Du khách tham quan ở cây Cầu Vàng - Khu du lịch Bà Nà Hills, Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng |
Vận tải hàng không là phương tiện được du khách ưu tiên lựa chọn hàng đầu do khả năng có thể đưa khách tới những điểm đến xa một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Hai ngành du lịch và hàng không kết nối với nhau bằng mối quan hệ cộng sinh. Du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và hàng không tạo đà cho phát triển du lịch.
Kỳ nghỉ lễ cũng như mùa hè đang đến gần. Giờ là lúc người người, nhà nhà lên kế hoạch du lịch cho bản thân và gia đình. Tới thời điểm này các điểm đến nước ngoài đang có vị thế áp đảo, bởi thời gian gần đây giá tour nội địa đã tăng cao. Mặc dù xét về tính hấp dẫn, các điểm đến như Thái Lan, Indonesia… chưa chắc đã bằng Việt Nam, song chi phí rẻ đang là động lực hút khách tới những quốc gia này.
Tour nước ngoài được chốt nhiều nhất
Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 diễn ra từ 11 - 14/4, với sự góp mặt của nhiều gian hàng và các đơn vị lữ hành cả trong và ngoài nước. Ngay từ ngày đầu tiên Hội chợ, rất đông người dân, du khách đã đến tham quan, trải nghiệm để tìm kiếm các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, trong khi giá tour nước ngoài được các đơn vị lữ hành chào bán giảm khá mạnh, lên tới 3-4 triệu đồng/tour, thì mức giảm với giá tour nội địa chỉ từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng.
Chẳng hạn, Công ty Flamingo Redtours quảng bá giá tour du lịch bán tại hội chợ giảm tới 4 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ áp dụng đối với tour outbound như Hàn Quốc (5 ngày) giá trọn gói 12,5 triệu đồng; đi Nhật Bản 16,9 triệu đồng; Trung Quốc (4 ngày) 10 triệu đồng; Malaysia - Singapore hay Đài Loan - Trung Quốc (5 ngày) gần 11 triệu đồng,…
Mức giảm giá 3 triệu đồng cũng chỉ được áp dụng với các sản phẩm tour mới của Nhật Bản. Khách còn có cơ hội chớp tour giá sốc, mở bán trong 30 phút vào 20h mỗi tối, song cũng chỉ áp dụng cho tour đi nước ngoài.
Ngược lại, với tour nội địa, chùm tour kích cầu bay Vietnam Airlines của công ty này, mức giá giảm cao nhất chỉ là 1,3 triệu đồng.
Sau nửa ngày tham quan các gian hàng, bà Nguyễn Thu Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đã về hưu, nên có nhiều thời gian hơn để đi du lịch, tuy nhiên giá vé nội địa năm nay khá cao, nên chúng tôi đang chuyển hướng sang đi nước ngoài, bằng đường bộ, với chi phí ngang nhau, nhưng lại có nhiều trải nghiệm khác biệt hơn”.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho biết: Đơn vị mang đến Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2024 chương trình kích cầu lớn nhất trong năm gồm 4 bộ sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách như: 60 hành trình ưu đãi giảm tới 40%, 30 hành trình mới - độc - lạ, bộ sản phẩm hè và lễ 30/4 -1/5...
Theo đó, bộ sản phẩm có giá giảm tới 40%, có chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn từ 3 sao tới 5 sao với các hành trình trải dài từ các tuyến đường bay và đường bộ Việt Nam. Các hành trình được ưu đãi đều là những tuyến điểm đang được du khách yêu thích như: Đông Nam Á có Thái Lan, Singapore, Bali; Đông Bắc Á có Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và liên tuyến 2 nước Nhật - Hàn. Trong đó tuyến Trung Quốc có tới 5 cung hành trình là Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu, Bắc Kinh - Thượng Hải, Cửu Trại Câu, Thành Đô - Tứ Xuyên, Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn…
Với những ưu đãi này, chỉ riêng trong sáng 11/4, Vietravel đã ghi nhận hơn 3000 lượt khách ghé thăm, với doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng, trong đó các hành trình tour nước ngoài được du khách đặc biệt quan tâm, chiếm tới 62% lượng tour.
