Trong bối cảnh đô thị hóa tăng nhanh, thiếu hụt các không gian xanh đô thị nhưng Sở Xây dựng Hà Nội vẫn quan tâm đến công tác quản lý, duy trì cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, giảm công chăm sóc và tăng độ phủ cây xanh. Kết quả là năm 2019 và quý I/2020 toàn thành phố đã trồng được 415.440 cây xanh, đạt 69,2% kế hoạch.
Tuy nhiên thời gian qua, trong công tác cải tạo, chỉnh trang hè đường một số đơn vị đã làm ảnh hưởng đến bộ rễ và chặt rễ cây bóng mát, tiềm ẩn nguy cơ gẫy đổ đột ngột trong mùa mưa bão năm 2020.
Sở Xây dựng đề nghị thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn.
Nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố góp phần cải tạo môi trường, đáp ứng thẩm mỹ, mỹ quan, cảnh quan không gian xanh đô thị trên địa bàn Thành phố và khắc phục tồn tại trong quá thi công cải tạo, chỉnh trang hè đường, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây chỉ đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn theo phân cấp quản lý; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý và những nội dung vượt thẩm quyền về Sở Xây dựng Hà Nội (qua Thanh tra Sở Xây dựng) để xem xét, tổng hợp và xử lý những vi phạm vượt thẩm quyền theo quy định.
Đề nghị các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây trước khi triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang trên địa bàn Thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, nhà thầu thi công chủ động phối hợp cùng Ban Duy tu các công trình Hạ tầng kỹ thuật đô thị - Sở Xây dựng và các đơn vị được giao quản lý duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, thảm cỏ theo phân cấp quản lý để thống nhất phương án bảo vệ hệ thống cây xanh (các rễ cây) và vị trí quanh khu vực gốc cây nhằm giảm thiểu nguy cơ gãy đổ trong quá trình thi công cải tạo, chỉnh trang hè đường trên địa bàn Thành phố.
Giao Ban Duy tu các công trình Hạ tầng kỹ thuật đô thị tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị đang thực hiện khối lượng duy trì hệ thống cây xanh đô thị do Thành phố quản lý. Chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến hệ thống cây xanh, phối hợp nắm bắt kịp thời các hành vi xâm hại đến cây. Chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, duy trì hệ thống cây xanh phối họp cùng các Chủ đầu tư trồng bổ sung cây bóng mát tại các vị trí hố trống và thay thế cây chết kịp thời trong quá trình cải tạo chỉnh trang hè đường góp phần đảm bảo cảnh quan, không gian xanh đô thị trên địa bàn Thành phố; báo cáo kịp thời và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Giao Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) liên quan đến việc tự ý chặt các rễ cây trong quá thi công cải tạo, chỉnh trang hè đường làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng, phát triển của cây và an toàn của hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.
Đến năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu chương trình trồng mới một triệu cây xanh, về đích trước thời hạn đề ra 2 năm. Thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng bổ sung thêm 600.000 cây trong hai năm 2019, 2020.
Đề nghị Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, thảm cỏ tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt, phối hợp cùng các Chủ đầu tư và theo dõi quá trình thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang hè đường ảnh hưởng đến các gốc cây bóng mát và thảm cỏ.
Ngoài ra nhằm giảm thiệt hại do cây đổ, cành gãy trong mùa mưa bão năm nay khi thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng) đôn đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (phụ trách 12 quận) và các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh phụ trách địa bàn 18 huyện, thị xã kiểm tra, rà soát khối lượng cây bóng mát có nguy cơ gãy, đổ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện cắt tỉa, hạ độ cao cây bóng mát; thực hiện chằng chống, gia cố các cọc chống cho cây mới trồng, thay thế cọc bị hỏng, mục...
Đến thời điểm này các đơn vị đã hoàn thành cắt tỉa gần 6.000 cây nguy hiểm, nặng tán. Với những tuyến đường nhánh trong các khu đô thị tại các quận, công tác duy tu, cắt sửa cây xanh bảo đảm an toàn mùa mưa bão thuộc phân cấp quản lý cũng được các địa phương chủ động triển khai.
Hạ Vy