Với mức giá dưới mức 60.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Việt Nam đang thấp nhất so với các nước láng giềng. |
Giá heo hơi hôm nay tăng giảm thất thường
Giá heo hơi hôm nay tiếp tục biến động, một số địa phương tăng thêm 2.000 đồng/kg, trong khi có tỉnh giá heo chỉ đi ngang. Tại miền Bắc, giá heo tiếp tục tăng nhẹ ở một số địa phương.
Cụ thể, heo hơi tại hai tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc được thu mua cùng mức 56.000 đồng/kg sau khi tăng 1.000 đồng/kg. Tại các tỉnh, thành khác, giá thu mua ổn định so với hôm qua, cụ thể như sau: tỉnh Thái Bình có mức giao dịch là 59.000 đồng/kg, cao nhất khu vực; tỉnh Hưng Yên ở mức 58.000 đồng/kg; TP Hà Nội tiếp tục giữ mức 57.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại duy trì mức giá từ 55.000 đồng/kg đến 56.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Bắc hôm nay tiếp tục dao động trong khoảng trong khoảng 55.000 - 59.000 đồng/kg.
Giá heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, giá thu mua tại hai tỉnh Ninh Thuận và Đắk Lắk lần lượt tăng 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg lên cùng mức 54.000 đồng/kg.
Tương tự, hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận cùng ghi nhận mức giá 55.000 đồng/kg sau khi lần lượt tăng 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Thừa Thiên Huế có giá thu mua duy trì tại mốc 58.000 đồng/kg - cao nhất khu vực. Đồng thời, các địa phương khác có giá không đổi so với hôm qua, hiện trong khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tiếp tục biến động, một số địa phương tăng thêm 2.000 đồng/kg. |
Thị trường heo hơi tại miền Nam tiếp tục tăng giảm trái chiều tại một số địa phương. Theo đó, thương lái tại hai tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh đang thu mua heo hơi với giá 56.000 đồng/kg, cùng tăng 1.000 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại TP HCM tăng 1.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tỉnh Cần Thơ có mức giao dịch giảm 2.000 đồng/kg còn 52.000 đồng/kg. Tại các tỉnh còn lại, giá thu mua đi ngang trên diện rộng, trong đó, TP Vũng Tàu tiếp tục đạt mức cao nhất khu vực với 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại khu vực miền Nam đang dao động trong khoảng 51.000 - 57.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá heo hơi vẫn duy trì được đà tăng nhưng chủ yếu là sự điều chỉnh giá giữa các địa phương. Tính từ đầu tuần tới nay, ghi nhận giá heo tăng liên tiếp nhưng vẫn chưa về mức 60.000 đồng/kg.
Lại nóng chuyện mở biên xuất heo
Diễn biến thị trường thịt heo Trung Quốc cho thấy vẫn duy trì đà tăng từ cuối tháng 8 đến nay. Một khảo sát được tiến hành ở Trung Quốc cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá heo giết mổ ở nước này đã tăng 60% và giá hiện tại đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 125%. Còn theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), giá thịt heo tại 36 trung tâm buôn bán lớn của nước này cũng đã tăng 30% so cùng kỳ năm trước.
Trước việc giá thịt heo liên tục tăng cao ở Trung Quốc và hiện đã gấp rưỡi giá heo ở Việt Nam, nhiều nhà chăn nuôi đặt vấn đề nên chăng cho phép xuất khẩu heo sang Trung Quốc qua đường mậu dịch biên giới. Bên cạnh đó, có thể đưa heo sang các nước lân cận như Thái Lan, Lào… Bởi, thời gian qua, giá heo hơi tại Thái Lan cũng tăng phi mã vì thiếu hụt nguồn cung. Và hiện tại, giá heo hơi tại nước này đang ở mức 80.000đồng/kg. Vì vậy, xuất khẩu biên mậu chính là cứu cánh của người chăn nuôi trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương cần đánh giá về nhu cầu thị trường, nguồn cung, qua đó có khuyến cáo kịp thời với người chăn nuôi nên nuôi heo ở mức độ nào… Đồng thời, để giảm bớt lượng thịt heo đang dư thừa hiện nay, cần có sự linh động về mậu dịch biên giới để gỡ khó cho ngành chăn nuôi.