Cô Nguyễn Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau khi tham khảo một vòng những điểm đến trong nước của các hãng hàng không nội địa, so với năm ngoái, năm nay giá vé dịp 30/4 đi đến các điểm du lịch cao và khó mua hơn.
Gia đình cô Phương dự định đi Côn Đảo nhưng chuyến bay không có nhiều sự lựa chọn, giá vé cũng cao. Chưa kể, hiện nay không còn chuyến bay thẳng từ Hà Nội đi Côn Đảo mà phải bay nối chuyến với TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, gia đình đang bàn luận việc nên đi ô tô đến điểm du lịch gần hay đi tour nước ngoài, vì giá cũng chẳng chênh hơn trong nước là bao.
Cô Phương cho biết: “Với giá trung bình từ 4 - 8 triệu đồng/cặp vé khứ hồi đến tuỳ địa điểm du lịch trong nước thì cũng không phải rẻ. Với số tiền này, tôi sẽ thêm một chút để du lịch Thái Lan hoặc Trung Quốc”.
Chờ mối liên kết hàng không - du lịch
Du khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Như Hà |
Lý giải về việc tour nước ngoài có mức ưu đãi vượt trội, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan, cho rằng, trước đây VITM là hội chợ kích cầu giảm giá nhờ có sự hỗ trợ của các hãng hàng không.
Năm nay, hầu hết đơn vị lữ hành không làm chương trình khuyến mãi với các tour đường bay nội địa mà chủ yếu giảm giá tour outbound.
Các sản phẩm nội địa, nếu có khuyến mãi, thường không sử dụng máy bay; một số sản phẩm có đường bay nhưng số lượng và mức giảm rất ít do giá vé máy bay nội địa đắt đỏ.
Thế nhưng, tour nước ngoài lại giảm giá sâu nhờ giá vé máy bay của hãng hàng không nước ngoài rẻ hơn, giảm bao nhiêu công ty lữ hành giảm giá tour bấy nhiêu. Hơn nữa, theo ông Hoan, là có sự tham gia rất lớn của cơ quan xúc tiến du lịch các nước tại Việt Nam trong việc hỗ trợ truyền thông quảng cáo, quà tặng, cùng đối tác landtour giảm giá.
Liên quan đến tình hình cung tải của ngành hàng không trong dịp cao điểm hè 2024, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh nguyên nhân thiếu hụt đội bay thì dường như các hãng hàng không cũng không quá mặn mà với du lịch nội địa.
Bằng chứng là hiện nay, các hãng liên tục mở đường bay quốc tế mới, nhưng đường bay trong nước lại dần bị thu hẹp. Các đường bay quốc tế đến Úc, Ấn Độ, Nhật Bản... được khách lựa chọn nhiều, vì vậy, được các hãng ưu tiên phục vụ vì có doanh thu tốt hơn.
Mặt khác, sự hợp tác giữa hàng không và du lịch còn nhiều bất cập đang gây khó cho ngành du lịch và sự phục hồi của nhiều ngành nghề khác.
Theo thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương, vận tải hàng không là phương tiện được du khách ưu tiên lựa chọn hàng đầu do khả năng có thể đưa khách tới những điểm đến xa một cách nhanh chóng và thuận tiện.
“Việc giá vé máy bay tăng cao, đặc biệt ở các đường bay trong nước ngay trước thềm dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5, lập tức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nội địa. Do đó, cùng với việc thiếu máy bay và tăng trần giá vé, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch, người dân rất có thể sẽ quay lưng với hàng không và du lịch nội địa dịp hè” - bà Hoàng Thị Thu Phương cho hay.
Một khi người dân lựa chọn thay đổi điểm đến, chọn những nơi không bắt buộc phải di chuyển bằng đường hàng không, thậm chí, chuyển hẳn sang du lịch nước ngoài sẽ có tác động rất lớn đến du lịch nội địa, làm giảm sức hút với cả du khách trong nước lẫn quốc tế, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng ngành dịch vụ du lịch.
Muốn phát triển lâu dài, đầu tiên, hàng không phải đặt mình trong bức tranh chung của ngành du lịch dịch vụ, ưu tiên tháo gỡ bài toán thiếu máy bay. Việc xác định thị trường khách trọng điểm và thị trường mục tiêu cũng rất quan trọng để cả ngành hàng không lẫn du lịch có thể vận hành nhịp nhàng và bền vững.