![]() |
Lá cẩm còn có tên gọi khác là lá nếp cẩm, tên tiếng Anh là Magenta Plant, tên khoa học là Peristrophe bivalvis. Đây là một loài cây thân thảo và được trồng chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á.
Cây lá cẩm có ba loại, gồm lá cẩm tím, lá cẩm đỏ và lá cẩm vàng.
Cây lá cẩm tím, tên gọi khác là chằm lai có lá màu xanh nhạt, mỏng, ít lông và hình trứng rộng. Đặc biệt, dịch của lá cẩm tím tiết ra có màu tím vô cùng bắt mắt.
Cây lá cẩm đỏ còn được gọi là cây chằm thủ, có dịch màu đỏ. Lá của cây lá cẩm đỏ có hình bầu dục, xanh đậm và có nhiều lông.
Cây lá cẩm vàng lại có tên gọi khác là cây chằm hiên hay cây cẩm dại. Lá của chúng có hình trứng, gốc lá thon và có đầu nhọn. Nếu vò lá cẩm vàng, bạn sẽ thấy lá tiết ra dịch màu vàng xanh.
Cây lá cẩm thường mọc nhiều ở gần bờ suối hoặc những nơi có độ ẩm cao. Cây có chiều cao trung bình khoảng 50 - 100cm, lá dài khoảng 2 - 7cm, thuôn nhọn về phía đuôi. Thân cây lá cẩm thường có 4 cạnh, bề mặt thân có những rãnh dọc sâu.
Khi cành còn non sẽ có lông bao phủ, khi già thường nhẵn. Loại cây này thường ra hoa vào mùa thu và hoa sẽ có màu đỏ tươi hoặc đỏ tím.
Công dụng của lá cẩm
![]() |
Trong y học cổ truyền, lá cẩm là loài cây có tính mát, vị ngọt thanh và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Lá cẩm được xem như một vị thuốc hiệu quả dùng để thanh phế, giảm ho và cầm máu. Khi kết hợp cùng những vị thuốc khác, lá cẩm còn có công dụng điều trị các bệnh như viêm phế quản, bong gân, lao phổi, khái huyết,...
Ngoài ra, lá cẩm còn có công dụng làm giảm rôm sảy, mụn nhọt. Do đó, lá cẩm cũng được sử dụng để pha nước tắm cho trẻ nhỏ, đặc biệt là vào mùa hè.
Trong nấu ăn, lá cẩm còn được nhiều người sử dụng như một loại màu nhuộm thực phẩm. Với màu sắc đặc trưng, lá cẩm thường được dùng để tạo màu cho các món ăn như bánh, xôi, mứt,..., giúp món ăn thêm phần đẹp mắt, hấp dẫn.
Cách nấu xôi lá cẩm đơn giản ai cũng làm được
Xôi lá cẩm có màu tím quyến rũ và mùi thơm ngọt ngào của nếp. Món ăn này có thể làm món ăn vặt hay bữa chính đều được.
Nguyên liệu
![]() |
Gạo nếp 1 kg
200g lá cẩm
120ml nước cốt dừa
1 bó lá dứa
600ml nước sạch
Gia vị: muối, đường
Cách làm
![]() |
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên, bạn vo sạch nếp, đem đi để ráo. Lá cẩm bạn đem rửa thật sạch, chọn những lá thật tươi.
Bước 2: Nấu nước lá cẩm
Bạn bắc một cái nồi bỏ vào 400ml nước, để lửa lớn cho đến khi nước sôi thì bỏ lá cẩm vào. Nấu khoảng 10 đến 15 phút để lá cẩm tiết hết chất ra, nước đạt màu tím nhất định thì thêm 200ml nước vào nấu đến khi nước sôi thì tắt bếp, lấy rây để lọc đi phần lá.
Bước 3: Ngâm nếp
Bạn lấy phần nếp ban đầu để ráo, ngâm vào phần nước lá cẩm để nguội, trộn đều và ngâm trong 2 tiếng để nếp bám màu. Sau 2 tiếng, bạn chắt bỏ đi phần nước, cho vào 1 muỗng cà phê muối rồi đem đi hấp.
Bước 4: Hấp xôi và hoàn thành
Bạn bắc nồi lên bếp, cho vào nồi 3l nước và 1 bó dứa để hấp xôi, xôi sẽ có thêm mùi dứa và thơm ngon hơn, rồi cho xửng vào nồi để làm nóng trước khi cho nếp vào. Nếu nhà bạn không có dụng cụ hấp xửng, bạn có thể dùng nồi cơm điện để nấu xôi lá cẩm.
Lấy 1 cái chén nhỏ gồm 120ml cốt dừa và 100g đường rồi khuấy thật đều cho đến khi đường tan.
Khi nước trong nồi sôi thì đổ nếp vào và đậy nắp lại. Nấu chừng 30 phút thì cho phần cốt dừa vào để tạo độ béo ngọt cho xôi, nhớ lấy đũa xới xôi cho tơi ra xíu rồi đậy nắp nấu thêm 10 phút là hoàn thành.
Xôi lá cẩm bạn có thể ăn chung với đường nếu thích ngọt, cũng có thể thêm ít cốt dừa để thêm vị béo tùy thích, món này có thể ăn sáng, ăn vặt đều được, đây cũng là món ăn thuở nhỏ ai cũng mê.
Thưởng thức
![]() |
Mở nắp ra bạn sẽ thấy mùi thơm lá dứa và màu tím quyến rũ của xôi lá cẩm, xúc thử một muỗng nếm thử cảm giác mềm mại, béo ngọt lan tỏa trong miệng.