Nhập khẩu vắc-xin Covid 19: Thấy gì từ những chỉ đạo, phát ngôn của lãnh đạo Bộ Y tế? Bộ Y tế đồng ý nhập khẩu 204.000 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên về Việt Nam |
![]() |
Ngày 02/6/2021, Bộ Y tế đã công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc-xin, kinh doanh dịch vụ bảo đảm vắc-xin, trong đó có vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, trong danh sách của Bộ Y tế lại không có tên Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop.
Danh sách ghi rõ cập nhật đến ngày 13/5, tức cách đây hơn ba tháng, hiện không rõ doanh nghiệp này có được bổ sung vào danh sách đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc-xin, kinh doanh dịch vụ bảo đảm vắc-xin hay không.
Trao đổi với báo chí ngày 30/8, ông Phan Công Chiến, Trưởng Phòng Quản lý kinh doanh Dược thuộc Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop không thuộc đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc-xin COVID-19.
Ông Chiến cho hay, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop muốn nhập khẩu vắc-xin có thể liên kết với một đơn vị đủ điều kiện để nhập khẩu vắc-xin Pfizer. Tuy nhiên dù có liên kết với đơn vị khác thì trong danh sách đơn hàng cũng phải có thông tin Công ty Donacoop. “Qua kiểm tra, Cục không thấy tên Công ty Donacoop trong các đơn hàng nhập khẩu vắc-xin”.
![]() |
Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop không có tên trong danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc-xin mà Bộ Y tế đã công bố |
Về phía Pfizer, đại diện Pfizer tại Việt Nam cho biết: “Hiện tại trong giai đoạn đại dịch này, Pfizer chỉ cung cấp vắc-xin COVID-19 Pfizer-BioNTech cho các chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu”.
"Khi chúng tôi hiểu nhu cầu cấp thiết của nhiều người muốn được tiêm phòng càng sớm càng tốt, thì các chính phủ trung ương và các tổ chức lớn toàn cầu hiện ở vị trí tốt nhất để phân phối vắc-xin một cách công bằng và bình đẳng cho người dân của các quốc gia", đại diện Pfizer tại Việt Nam cho hay.
Cũng theo đại diện Pfizer tại Việt Nam, việc thỏa thuận cung cấp vắc-xin, các chính phủ sẽ chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ và phân phối vắc xin tại quốc gia của họ
“Chúng tôi xin khẳng định lại rằng không có vắc-xin nào được cung cấp qua trung gian tại thời điểm này. Hiện tại, không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền cho vắc xin của chúng tôi trên toàn thế giới”, đại diện Pfizer Việt Nam nhấn mạnh.
Xung quanh nội dung liên quan đến việc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop tham gia mua vắc-xin của hãng dược Pfizer từ tháng 6/2021, cũng như khẳng định của doanh nghiệp này đã đàm phán mua 15 triệu liều vắc-xin Pfizer vào ngày 10.8, đại diện Pfizer tại Việt Nam không trả lời.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, vào ngày 25/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc tạo điều kiện hỗ trợ Donacoop nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer.
Trong khi đó, theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 18.8, Donacoop cho biết đã đàm phán xong với hãng dược Pfizer vào ngày 10/8 và cơ bản thống nhất về mức giá. Hai bên cũng thống nhất về số lượng và thời gian giao vắc-xin Pfizer. Cụ thể, vắc-xin được giao trong 2 đợt: Đợt 1 giao 5 triệu liều vào cuối tháng 8.2021; đợt 2 các lần giao cách nhau 7 ngày, đến 15/9/2021 giao đủ 15 triệu liều.
Liên quan đến vấn đề này, báo Tiền Phong thông tin, ông Bùi Thanh Trúc- Tổng giám đốc Công ty Donacoop khẳng định lô vắc- xin Pfizer sẽ nhập về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 15/9. “Mọi thủ tục nhập khẩu và hồ sơ đang được Bộ Y tế thẩm định và hỗ trợ cho Donacoop”- ông Trúc nói.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Doanh Trung- Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: Cty Donacoop khẳng định đã thỏa thuận được với nhà cung cấp Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 và đối tác cũng đã chuẩn bị sẵn lượng vắc- xin để chuyển cho phía doanh nghiệp là có sự mâu thuẫn đối với những phát biểu của đại diện Pfizer.
“Trường hợp Cty Donacoop hoàn toàn chưa thỏa thuận được với nhà cung cấp Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vắc-xin, nhưng Cty này thông tin cho báo chí thì có dấu hiệu của hành vi cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 9, Nghị định 119/2020 với mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 15 triệu”- Luật sư Trung nói.