Giá thịt heo trong nước khó có cơ hội tăng mạnh khi thị trường đã bão hòa. |
Đại diện một công ty chăn nuôi lớn ở Đồng Nai (xin giấu tên) cũng đồng quan điểm mở cửa xuất khẩu biên mậu. Ông cho rằng, tạo điều kiện cho xuất khẩu biên mậu đối với heo hơi là giải pháp cần được cân nhắc, xem xét trong thời điểm này khi nguồn cung đang cao hơn so với nhu cầu trong nước. Bởi nếu không có giải pháp hỗ trợ tiêu dùng thì giá heo hơi sẽ càng giảm, người nuôi sẽ thôi không nuôi nữa, và thực tế trước đó đã cho thấy điều này.
Cụ thể, trong năm 2019 - 2020, khi giá heo hơi lên cao rồi dịch tả châu Phi diễn ra, Việt Nam phải nhập heo sống từ Thái Lan để đáp ứng thị trường. Sau khi thị trường tăng sản lượng thịt heo, Chính phủ không cho xuất khiến giá heo hơi của Việt Nam giảm, người chăn nuôi thiệt hại, lỗ nặng.
Xuất heo có kiểm soát sẽ không gây lạm phát
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhớ lại cách đây mấy tháng, khi giá heo hơi lên mốc 70.000 đồng/kg, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, siết chặt việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, sau đó giá heo hơi giảm mạnh.
Về lo ngại nếu cho xuất khẩu dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thiếu hụt có thể đẩy giá heo hơi tăng mạnh, từ đó tác động tới chỉ số lạm phát, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng giá heo hơi thấp thế này chứng tỏ cung vượt cầu, nếu ở trên giá thành sản xuất thì lúc đó mới thiếu nguồn cung. Do vậy, Nhà nước cần cân đối tỷ lệ heo hơi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với nhu cầu tiêu thụ trong nước, làm sao để giá heo hơi bán ra trên giá thành, chứ như tình hình hiện nay thì khó khăn cho người chăn nuôi.
“Trước năm 2020, người chăn nuôi cảm thấy mức giá trên là có lãi nhưng giờ thì lỗ do giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 40%, chi phí dịch vụ tăng thêm 10%”, ông Đoán chia sẻ.
Về cơ hội khi được xuất khẩu heo hơi trở lại, ông Đoán cho biết giá heo hơi bình quân của Trung Quốc hiện 90.000 đồng/kg, cao hơn Việt Nam 30.000 đồng/kg; giá heo hơi Thái Lan là 80.000 đồng/kg. Xuất khẩu heo sang Thái Lan hơi khó vì nước này siết chặt nhập khẩu, nhưng với thị trường Trung Quốc, nhu cầu là rất lớn.
Do đó, ông Đoán kiến nghị nên xem xét cho xuất heo qua thị trường Trung Quốc để cải thiện giá trong nước. “Từ nay đến cuối năm nếu không có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, tiếp tục khóa chặt đầu mối xuất khẩu thì giá heo có thể càng giảm, người nuôi chịu nhiều áp lực mà bỏ chuồng”, ông Đoán bày tỏ lo ngại.
Nhiều ý kiến đề xuất trước mắt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi heo. |
Với “bài toán” xuất khẩu chính ngạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu chính ngạch với sản phẩm thịt heo còn rất khó khăn, nhưng trước mắt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi heo.
“Đứng ở góc độ nông dân, tôi mong muốn cơ quan quản lý xem xét, tạo sự công bằng cho người chăn nuôi heo. Tại sao sản phẩm cây ăn trái, nông sản được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, mà heo hơi lại bị cấm, để rồi người chăn nuôi thua lỗ”, ông Đoán chia sẻ.
Thực trạng này cho thấy rõ những bất cập mà chăn nuôi heo, khi mà con đường xuất khẩu chính ngạch vẫn chưa rộng mở. Mặc dù, dư địa của chăn nuôi trong xuất khẩu là rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết Việt Nam đã ký kết 17 FTA, trong đó có các FTA nổi bật như CPTPP, EVFTA… Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề về giá bán và vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là rào cản lớn khiến thịt heo Việt Nam vẫn chưa được đẩy mạnh xuất khẩu./.