Tỉnh Gia Lai đang trở thành thủ phủ chanh leo. |
Từ lợi thế tự nhiên thuận lợi cho cây chanh leo và hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, tỉnh Gia Lai cũng xác định đây là cây trồng chủ lực, định hướng đạt 25.000 ha vào năm 2025.
Để cây chanh dây trở thành "cây triệu đô,” tỉnh Gia Lai đã có những chủ trương, chính sách đặc thù cho cây chanh leo. Nhờ được thiên nhiên ưu ái về điều kiện tự nhiên như khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn và màu mỡ, phù hợp với việc phát triển những cánh đồng chanh leo lớn.
Bên cạnh đó, việc cung ứng giống, thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ chanh leo đang được thực hiện hiệu quả đã và đang mở ra cơ hội lớn cho chanh dây phát triển. Đặc biệt, giá cả ổn định, thị trường bền vững đã đưa cây chanh dây được xếp vào nhóm “cây triệu đô.”
Kinh nghiệm phát triển chanh leo ở tỉnh cho thấy, chú trọng chất lượng hơn sản lượng mới tạo được giá trị và sự bền vững của ngành hàng.
Chanh leo dần trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. |
Ông Trần Ngọc Châu- xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai là một trong những nông dân trồng chanh leo sớm nhất tại huyện. Với 8 năm kinh nghiệm, ông Châu cho biết, nông dân trồng chanh leo vẫn chủ yếu là bán xô sản phẩm.
Thời điểm giá cao, trái xô đạt 30.000 đồng/kg, nông dân thu lợi 300 triệu đồng/ha. Nhưng lúc thấp xuống dưới 10.000 đồng/kg thì lời lãi không còn. Rút kinh nghiệm, ông Châu kiên định chỉ duy trì 2ha vườn cây, nhưng đổi mới cách chăm sóc nhằm thu được nhiều trái loại 1, loại có giá bán cao gấp 3 lần trái xô.
“Nếu chăm sóc theo hữu cơ cây không bị ảnh hưởng. Cây chanh leo mướt, đẹp hơn. Đi hội thảo rồi tìm học hỏi những người nông dân chuyên cần. Muốn đạt chanh leo loại 1 nhiều nhất là dùng phân hữu cơ và tỉa cành. Một cành mạnh thì để 4 trái 1 cành " - ông Châu chia sẻ.
Với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn chất lượng, thị trường xuất khẩu cũng được định hướng rõ ràng. Ông Nguyễn Công Vương-Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods Gia Lai cho biết, ngay khi đầu tư vào tỉnh, doanh nghiệp đã liên kết bao tiêu diện tích 1000 ha, với yêu cầu sản xuất theo yêu cầu của bạn hàng từ Trung Quốc và EU- những thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp.
“Trừ những doanh nghiệp ăn xổi, còn nếu doanh nghiệp chế biến quanh năm suốt tháng vẫn cần sự ổn định nhất định, ở giá nào đó mà nông dân và doanh nghiệp có được lợi nhuận. Cho nên khuyến cáo của doanh nghiệp là cần có nhịp độ phát triển vừa phải để cân bằng thị trường” - ông Vương nói.
Trồng chanh leo liên kết và gắn với cơ sở chế biến nhằm nâng cao giá trị. |
Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có vùng nguyên liệu trên 5000 ha được trồng rộng khắp 15/17 huyện, thị xã, thành phố; cùng 3 nhà máy chế biến chanh leo lớn, có tổng công suất lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, 20 cơ sở đóng gói và 19 mã vùng trồng đã được công nhận. Điều này cho thấy, chuỗi giá trị ngành hàng chanh leo đã được hình thành và đi vào ổn định.
Có thể thấy, chỉ sau 1 thời gian ngắn có mặt, cây chanh leo đã khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ nông nghiệp của tỉnh Gia Lai bằng chính hiệu quả mà nó đem lại. Đặc biệt, từ việc sản phẩm chanh leo được xuất khẩu chính ngạch vào EU, Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho loại cây trồng này trở thành “cây triệu đô.”
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đã chủ trương áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất nông nghiệp với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha, tập trung vào 2 loại cây chủ lực là chanh dây và chuối.
Cùng đó là những sự đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất đặc thù cho cây chanh dây càng mở ra cơ hội lớn cho cây chanh dây xây dựng vị thế.
Tỉnh Gia Lai có nhiều chính sách phát triển bền vững cây chanh leo. |
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững ngành hàng chanh leo, tháng 1 năm 2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 208/UBND-NL chỉ đạo về phát triển bền vững sản xuất sầu riêng, chanh leo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương cùng ngành nông nghiệp tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất trong xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật và kiểm soát chặt chẽ giống và vật tư nông nghiệp đầu vào…
Ông Nguyễn Kim Anh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân sử dụng những giống đã canh tác, phù hợp như Đài Nông 1, công ty uy tín. Thứ hai là chúng tôi đang tăng cường lựa chọn những vườn cây đầu dòng để đăng ký với sở nông nghiệp chuẩn hóa nó, xác định đây là chanh đầu dòng; nguồn gốc giống rõ ràng, cây trồng kháng được bệnh”.
Theo ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai: “Tỉnh Gia Lai định hướng tiếp tục gắn sản xuất đi theo các tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường chính ngạch; tăng cường áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ đầu vào sản xuất, gắn với truy xuất sản phẩm, tăng cường sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm”./.