Khách du lịch quốc tế quay trở lại Hà Nội ngày một nhiều hơn. |
Ghi nhận những con số ấn tượng
10 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam ghi nhận những con số ấn tượng, vượt xa kỳ vọng. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hai tháng cuối năm, nước ta cần đón thêm 3,9 triệu lượt khách quốc tế nữa để hoàn thành mục tiêu.
Đây là thành quả của những nỗ lực từ nới lỏng chính sách thị thực, quảng bá hình ảnh đất nước đến nâng cao chất lượng dịch vụ. “Kỳ vọng trong những tháng còn lại năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay”, Cục Du lịch Quốc gia nhận định.
Ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, nói trên Báo Lao Động: “Điều này khó có thể đạt được. Tôi cho rằng, với tình hình hiện tại Việt Nam hoàn toàn có thể đón được khoảng 17 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, còn để đạt được mục tiêu 18 triệu thì cần phải chờ sự đột phá”.
CEO Vietfoot Travel lý giải, Việt Nam đang trong giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng và bất ổn bởi các yếu tố chính trị, trong đó Nga và Trung Đông cũng bị ảnh hưởng. Đây lại là một trong những thị trường khách du lịch lớn của Việt Nam. Chính vì thế lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay có thể sẽ không đạt được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, kết quả cả năm vẫn có thể khiến ngành du lịch Việt Nam hài lòng. “Chúng ta đã có những sự chuẩn bị tốt nhất, cởi mở nhất để khách quốc tế có thể dễ dàng đến với Việt Nam. Chỉ do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan nên nguồn cung giảm sút”, ông Nghĩa nhấn mạnh và kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ bứt phá vào năm 2025.
Lạc quan hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng cả nước có thể đón khoảng 19 triệu lượt khách quốc tế, vượt giai đoạn trước dịch: “Dù khách Trung Quốc trở lại chưa nhiều nhưng ngành du lịch lại đón rất nhiều khách Hàn Quốc, Ấn Độ… góp phần thúc đẩy du lịch quốc tế và tiêu dùng nội địa tăng”.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ của Bộ VH-TT-DL, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết, mặc dù vừa trải qua nhiều khó khăn do cơn bão số 3 gây ra, tuy nhiên theo những số liệu so sánh với năm 2019, thời kỳ "đỉnh cao" của du lịch Việt Nam, trước thời điểm xảy ra dịch Covid- 19, sẽ thấy có nhiều tín hiệu tích cực.
Cụ thể tháng 8-2024, du lịch Việt Nam đón 1,433 triệu lượt khách, vượt so với năm 2019 là 17%. Từng tháng trước đó, Cục Du lịch quốc gia cũng đã có sự so sánh rất kỹ. Thêm nữa, những tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam. "Dựa trên những yếu tố trên có thể thấy mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 là có thể thực hiện được", ông Nguyễn Lê Phúc nói.
Không thể "ngồi im" chờ đợi
Ngành du lịch không thể xem nhẹ mục tiêu, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách. |
Mặc dù có nhiều cơ hội, ngành du lịch không thể xem nhẹ mục tiêu, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách. Cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực, biến động kinh tế toàn cầu, bài toán nhân lực... là những "rào cản" cần vượt qua.
Theo bà Đinh Thị Thuý Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê, mục tiêu thu hút 18 triệu khách du lịch quốc tế là nhiệm vụ rất khó khăn.
"Để hoàn thành mục tiêu, trong quý IV phải thu hút được 5,3 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy bình quân 1 tháng sẽ phải đạt được 1,74 triệu lượt. Tuy nhiên, chúng tôi thống kê từ tháng 1 đến tháng 9 Việt Nam mới thu hút được bình quân 1,41 triệu lượt khách quốc tế/tháng. Cùng với số liệu từ các năm trước, chúng tôi thấy rằng năm 2019 Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách, trong đó quý IV đã đón được 5,1 triệu lượt khách, trung bình 1 tháng được 1,71 triệu lượt”, bà Phương phân tích.
Mặt khác, Trung Quốc - thị trường truyền thống hàng đầu của du lịch Việt Nam mới chỉ phục hồi ở mức 68%. Trong dịp Tuần lễ Vàng của khách Trung Quốc (1-7/10), một số doanh nghiệp Việt Nam chuyên dòng khách này thậm chí thừa nhận lượng khách chỉ bằng khoảng 10% trước dịch; hướng dẫn viên không có việc làm.
Khách quốc tế từ một số quốc gia khác cũng phục hồi ở mức thấp như Thái Lan (87%), Malaysia (82%), Nhật Bản (74%). Đây vừa là thách thức, đồng thời là cơ hội cho thấy du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa.
Rõ ràng, không thể "ngồi im" chờ đợi những tháng cuối năm, ngành du lịch cần tập trung tăng tốc với những giải pháp quyết liệt.
"Nếu chúng ta chỉ đơn thuần tổ chức roadshow (hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch lưu động) thì tốn kém mà hiệu quả không cao. Thay vào đó, du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, tích cực tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế lớn", ông Hoàng Nhân Chính nêu ý kiến.
Sáng kiến Visa "6 quốc gia, một điểm đến" do Thái Lan đề xuất để cùng Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Myanmar thúc đẩy du lịch cũng là một trong những giải pháp giúp tăng cường khách quốc tế.
Kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2024 |
Việt Nam là điểm đến "an toàn nhất châu Á" năm 2024 |
5 quán ốc ở Việt Nam được Michelin gợi ý cho khách du lịch |