Hình ảnh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe CALCIUM 500 + VIT. D3 |
Thu hồi toàn quốc sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe CALCIUM 500 + VIT. D3
Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục nhận được thông báo từ Văn phòng SPS Việt Nam cảnh báo về việc tồn tại dư lượng 2-chloroethanol trong bột calci carbonat được sử dụng là thành phần trong sản phẩm đã được tiêu thụ tại một số thị trường như: Cộng hòa Litva, Ai-len, Ca-na-đa, Ba Lan, Việt Nam, Li-băng, Romania, I-rắc, Hungary, Mauritius, Hoa Kỳ.
Thông tin về sản phẩm bị cảnh báo và Ba Lan đã thu hồi trên thị trường như sau: Tên sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe CALCIUM 500 + VIT. D3; Quy cách: ống 20 viên x 4,3g; Số lô: 012083QZ; Nhà sản xuất: Maspex–GMW, Sp. z o. o.; địa chỉ: 34-100 Wadowice, ul. Chopina 10, Ba Lan.
Lô sản phẩm đã được Công ty Cổ phần Công nghệ Y học Hồng Đức (Địa chỉ: 246 phố Huế, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam.
Ngày 9/12/2021, Công ty Cổ phần Công nghệ Y học Hồng Đức đã có công văn số 52/HĐ-TP báo cáo Cục An toàn thực phẩm về việc tự thu hồi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nêu trên theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14/9/2018 của Bộ Y tế quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
Đồng thời, trong ngày 9/12/2021, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản số 2408/ATTP-SP gửi Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước để phối hợp giám sát thu hồi lô sản phẩm này.
Trong quá trình công ty thực hiện tự thu hồi lô sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị: Đối với các cơ sở kinh doanh lô sản phẩm nêu trên: Dừng ngay việc kinh doanh, lưu thông lô sản phẩm này;
Đối với người tiêu dùng: Lưu ý không mua sản phẩm có số lô bị cảnh báo trên. Nếu đã mua sản phẩm thuộc lô nêu trên, dừng ngay việc sử dụng và trả lại nơi bán.
2-chlorethanol là chất gì?
2-chlorethanol (Ethylene chlorohydrin hay 2-CE) là sản phẩm phụ trong quá trình khử trùng bằng Ethylene oxide (EO).
2-CE có công thức hóa học là C2H5ClO. Là một chlohydrin đơn giản nhất, 2-CE tồn tại dưới dạng chất lỏng không màu, mùi giống ete dễ chịu và có thể dễ dàng trộn với nước.
Etylen oxit (EO) là một chất không màu và dễ bay hơi, dễ gây cháy nổ, được dùng làm tiền chất tổng hợp nhựa PET, PEG (như thành phần trong vaccine Pfizer/BioNTech), chất tẩy rửa… và dùng trực tiếp để xịt khử khuẩn, hun trùng, trừ sâu. Trước đây EO chỉ nằm trong nhóm có khả năng gây ung thư do có khả năng ankin hóa cấu trúc DNA, nhưng sau đó khi có đủ bằng chứng mới chính thức vào danh sách các chất gây ung thư vào năm 2000. Theo tài liệu của WHO và EPA – Tổ chức bảo vệ môi trường Mỹ, EO đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư máu, ung thư phổi, ung thư dạ dày… nhưng con đường chủ yếu được xác định là qua đường thở. |
2-CE có trong thực phẩm là sản phẩm chuyển hóa từ EO. Với cấu trúc dạng vòng linh hoạt, EO sau khi tiếp xúc với thực phẩm dễ dàng tạo thành các chất chuyển hoá với sự có mặt của các phân tử nước, ion clorua và bromua như Ethylene glycol, 2-chloroethanol (2-CE) và 2-bromoethanol tương ứng. Quá trình này có thể xảy ra ngay khi hun trùng hoặc trong suốt quá trình sản xuất và chế biến nguyên liệu.
2-CE trong thực phẩm có thể hình thành trong quá trình khử trùng bằng EO và lượng sản sinh tính trên khối lượng thực phẩm rất thấp.
