hội phát triển mới cho bưởi đường La Tinh. |
Theo UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn hiện nay trồng khá nhiều giống bưởi như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi La Tinh, bưởi đào, bưởi đường chín sớm xã Cát Quế… Trong đó, bưởi đường La Tinh là giống bưởi địa phương được trồng từ lâu đời tại làng La Tinh (xã Đông La).
Việc bưởi đường La Tinh được Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ mở ra cơ hội tốt để địa phương bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể bưởi đường La Tinh, mở ra cơ hội phát triển, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ chỉ rõ, vị ngọt đậm, hàm lượng đường cao của bưởi La Tinh Hoài Đức có được là nhờ các tính chất đặc thù về điều kiện địa lý của khu vực. Cụ thể, đây là khu vực có địa hình thuộc các chân đất cao, hướng dốc từ đê ra sông. Thổ nhưỡng tại khu vực là đất phù sa trung tính. Đất có hàm lượng các-bon hữu cơ, kali… cao.
Bên cạnh đó, người dân có bí quyết trong việc chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ và gìn giữ giống bưởi quý này cũng là những yếu tố góp phần tạo nên đặc trưng của sản phẩm bưởi La Tinh Hoài Đức.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Trung Thuận cho biết, thời gian tới, huyện sẽ duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức” theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để từng bước khai thác lợi thế, nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm bưởi đường La Tinh; đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát quy chế quản lý, chất lượng, mẫu mã, nhãn mác sản phẩm. Huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, gìn giữ những cây bưởi đầu dòng để tạo nguồn gen nhân rộng và xây dựng, triển khai kế hoạch đánh mã số từng cây, từng hộ trồng bưởi nhằm góp phần làm tốt công tác quản lý chỉ dẫn địa lý.
Huyện sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ bao bì, tem nhãn, công cụ quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hỗ trợ, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, kết nối tiêu thụ rộng rãi bưởi đường La Tinh Hoài Đức...
Vườn bưởi La Tinh, nhà ông Giàng. |
Tại hội thảo quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh: Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi đường La Tinh góp phần bảo tồn nguồn gen quý bản địa, là cơ hội tốt để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể bưởi đường La Tinh của huyện Hoài Đức. Huyện cần tập trung quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường; thiết lập, vận hành mô hình tổ chức quản lý và phát triển bưởi đường La Tinh mang chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị và làm tốt công tác lưu giữ và bảo tồn cây đầu dòng.
Thôn La Tinh, xã Đông La có dòng sông Đáy chảy qua, đất đai màu mỡ, dễ canh tác, bưởi đường La Tinh ra quả to, vị ngọt đậm, từ nhiều năm nay là sản vật thơm ngon, được nhiều người biết đến. Một số người cao tuổi trong thôn kể lại, giống bưởi La Tinh được nhân giống từ một cây bưởi của cụ Bá Diệu vào khoảng năm 1930. Tuy cây bưởi tổ không còn, nhưng có những cây bưởi 70 năm tuổi đến nay vẫn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh và ra quả đều đặn hằng năm.
Hiện tại, bưởi đường La Tinh Hoài Đức phân bố chủ yếu ở xóm 1, xóm 2, xóm 3 thôn La Tinh, với số lượng khoảng 1.360 cây. Trong đó có hơn 55% các cây có độ tuổi 10 - 20 năm, gần 15% các cây có độ tuổi trên 20 năm.
Cây bưởi đường La Tinh Hoài Đức có đặc điểm sinh trưởng khỏe. Năng suất trung bình từ 250 - 300 quả/cây/năm. Với năng suất này đã mang lại thu nhập cao cho người dân thôn La Tinh so với trồng nhiều loại cây khác. Nếu trồng và chăm sóc tốt thì từ năm thứ 7 trở đi, bưởi đường La Tinh Hoài Đức đã cho thu nhập từ 300 - 400 triệu/ha/năm.
Vì sao bưởi Tết mất giá? |
Bất ngờ với vườn bưởi diễn trĩu quả, giá tăng vọt vì thương lái mua gom bưởi Tết |