Xuất khẩu nông sản năm 2024: Kỷ lục nối kỷ lục Thời cơ và thách thức từ Lệnh 248 (sửa đổi) của Trung Quốc Ngành nông nghiệp cần làm gì để tránh rơi vào bẫy chạy theo sản lượng? |
![]() |
Chuẩn hóa quy trình sản xuất để trái cây Việt vươn xa. |
Mỗi thị trường đều đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn với hàng hóa nhập khẩu
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) trong tháng 1, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416 triệu USD, giảm 11,3% với tháng trước (tháng 12-2024 đạt 529 triệu USD) và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024 (tháng 1-2024 đạt 490 triệu USD).
Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả sụt giảm là do nhiều nước đã siết chặt kiểm định về chất lượng hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Đáng chú ý, Trung Quốc- thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam đã siết chặt kiểm tra chất vàng O (Basic Yellow 2 - BY2) và Cadimi trên sầu riêng đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam dẫn đến tình trạng loại trái cây tỷ đô này ùn ứ ở kho và cửa khẩu.
Nhiều lô hàng phải bán với giá “giải cứu” trên thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đã tạm dừng bán sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng đầu năm.
Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã nhanh chóng làm việc với giới chức Trung Quốc để nối lại hoạt động xuất khẩu sầu riêng.
Thông tin về việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, quá trình sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các chuyến hàng sầu riêng đa phần đều đạt chất lượng tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Song, ông Tiến thừa nhận, bước đầu xuất khẩu có những cơ sở, doanh nghiệp, khu vực trồng và đóng gói còn những “chuệch choạc” nhất định.
Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cùng các địa phương rà soát, chấn chỉnh một cách nghiêm túc, từ đó vừa sản xuất trên quy mô lớn vừa có tỷ suất xuất khẩu cao và giá cả đảm bảo.
“Năm ngoái, xuất khẩu loại trái cây này đạt tốc độ tăng trưởng mạnh. Thế nên, Trung Quốc vẫn là thị trường rất quan trọng với các loại nông sản Việt, trong đó có sầu riêng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Còn về việc Trung Quốc siết chặt hàng rào cản kỹ thuật với sầu riêng nhập khẩu, Thứ trưởng cho rằng, ở mỗi thị trường đều đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn với hàng hóa nhập khẩu và chúng ta buộc vào tuân thủ khi xuất khẩu vào đó.
Thực tế, các thị trường nhập khẩu không chỉ kiểm soát chất lượng với trái sầu riêng mà tất cả các loại trái cây.
Ông Đoàn Thanh Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn dẫn chứng: Thị trường Trung Quốc đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất rõ ràng, cả về chất lượng sản phẩm, bao bì, đóng gói, đồng thời nhiều lần thông báo, khuyến cáo cho nhà xuất khẩu Việt Nam trên từng loại trái cây cụ thể. Tuy nhiên vẫn có thương nhân chưa cập nhật, thay đổi thói quen, cải tiến sản phẩm kịp thời, dẫn tới khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa.
Về phía chính quyền tỉnh Lạng Sơn, ông Sơn cho biết thường xuyên khuyến nghị đến các địa phương, vùng xuất khẩu nông sản về việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, mẫu mã cũng như giám sát chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói trái cây.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo: Các doanh nghiệp cần chuyển phương thức xuất nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch bằng các hợp đồng ngoại thương chính thức, giảm thiểu rủi ro và tranh chấp, qua đó giữ vững thị trường xuất khẩu, trong đó thị trường lớn là Trung Quốc.
Các hợp đồng này phải ràng buộc trách nhiệm các bên, xác định phương thức thanh toán, bảo lãnh, tránh việc chuyển hàng tới cửa khẩu rồi chờ thương nhân Trung Quốc tới mua.
Không nên chạy theo tăng trưởng, cần chú trọng phát triển chất lượng
![]() |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam. |
Xuất khẩu rau củ quả, trái cây năm 2024 đã lập thêm kỷ lục mới khi mang về 7,1 tỷ USD. Sang năm 2025, với nhiều yếu tố thuận lợi, trái cây Việt Nam đặt mục tiêu mang về ít nhất 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Về mục tiêu này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, năm 2025, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng chủ lực và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu của loại trái cây này. Sản phẩm dừa tươi cũng sẽ được đánh giá, kiểm duyệt mã vùng trồng đợt 2 của Hải quan Trung Quốc. Do đó, công suất, vùng trồng và sản lượng cũng sẽ bứt phá. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất sang Mỹ và vải thiều đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh leo qua Mỹ mỗi năm sẽ đạt từ 50-100 triệu USD. Do đó, năm 2025 dự báo, xuất khẩu rau, quả sẽ thu về 8 tỷ USD là khả thi. Ngoài ra, bưởi cũng là trái cây được kỳ vọng trong năm tới.
Nhận định về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD trong năm 2025 và đích đến 10 tỷ USD nhiều chuyên gia cho rằng, đích này là khả thi và không quá xa để đạt mức 10 tỷ USD tuy nhiên cần phải cẩn trọng và đi từ từ không nên chạy theo tăng trưởng mà cần chú trọng ưu tiên phát triển chất lượng.
Thực tế, bên cạnh những yếu tố thuận lợi theo Hiệp hội Rau quả, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp.
Hiện nay để đáp ứng với tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường nhiều địa phương đã chuyển hướng sản xuất theo hướng chất lượng cao. Đơn cử như tại Hưng Yên, theo báo cáo của UBND tỉnh, tỉnh có hơn 3.100 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ; đã chuyển hàng nghìn ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao.
Cùng với Hưng Yên, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tập trung xây dựng các chuỗi sản phẩm trồng trọt để biến rau quả trở thành mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Để xuất khẩu bền vững hơn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng cho biết, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
![]() |
![]() |
![]() |