Cho đến nay chưa có bằng chứng về việc 2-CE có thể gây ra ung thư, nhưng có những quy định nhất định về hàm lượng chất này trong thực phẩm, cũng như mức độ an toàn cho phép tùy thuộc vào mỗi quốc gia khác nhau.
Theo quy định của Hoa Kỳ và Canada, MRLs cho EO và 2-CE trong gia vị, các loại thảo mộc khô, rau khô và hạt có dầu (kể cả hạt vừng) ở mức 7 và 940ppm, tương ứng. Riêng đối với quả óc chó được quy định bổ sung với ngưỡng cho phép ở mức 50 ppm tại thị trường Hoa Kỳ. Không giống như khung tham chiếu châu Âu, Hoa Kỳ tách biệt riêng giữa EO và 2-CE chứ không quy đổi chung.
Theo quy định của EU, ngưỡng quy định mức dư lượng tối đa (MRLs) được đề xuất ra chung cho hai thành phần: tổng của EO và 2-CE được quy về EO. Theo đó, MRLs của EO tổng trong thực phẩm và hàng hóa nông nghiệp dao động từ 0,02-0,1mg/kg (Quy định 2015/868 của Ủy ban châu Âu). Đối với các thành phần, MRLs cho EO (tổng) được đặt ở mức đối với trà, ca cao và gia vị đã được hạ xuống 0,1 mg/kg; MRLs đối với các loại hạt, quả có dầu và hạt có dầu giảm xuống còn 0,05 mg/kg, và đối với trái cây, rau, cây đường, nấm và đậu, chúng được giảm xuống 0,02 mg/kg. MRLs đối với ngũ cốc và các sản phẩm có nguồn gốc động vật được giữ ở mức 0,02 mg/kg. Đối với các sản phẩm trồng trọt, MRLs mới được đặt ở mức 0,05 mg/kg.
Theo quy định tại Úc và New Zealand, MRLs cho phép tối đa là 20mg/kg đối EO và 2-CE trong thực phẩm cho đến năm 2001, tuy nhiên nó đã được dỡ bỏ dần và hiện tại chỉ áp dụng với một số lượng hạn chế các ngành công nghiệp sử dụng EO trong kỹ thuật hun trùng loại bỏ mầm bệnh từ thảo mộc và gia vị.
Theo quy định của Hàn Quốc, sau sự việc cũng liên quan đến 2-CE của Công ty Nongshim ở Châu Âu, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm đã áp dụng tạm thời giá trị hàm lượng 2-CE đối với sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, hải sản và thực phẩm chế biến là từ 30 ppm trở xuống, và giá trị tiêu chuẩn đối với các sản phẩm dùng cho trẻ sơ sinh là từ 10 ppm trở xuống.
Hàng loạt sản phẩm của các "ông lớn" xuất đi EU bị thu hồi do chứa 2-CE và EO
Mì tôm Hảo Hảo và nhiều sản phẩm khác của Acecook Việt Nam bị EU thu hồi do chứa hàm lượng chất 2-chloroethanol và EO vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU |
Liên quan đến chất 2-chloroethanol, mới đây, một số lô mì tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Acecook Việt Nam xuất sang Pháp bị yêu cầu thu hồi do chứa hàm lượng chất 2-chloroethanol (2-CE, chất chuyển hoá từ Ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.
Các lô bị thu hồi tại Pháp lần này có hạn sử dụng tới tháng 3, tháng 5, tháng 8 và tháng 9/2022. Cơ quan chức năng Pháp yêu cầu thu hồi trước ngày 31/1/2022.
Trước đó, hồi tháng 8, Ireland yêu cầu thu hồi còn Đức, Hà Lan... cũng ra cảnh báo một số lô sản phẩm mì Hảo Hảo, miến ăn liền Good của Acecook Việt Nam vì chứa chất Ethylene Oxide.
Ngoài các sản phẩm của Acecook thì sản phẩm mỳ khô vị bò gà của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương cũng bị EU thu hồi do có chứa chất Ethylene Oxide.
Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI), Ethylene Oxide là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu. Việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc với chất này.
Pháp thu hồi mì tôm Hảo Hảo và nhiều loại sản phẩm của Acecook Việt Nam |
Kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide để đảm bảo an toàn thực phẩm |
Chất Ethylene Oxide có thực sự nguy hiểm? |