Những ngày qua giá chanh leo rơi tự do chỉ còn từ 3.000 đến 6.000 đồng/kg. |
Từng có giá lên tới 30.000 đồng/kg, cây chanh dây được nhiều địa phương ồ ạt mở rộng diện tích. Tuy nhiên, sau một vài đợt thu hoạch ban đầu giá cao, nhiều nông dân ở tỉnh Gia Lai chưa kịp mừng đã lo lắng do chanh leo rớt xuống đáy. Riêng giá chanh múc (chanh chiết dịch) có giá từ 3.000 -6.000 đồng/kg, cách đây một tháng giá từ 14.000-16.000 đồng/kg.
Giá rơi tự do, nông dân chấp nhận bán thua lỗ
Mấy ngày nay, gia đình chị Nguyễn Thị Thương (thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đứng ngồi không yên vì giá chanh leo liên tục giảm, đỉnh điểm là chạm đáy 3.000 đồng/kg. Mặc dù sau đó giá có chút chuyển biến nhưng vẫn không hết lo.
Chị Thương cho biết, gia đình đã đầu tư 350 triệu đồng, trồng hai ha chanh leo. Đến nay mới thu được hai đợt thì giá tụt và chấp nhận bán lỗ với giá hơn 5.000 đồng/kg chanh múc, chanh chợ giá 6.000-7.000 đồng/kg và chanh leo đẹp giá 10.000-12.000 đồng/kg.
“Tình hình giá chung như hiện nay khiến nhiều hộ nông dân lo lắng, với mức đầu tư như hiện tại thì giá này sẽ lỗ nặng. Nếu giá chanh múc từ 8.000-10.000 đồng trở lên thì mới có lời”, chị Thương nói.
Anh Lê Đình Tứ (huyện Đắk Đoa) lo lắng vì nguy cơ lỗ nặng khi đầu tư trồng chanh dây. |
Chung tình cảnh, hộ anh Lê Đình Tứ (thôn 4, thị trấn Đắk Đoa, trồng 6 sào chanh leo), bày tỏ: “Nhà tôi mới thu bói hai đợt, trước bán được 14.000-15.000/kg nhưng nay chỉ bán giá hơn 5.000 đồng/kg. Với giá như thế này thì không có lời được, nguy cơ phá sản”.
Theo ông Phan Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Đắk Đoa), cho biết: Toàn xã có gần 90 ha (28 ha tại chỗ và 60 ha trồng xâm canh địa phương khác). Với giá như hiện tại bà con nông dân thua lỗ nặng, có thời điểm giá chanh múc thấp 2.000 đồng/kg, nay lên hơn 4.000 đồng/kg.
“Giá thấp quá khiến nhiều nông dân lo lắng, hộ trồng nhiều thậm chí còn không đi hái mà chờ rụng để lượm bán chanh múc”, ông Phương nói.
Diện tích tăng nóng cung vượt cầu Trung Quốc giảm thu mua
Theo số liệu từ ngành nông nghiệp Gia Lai, hiện toàn tỉnh có 5.000 ha chanh leo. Trong khi đề án của UBND tỉnh Gia Lai định hướng đến năm 2025, phấn đấu phát triển khoảng 20.000 ha chanh dây, đến năm 2030 khoảng 30.000 ha.
Đồng thời, trên địa bàn đang có ba nhà máy thu mua và chế biến chanh leo lớn, Hàng năm có công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm và đang có kế hoạch nâng công suất nên không lo cung quá cầu.
Tuy nhiên, hiện tại giá vẫn “tụt dốc” khiến nông dân lo lắng. Ý kiến của nông dân, giá chanh leo giảm là do sau Tết Thanh minh, phía Trung Quốc giảm thu mua và hiện nay nông dân đồng loạt vào vụ thu hoạch, nguồn cung lớn nên giá giảm.
Ông Lê Tấn Hùng, Phó phòng NN&PTNT huyện Đắk Đoa, cho biết giá chanh leo (loại chanh múc) vừa qua dao động từ 3.000-4.000 đồng/kg cũng ảnh hưởng đến tâm lý bà con nông dân, không mở rộng diện tích. Ngành chỉ khuyến cáo bà con theo dõi thông tin thị trường và từ các cơ quan chuyên môn để có hướng đầu tư sản xuất phù hợp.
Hiện tại toàn huyện có 700 ha chanh leo. Trung bình, một ha chanh leo đầu tư khoảng 100 triệu đồng, năng suất trung bình của huyện 35,2 tấn/ha
Ông Hùng cho rằng, với giá như hiện tại thì người nông dân coi như hòa vốn. Hiện tại thị trường chanh leo trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Công nhân nhà máy Doveco Gia Lai thu hoạch chanh leo tại tỉnh Gia Lai. |
Về vấn đề này, theo ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, qua làm việc với một doanh nghiệp trên địa bàn, giá chanh leo 4.000 - 5.000 đồng/kg là giá chanh múc, là loại chanh bỏ, trái hư, trái nhỏ, hái vét.
Hiện tại, giá chanh múc đã lên 6,5 ngàn đồng/kg, chanh chợ 13.000 đồng/kg. Trong năm tháng đầu năm 2023, giá chanh leo vẫn ở mức cao, nhất là các loại chanh xuất châu Âu có giá trên 30.000 đồng/kg.
Theo một lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai (Doveco Gia Lai), hiện tại đơn vị vẫn mua giá ổn định, cao hơn giá thị trường cho nông dân với giá 8.000-9.000 đồng/kg đối với loại chanh chiết dịch, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu đã ký kết với nông dân.
“Nguyên nhân giá thấp là do thời gian qua chanh leo đồng loạt vào vụ, số lượng lớn; một phần do một số đơn vị nước ngoài thu mua với giá thấp. Hiện tại, công ty nhập vào khoảng 200 tấn/ngày và có thể mua lên 300 tấn/ngày”, đại diện Doveco Gia Lai cho biết.
Giá chanh leo lao dốc do bước vào thời điểm thu hoạch rộ, sản lượng vượt cầu. Trong khi thị trường xuất khẩu chanh dây lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt xuất khẩu chanh leo phải tuân thủ các tiêu chuẩn và có mã số vùng trồng. Trong khi thị trường Trung Quốc cũng luôn thất thường khiến cho trái chanh leo rơi vào cảnh bấp bênh./.