Ðông y phòng trị cảm mạo Món ăn bài thuốc trị cảm cúm trứ danh trong y học cổ truyền 9 bài thuốc phòng trị cảm cúm |
Nguyên nhân nhiễm cảm phong hàn
Trời lạnh nguy cơ bị cảm phong hàn rất dễ xảy ra, vì thế mọi người nên chú ý bảo vệ sức khỏe. |
Cảm phong hàn là bệnh lý thường gặp do thời tiết lạnh gây ra, nhất là thời điểm giao mùa. Có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn tới nhiễm phong hàn gồm: Nguyên nhân từ bên trong cơ thể và do nhiễm bệnh từ bên ngoài.
Một số nguyên nhân gây nhiễm phong hàn từ bên trong cơ thể có thể kể đến như: Tâm lý người bệnh không ổn định, chế độ ăn thất thường, thiếu khoa học khiến cơ thể luôn trong trạng thái suy nhược, mệt mỏi. Bên cạnh đó, các bệnh lý như: Tăng huyết áp, viêm loét dạ dày tá tràng, bao tử hoạt động kém, ăn không ngon miệng, ngủ không đủ giấc… cũng là những yếu tố nguy cơ tăng tình trạng suy nhược cơ thể và nguy cơ mắc bệnh phong hàn.
Các nguyên nhân nhiễm phong hàn bên ngoài cơ thể được phân loại như sau: Cảm phong hàn thường xuất hiện với tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh khi ngâm mình trong nước quá lâu, đi mưa hoặc phơi sương. Cơ thể không được bảo vệ đủ ấm khi thời tiết quá lạnh. Người mới ốm đau chưa khỏi bệnh đã đi ra ngoài. Người có thói quen mở máy điều hòa quá lạnh khi ngủ. Phụ nữ mới sinh thấm nước lạnh sớm. Người đang đổ mồ hôi nhiều (làm việc nặng hay chơi thể thao) lại nhanh chóng dội nước lạnh hay đi vào phòng máy lạnh.
Hiện miền Bắc vẫn đang hứng chịu đợt không khí lạnh tăng cường, trong khi đó khu vực miền Nam nhiệt độ cũng giảm sâu, do vậy việc bảo vệ sức khỏe là điều vô cùng cần thiết. BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM cơ sở 3) cho biết, khi thời tiết lạnh mọi người rất dễ bị cảm phong hàn (cảm lạnh), bệnh hay gặp phải khi thời tiết thay đổi, cơ thể không thích nghi kịp, tà khí (phong, hàn) sẽ xâm nhập cơ thể và gây bệnh.
Không chỉ trẻ nhỏ mà mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị cảm phong hàn với biểu hiện điển hình là ho, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, chảy mũi, mạch phù khẩn, sốt nhẹ, không mồ hôi, đau đầu, người đau ê ẩm, rêu lưỡi trắng mỏng (viêm cấp đường hô hấp trên cũng thuộc cảm mạo). Khi có những biểu hiện trên, nhiều người thường tự ý đi mua thuốc về sử dụng, bác sĩ Vũ cho rằng, điều này là không nên vì dễ gây hại tới sức khỏe.
Một số phương pháp chữa cảm phong hàn
Theo bác sĩ Vũ, việc dùng thuốc phải theo sự chỉ định của bác sĩ nhằm tránh những tác hại nguy hiểm. Trường hợp xác định bị cảm lạnh, phong hàn có thể dùng một số phương pháp hỗ trợ điều trị, không cần dùng thuốc cũng có thể khỏi bệnh. Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ tư vấn, 3 phương pháp trị cảm lạnh, phong hàn không cần dùng thuốc như sau:
Xoa bóp – bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là biện pháp giải phong hàn rất hiệu quả, đã được sử dụng từ lâu. |
Khi xuất hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần ở nơi ấm áp, tránh gió. Sau đó, tiến hành xoa bóp bấm huyệt điều trị nhiễm cảm phong hàn như sau:
Xoa bóp vùng gáy: Tư thế người được xoa bóp cần nằm sấp, còn người xoa bóp đứng phía sau hoặc một bên bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật.
Xoa xát vùng vai: Hai tay áp sát cổ đưa qua vai úp bàn tay hất lên suốt từ cổ đến vai. Có thể xoa xát với bột talc hay dầu bôi trơn.
Miết: Dùng các đầu ngón tay miết từ mỏm vai lên cổ và miết cạnh hai bên cột sống
Bóp nắn cơ: Dùng tay bóp nắn cơ, cơ thang, cơ denta, cơ ức đòn chũm, các cơ quanh cột sống cổ.
Nhào cơ: Dùng 2 tay véo cơ lên và nhào các cơ lớn như cơ thang, cơ denta, cơ ức đòn chũm.
Day cơ: Dùng gốc bàn tay day các cơ trên vai, động tác nhẹ.
Ấn day điểm đau nhất: Tìm và day ấn điểm đau, chú ý cự án hay thiện án mà day ấn từ nhẹ đến nặng thích hợp.
Vận động khớp cổ: Quay cổ, nghiêng cổ, ngửa cổ, tổng hợp các động tác…
Bóp vai: Bóp huyệt Phong trì, bóp gáy, bóp vai, vờn vai.
Xát cơ: Dùng 2 bàn tay mô ngón út và ngón cái sát các cơ trên vùng vai đến gáy và ngược lại.
