Thực tế giá heo hơi tại Việt Nam vẫn chưa đạt mức 60.000 đồng/kg, mức giá được coi là thấp nhất trong khu vực. |
Xuất khẩu chính ngạch khó cạnh tranh về giá
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá thịt heo ở Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác. Cụ thể, giá thành thịt heo ở Việt Nam khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg, tương đương 3 USD/kg trong khi giá heo ở Mỹ ở mức 1,1 USD/kg – con số này thậm chí còn thấp hơn cả giá thành nuôi của các nghiệp lớn (khoảng 2 USD/kg).
Sở dĩ, giá thành nuôi heo ở Việt Nam cao do nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó chi phí này chiếm tới 65 – 70% cơ cấu giá thành nuôi heo.
Hiện, Việt Nam chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi heo đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Các trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh rất khó và giấc mơ xuất khẩu thịt heo càng trở nên xa vời.
Còn theo đại diện Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi nhưng cần xem những điều điều kiện này đã thực sự bám sát thực tế, đặc biệt là khoảng cách giữa các trại. Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không chỉ nằm ở tiêu chuẩn mà còn khâu kiểm tra chặt và liên tục.
“Bản thân trang trại doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống an toàn rất chặt chẽ. Nhưng trong quá trình vận hành chỉ cần lơ là một chút là đã có nguy cơ rồi chứ chưa nói đến nông hộ. Khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh rồi thì cần cơ chế kiểm soát và tần suất xử lý vi phạm, để đạt được vùng an toàn sinh học là điều quan trọng không kém”, ông Khánh chia sẻ.
Giá thịt heo ở Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác. |
Đã có kinh nghiệm xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật, song ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết, doanh nghiệp vẫn đang khá loay hoay với bài toán xuất khẩu heo. Theo Phó Tổng Giám đốc De Heus, doanh nghiệp này đang vận hành nhà máy giết mổ heo 2.500 con/ngày, công suất lớn có thể hướng xuất khẩu nhưng còn vướng mắc.
Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh còn khó khăn. Vì vậy, De Heus mong muốn Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần phải công khai kế hoạch về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở khu vực nào, để doanh nghiệp tiến hành liên kết chuỗi chăn nuôi ngay tại địa phương.
Mở đường xuất khẩu để không phải giải cứu heo
Bà Phạm Thị Thúy, chủ cơ sở chăn nuôi heo tại xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho hay: "Nuôi heo bây giờ rất khó lời, nếu không muốn nói là nản. Trước thì giá thức ăn chăn nuôi tăng, giờ chưa kịp ổn thì heo hơi rớt giá. Heo 105 - 115kg/con là chuẩn loại 1 mới có giá bán trên dưới 55.000 đồng/kg. Heo 60 - 70 - 80 kg/con hay heo quá mỡ thì chưa được 50.000 đồng/kg.
Đó là chưa kể bây giờ thêm cạnh tranh thịt ngoại nhập. Từ siêu thị, nhà hàng, quán ăn bình dân… ở đâu cũng chọn thịt nhập. Nên thời điểm này kể cả người buôn lẫn người chăn nuôi kiếm lời chua lắm".
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thắng (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết người nuôi heo đang gặp áp lực rất lớn vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ heo giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi không giảm. Hiện cám cho heo thịt đang phổ biến 14.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng so với hơn một năm rưỡi trước.
"Từ hàng nghìn con trước đó, hiện quy mô đàn heo của trại nuôi đã giảm hơn phân nửa và khả năng sẽ còn giảm nếu tình hình khó khăn hiện nay kéo dài. Hầu hết người nuôi nhỏ lẻ hiện nay đang giảm rất mạnh lượng heo, thậm chí bỏ chuồng", ông Thắng thông tin.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi phía Nam hiện còn phổ biến 53.000 - 59.000 đồng/kg tùy loại, vẫn duy trì mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Thậm chí với những trường hợp bán heo non (dưới 80kg) hoặc heo mỡ (trên 140kg), giá bán có thể dưới 50.000 đồng/kg.
Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng cao hiện chiếm hơn 80% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Với giá thành dưới 60.000, trừ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có thể tiết giảm giá thành và bù đắp lợi nhuận ở các lĩnh vực khác, hầu hết người chăn nuôi đều thua lỗ nặng.
Người nuôi heo trong nước đang chật vật vì thua lỗ. |
Theo ông Phùng Đức TiếnThứ trưởng Bộ NN&PTNT, khó khăn thách thức là có, nhưng thời cơ với ngành chăn nuôi đã xuất hiện. Đặc biệt, tới đây cần xem có bao nhiêu dự án đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín, quy mô công suất chế biến thế nào. Từ đó, các đơn vị trực thuộc trong Bộ có kế hoạch xúc tiến xuất khẩu.
Nếu chỉ quan tâm thị trường trong nước, không quan tâm tới thị trường nước ngoài, gắn chăn nuôi phát triển theo chuỗi, “nước đến chân mới nhảy” thì đến lúc sản lượng nhiều, ngành chăn nuôi lại phải giải cứu. Bài học giải cứu heo năm 2017 là thực tế cần phải ghi nhớ.
Còn ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai nhận định Trước đây (giai đoạn 2015-2016), Trung Quốc là thị trường chủ lực nhập khẩu thịt heo của Việt Nam, nhưng từ năm 2017 đến nay, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gần như “đóng băng”, khiến đầu ra của doanh nghiệp khó khăn.
Sở NN&PTNT Đồng Nai kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ đàm phán với Trung Quốc mở thị trường chính ngạch, nếu chỉ 1-2 tỉnh ở Trung Quốc tiêu thụ thịt heo thì cơ hội xuất khẩu của Việt Nam rất lớn./.