Rung cơ: Dùng tay áp xát vào cổ rung với tần số cao từ cổ đến vai 2 bên.
Sau khi xoa bóp vùng vai gáy, dùng dầu nóng chà xát theo chiều ngang vùng cổ gáy cho đỏ ửng, ấm nóng lên; sau đó chà xát dọc cột sống và hai bên cột sống mỗi đường 20 lần (đánh gió) sao cho đỏ ửng và ấm nóng là đạt. Giữ ấm và cho người bệnh nằm ngửa tiếp tục xoa bóp vùng đầu.
Ngoài ra, mọi người có thể xoa bóp vùng đầu, day các huyệt thái dương, Bách hội (đỉnh đầu), Phong trì (sau gáy), quá trình thực hiện nên dùng chút dầu ấm nóng khi ấn huyệt. Khi thực hiện có thể dùng túi chườm thảo dược đã được làm nóng, chườm vùng đỉnh đầu, vùng trán, vùng cổ gáy sẽ giảm được nhiều triệu chứng khó chịu của cảm cúm như nhức đầu, sổ mũi, đau nhức cổ gáy, đồng thời làm người bệnh cảm thấy dễ chịu và ngủ ngon.
Xông hơi
Xông hơi sẽ giúp giải cảm và tốt cho hệ hô hấp khi trời lạnh. |
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết, Việt Nam có rất nhiều cây thảo dược có tác dụng xông hơi rất tốt, điển hình như lá bạc hà, kinh giới, tía tô, lá chanh, lá bưởi, lá tre, lá sả, cúc tần đều có tác dụng xông hơi, giải cảm. Cách làm rất đơn giản, dùng các loại lá trên mỗi thứ một nắm, rửa sạch, đổ ngập nước trên thuốc khoảng 2cm, đậy nắp, đun sôi khoảng 1 đến 3 phút thì bắc xuống.
Người cần xông hơi trùm chăn kín, ngồi mở nắp vung bỏ ra ngoài, mở hé nắp vung cho hơi thuốc bay ra từ từ. Thỉnh thoảng dùng đũa khuấy để hơi thuốc ra nhiều hơn, thời gian xông khoảng 10 - 15 phút. Nước xông nấu từ các loại lá có tinh dầu giúp diệt khuẩn đường hô hấp, giảm nghẹt mũi, sổ mũi, giúp ra mồ hôi (giải biểu), người nhẹ nhõm.
Sau khi xông lau khô người, giữ ấm. Khi xông hơi nên ở nơi kín, tránh gió lùa. Nếu được sau khi xông dùng cháo giải cảm ấm nóng ngay sẽ càng công hiệu.
Cháo giải cảm
Cháo hành và thêm chút gừng giúp trừ phong, giải cảm rất tốt. |
Cuối cùng để trừ phong, giải cảm, bác sĩ Tấn Vũ tư vấn mọi người có thể ăn cháo, với cách làm như sau: Dùng hành tăm cả rễ 20g, gừng tươi 10g, gạo nếp 50g để nấu cháo loãng. Hành thái nhỏ, gừng thái tăm, hay giã nát cho vào bát. Khi cháo chín, múc ra khi đang sôi cho vào bát quấy đều. Ăn cháo nóng, trùm chăn cho ra mồ hôi. Hành, gừng để phát hãn giải biểu, cháo nóng để giúp hành gừng và bổ chính khí.
Đánh cảm
Bạn cũng có thể đánh cảm bằng lá trầu không, rượu gừng - tóc rối, cám gạo rang nóng để chữa cảm phong hàn tại nhà. Quy trình cụ thể như sau: Chà 20 - 30 lần vùng trán vuốt sang hai thái dương xuống má. Chà xuôi 20 - 30 lần từ hai bên gáy xuống dọc hai bên bả vai, lưng, thắt lưng và giữa sống lưng. Chà xuôi từ vai xuống phía ngoài cẳng tay mu bàn tay khoảng 20 - 30 lần. Chà xuôi 20 - 30 lần từ phía sau đùi, phía ngoài đùi xuống cẳng chân, bàn chân.
Luôn mang theo dầu gió bên mình
Để đề phòng cảm phong hàn hãy luôn mang bên mình 1 chai dầu gió. |
Bên cạnh các phương pháp chữa bệnh trên đây, để đề phòng cảm phong hàn hãy luôn mang bên mình 1 chai dầu gió. Sản phẩm này giúp đánh bay các triệu chứng như: Mệt lả, choáng váng, ngất xỉu, nôn… của cảm phong hàn.
Không chỉ hỗ trợ trị nhức đầu, cảm cúm, sổ mũi, đau cơ bắp, đau gân dầu gió còn giúp giảm tụ máu, thâm tím, chậm tiêu, đầy hơi, chống lạnh đường hô hấp. Đặc biệt, các loại dầu có các thành phần chính từ tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế, tinh dầu đinh hương... còn giúp giảm sưng đau, mang lại hiệu quả hỗ trợ cạo gió, giải cảm hiệu quả. Mùi hương bạc hà, quế, thoang thoảng cũng giúp người dùng dễ chịu hơn mùi dầu gió xanh thông thường.
Lưu ý: Bác sĩ Vũ cho rằng, những phương pháp trên nên được thực hiện khi bị cảm, nhiễm phong hàn ở mức độ nhẹ, đồng thời mọi người cần nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Nếu bệnh không thuyên giảm cần khám chuyên khoa để được dùng thuốc. |